Chiều kích của một FTA

Thủ tướng Nga và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại lễ ký kết.
Thủ tướng Nga và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại lễ ký kết.
TP - Sau hơn 2 năm tích cực đàm phán, chiều tối ngày 29/5 tại  Bu-ra-bai, Cộng hoà Ca-dắc-xtan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng Liên minh Kinh tế Á - Âu và Thủ tướng các nước thành viên bao gồm Nga, Ác-mê-nia, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan và Cư-rơ-gư-xtan đã ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do (VCUFTA) một hiệp định có ý nghĩa chiến lược cho cả Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu.

Phóng viên báo Tiền Phong có mặt tại Lễ ký vừa gửi về bài viết.

Rạng sáng một ngày hè, có lẽ là nực nhất trong năm, chuyên cơ đưa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đi Ca-dắc-xtan dự Lễ ký Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á Âu.

Câu chuyện với Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng trong phòng đợi hồi nãy hình như có vơi đi một chút  oi, nực? Liên Xô tan rã liền ngay đó là một hệ lụy thị trường nước Nga mênh mông cũng như các nước cộng hòa khác trống vắng hoạt động thương mại của Cộng hòa XHCN Việt Nam. Sau này cũng có những bươn chải cố gắng này khác nhưng những rào cản không đáng có như thể thức thanh toán, phương thức vận chuyển… tạo nên rất nhiều kìm hãm cho việc buôn bán làm ăn.

Chuyến tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Nga  cuối năm 2009 có lẽ khá ấn tượng với Bộ trưởng Hoàng.  Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam thẳng thắn đề cập, phải cố gắng đưa cái ý vào Tuyên bố chung rằng sẽ sớm tiến hành việc ký kết Hiệp ước Tự do Thương mại FTA giữa Việt Nam với Liên minh thuế quan Nga - Bê-la-rút- Ca-dắc-xtan…

FTA. Là cái gì vậy? Lần ấy, một chuyên gia kinh tế  gần gụi với Bộ trưởng Hoàng  đã cố vỡ vạc cho tôi về cái FTA đại thể thế này.

Hiệp định thương mại tự do (FTA- Free Trade Agreement) là một Hiệp ước thương mại giữa hai hoặc nhiều quốc gia. Theo đó, các nước sẽ tiến hành theo lộ trình cắt giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan cũng như phi thuế quan nhằm tiến tới việc thành lập một khu vực mậu dịch tự do. Theo thống kê của Tổ chức thương mại thế giới, đã có hàng trăm FTA có hiệu lực. Các FTA có thể được thực hiện giữa hai nước riêng lẻ hoặc có thể đạt được giữa một khối thương mại và một quốc gia đóng vai trò đắc lực trong việc hạ dần các rào cản thương mại thế giới trong việc làm ăn buôn bán thông thương mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn, góp phần  giữ cho nền kinh tế ổn định.

Tính đến nay, Việt Nam ký kết FTA song phương là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - Nhật Bản (Vietnam - Japan economic Partnership Agreement VJEPA) và Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Chile. Đến cuối năm 2013, Việt Nam đã cùng ASEAN ký kết và triển khai thực hiện 6 hiệp định FTA. Hiện nay, Việt Nam đang tích cực triển khai việc đàm phán TPP… cũng nhằm mục đích ấy nhưng với quy mô lớn hơn.

Trở lại với cái câu phải đưa vào Tuyên bố chung ấy. Thời điểm ấy, tạo được sự đồng thuận ngoại giao để đưa vào văn kiện đã khó. Thực tế triển khai ra sao lại càng nan giải bội phần. Nhưng có lẽ đất có tuần nhân có vận và những gắng gỏi nhiều mặt đã thúc đẩy nhanh một lộ trình cam go. Tháng 12/2009, ghi vào Tuyên bố chung. Tháng 3/2013, với cố gắng của cả hai bên, vòng đàm phán đầu tiên về Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh thuế quan- tổ chức tiền thân của Liên minh KT Á Âu (VCUFTA) được khởi động tại Hà Nội.

Đã có 8 vòng đàm phán. 4 ở Việt Nam và 4 ở nước ngoài. Mỗi một vòng thường tròm trèm trên dưới một tuần lễ. Mà vòng nào cũng đều có mặt của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.

Như vậy, từ ngày 28/3/2013, sau 8 phiên đàm phán chính thức và nhiều phiên họp giữa kỳ ở cấp kỹ thuật, hai bên đã cơ bản thống nhất nội dung Hiệp định với phạm vi toàn diện, mức độ cam kết cao và đảm bảo cân bằng lợi ích, có tính đến điều kiện cụ thể của từng bên.

Qua trao đổi nhanh với Bộ trưởng Hoàng, tôi cũng được biết thêm, Liên minh hải quan là thị trường xuất khẩu hàng hóa truyền thống của Việt Nam, có quy mô tiêu dùng rộng lớn với 170 triệu dân và đang phát triển, với nhiều tiềm năng và thế mạnh trong công nghiệp, khoa học - kỹ thuật.

Hiệp định này là FTA đầu tiên Liên minh ký kết với một nước ngoài. Do vậy, hai bên một lần nữa đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc ký kết Hiệp định như là một công cụ quan trọng để góp phần liên tục thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác và củng cố sự phát triển thương mại và đầu tư trên cơ sở hai bên cùng có lợi.

Đây là một hiệp định thương mại thế hệ mới có tính toàn diện, bao gồm các lĩnh vực, từ thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư.

Với sự thỏa thuận của Hiệp định này, Việt Nam và Liên minh hải quan sẽ có thêm nhiều điều kiện để thúc đẩy quan hệ song phương cũng như thúc đẩy quan hệ của Liên minh hải quan với các nước ASEAN và khu vực.

Khi Hiệp định được ký kết sẽ đưa kim ngạch 2 chiều giữa 2 bên lên một mức mới cũng như giảm rào cản, thúc đẩy đầu tư song phương, tạo việc làm mới cho người lao động... qua đó góp phần thiết thực vào sự phát triển chung tất cả các bên.

Lịch sử của VCUFTA sẽ ghi đậm sự kiện, từ ngày 8 - 14/12/2014 tại Trung tâm Hội nghị huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng phụ trách Thương mại Ủy ban Kinh tế Á - Âu An-đrây Slep-nhe đã diễn ra phiên đàm phán chất lượng vượt qua một số trở ngại thường xuất hiện ở những phiên đàm phán trước. May mắn đây cũng là phiên đàm phán cuối cùng sau 8 phiên  đàm phán của Hiệp định VCUFTA.

Và chiều 29/3/2015 tại thành phố du lịch Bu-ra-bai nổi tiếng của cả vùng Trung Á nằm giữa một bình nguyên mênh mông (từ sân bay quốc tế của CH Ca-dắc-xtan, xe chạy đúng trăm ki lô mét mới tới)  diễn ra trọng thể Lễ ký hiệp định thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu.

Tại sảnh I, khách sạn Rivos của Bu-ra-bai, đại diện Ban tổ chức trân trọng mời Thủ tướng Cộng hòa Ác-mê-nia, Cộng hòa Bê-la-rút, Cộng hòa Ca-dắc-xtan, Cộng hòa Cư-rơ-gư-xtan, Cộng hòa XHCN Việt Nam và Ngài Chủ tịch Ban Thường trực Liên minh Kinh tế Á - Âu lên vị trí trang trọng để tham gia Lễ ký kết.

Đã 8 giờ tối Ca-dắc-xtan mà ngó ra ngoài trời vẫn rực nắng. Để ý thấy Thủ tướng chính phủ các nước ký văn bản theo thứ tự của bảng chữ cái: Ác-mê-nia, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan, Cư-rơ-gư-xtan, Liên bang Nga, Việt Nam và Chủ tịch Ban thường trực liên minh kinh tế Á - Âu.

Chiều kích của một FTA ảnh 1

Mặt tiền Trung tâm - nơi diễn ra Lễ ký kết.

Ngay sau Lễ ký, tôi đã nán lại với ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Ngân hàng đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) phụ trách nhóm doanh nhân tháp tùng chuyến thăm của Thủ tướng gồm những ông lớn tài chính, ngân hàng, dệt may, giầy da, thủy sản, bất động sản, đầu tư khu công nghiệp, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ… đã bật mí cho tôi một sự kiện thế này (cũng cần nói thêm rằng, khác với những chuyến thăm mà tôi biết, các doanh nghiệp tháp tùng chuyến thăm của Thủ tướng thường quy vào một mối do Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam phụ trách. Nhưng tại Lễ ký và chuyến thăm Ca-dắc-xtan này, đội hình doanh nhân doanh nghiệp do Cục xúc tiến Thương mại của Bộ KHĐT trực tiếp quản lý. Ý chừng chuyến đi và sự có mặt của hơn 30 doanh nhân cộm cán này, chức năng nhiệm vụ xúc tiến thương mại mà cụ thể là bập ngay và chú trọng vào chuyện hợp tác làm ăn là chủ yếu?).

Trở lại điều bật mí của ông Bắc Hà ấy là thời gian tới (hình như đã được ấn định khoảng tháng 9 này) để hưởng ứng triển khai cụ thể Hiệp định FTA vừa được ký kết, BIDV sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng hai nhà nước Việt - Nga rốt ráo bàn định để thực hiện một sự kiện lớn. Đó là việc thành lập một khu công nghiệp hay là một đặc khu kinh tế cách Mát-xcơ-va khoảng 50 km. Phía Nga xin nhường cho Việt Nam khâu tổ chức vì họ nói Việt Nam có kinh nghiệm trong việc này và về phía mình, Nga sẽ hết lòng ủng hộ cũng như thúc đẩy dự án thành công trên tinh thần và những điều cốt yếu ưu việt mới có của Hiệp định. Sẽ có những đột phá tại Dự án này về góp vốn về giá thuê đất cùng các thủ tục thương mại lẫn thuế quan. Đó là một tổ hợp dệt may, da giầy, linh kiện điện tử, chế biến thủy sản, nhựa, kho ngoại quan… Thông tin có lẽ phải nín thở mới có thể nghe tiếp, ấy là hàng ngàn, hàng chục ngàn lao động Việt Nam trong đó có không ít dạng bất hợp pháp mà cộng đồng mình vẫn dùng cụm từ lao động đen trước nay vẫn đầu tắt mặt tối lấm lét chui nhủi làm lụng để kiếm sống- sẽ được tập hợp dồn tụ vào khu kinh tế công nghiệp này!

Một cú hích về tài chính nữa, theo tinh thần của FTA mới mà ông Bắc Hà nhân thể bật mí. Ấy là  BIDV sẽ tổ chức một cuộc tọa đàm để các doanh nghiệp Nga Việt vướng về phương thức thanh toán song phương bằng đồng nội tệ (Rúp và Việt Nam đồng- VND) để tìm lối ra tối ưu nhất. Một điều khích lệ với hội thảo tọa đàm là đã có hơn 450 doanh nghiệp đăng ký tham dự!

Chứng kiến sẻ chia với sự kiện FTA này không phải tất cả các doanh nhân đều hăm hở. Tôi gặp ở xứ Trung Á này một gương mặt cũng có thể nói là cộm cán trong số doanh nhân Việt. Anh là út của một gia đình có 10 người con ai cũng thành đạt mà tất cả đều khởi đầu bằng nghề buôn phân bón. Chắc bạn đọc đã nhận ra đó là doanh nhân Trần Văn Mười (sinh năm 1962) em của đại gia bất động sản Trần Văn Cường nổi tiếng một thời. Mười hiện là chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Quốc tế Năm sao. Mười có một cơ ngơi đáng nể đó là tổ hợp sản xuất phân bón năm sao ở đất Campuchia. Trần Văn Mười từng được Thủ tướng Hunxen đến thăm cơ ngơi và tặng Huân chương Hiệp sĩ. Chứng kiến những nét trầm ngâm trên khuôn mặt sớm chững chạc và chất giọng thận trọng của đại gia phân bón, tôi gạn hỏi thì được biết,  thông tin cùng những điều tai nghe mắt thấy quanh sự kiện FTA vừa ký,  Mười còn phải điều nghiên nhiều thì mới thể có quyết định này khác.

Còn một đại gia khác đã làm ăn dài dài nhiều năm trên đất Nga và cả xứ Trung Á từng có tiếng là khá thành đạt này như Trịnh Thanh Huy, Ủy viên Hội đồng thành viên Công ty vật liệu xây dựng Việt Nam (VMC) thì anh thẳng thắn rằng phần lớn những gì vướng mắc từ trước đến nay mà các doanh nhân đang làm ăn ở xứ người gặp phải thì nay với FTA đã được cởi bỏ tháo gỡ khá nhiều. Và cũng bất ngờ anh bộc bạch, đại loại FTA như là cái cách bày cỗ cho người Việt mình ngồi. Nếu không chú trọng chăm chút lo lắng với tình trạng sản phẩm chất lượng hàng hóa và hệ thống dịch vụ của người Việt ở nước ngoài chẳng hạn thì người ngoài sẽ ngồi ngay vào chỗ người Việt mình! Câu chuyện của anh Huy như mở rộng, như nối dài và khá thú vị về tố chất của người Việt khi can dự vào thị trường nước ngoài.

Điều đại gia Huy trăn trở cảnh báo dè chừng cũng là mối lo chung vậy? Nỗi lo chính là những thách thức. Thách thức ở đây không phải là Việt Nam sẽ phải mở cửa thị trường cho các nước  VCUFTA, cho các sản phẩm thế mạnh của Liên minh thuế quan như phụ tùng - thiết bị - máy móc, kim loại, phân bón, dầu thô, khí hoá lỏng… sẽ vào thị trường Việt Nam với giá cả cạnh tranh hơn (các sản phẩm này Việt Nam không sản xuất được, phải nhập khẩu, thực tế ta cũng đã mở cửa theo các FTA đã có, hoặc  các FTA sắp tới, nên tác động đến các doanh nghiệp trong nước của Hiệp định này, nếu có, thì cũng không quá lớn so với việc không có cam kết mở cửa theo VCUFTA) mà cái lo là hiện tại là các  doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường VCUFTA một thị trường tương đối đóng với hàng hoá (thuế quá cao với hàng hoá nhập khẩu. Còn nhiều những rào cản phi thuế khác như yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, tính minh bạch còn yếu… Quy trình, thủ tục nhập khẩu tương đối phức tạp và không rõ ràng,  gây nhiều trở ngại cho hàng xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này…). Một mối lo nữa mà doanh nghiệp chúng ta cần phải tăng cường tính chủ động khi hiệp định có hiệu lực, cần chủ động tìm hiểu các nội dung cam kết và  tìm cách vận dụng sao cho có lợi nhất cho mình.

Rồi nữa, doanh nghiệp cần chủ động cải thiện năng lực cạnh tranh của chính mình mà điều cốt yếu là phải nâng cao chất lượng sản phẩm để tận dụng được các cơ hội từ  VCUFTA.

Tôi nhớ thêm chi tiết trong câu chuyện của Bộ trưởng Hoàng là hôm kết thúc vòng đàm phán thứ 8, vòng đàm phán cuối cùng, trong buổi liên hoan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thân mật tự tay lấy bánh tráng và cá lóc nướng trui, đặc sản Nam bộ, đặc sản Việt cuốn lại mời tận tay khách…

Và tối nay Thủ tướng Ca-dắc-xtan, nhân Lễ ký thành công FTA cũng mời cơm thân mật các quan khách ngay tại ngôi lều truyền thống dân tộc Kazac trong khu du lịch nổi tiếng Bu-ba-rai. 

Hiệp định VCUFTA bao gồm các nhóm nội dung chính về Thương mại hàng hóa, Quy tắc xuất xứ, Phòng vệ thương mại, Thương mại dịch vụ, Đầu tư, Sở hữu trí tuệ, Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), Quy tắc xuất xứ, Thuận lợi hóa hải quan, Phòng vệ thương mại, Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), Công nghệ điện tử trong thương mại, Cạnh tranh, Pháp lý và thể chế.

Nội dung quan trọng nhất của Hiệp định là các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa của cả hai bên, cụ thể:

Liên minh thuế quan sẽ dành cho Việt Nam nhiều ưu đãi thuế quan, đặc biệt đối với một số nhóm hàng xuất khẩu thế mạnh của chúng ta như nông sản, thủy sản, dệt, may, da giày và đồ gỗ.

Phía Việt Nam đồng ý mở cửa thị trường có lộ trình cho Liên minh hải quan đối với một số sản phẩm chăn nuôi, một số mặt hàng công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải. Cần lưu ý rằng, Các mặt hàng này đều không cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam mà ngược lại góp phần làm đa dạng hóa thêm thị trường tiêu dùng trong nước.

Ngoài ra còn có các cam kết khác về dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, phòng vệ thương mại, giải quyết tranh chấp, SPS, TBT... đều được thống nhất trên cơ sở các quy định của WTO, đảm bảo cân bằng lợi ích, phù hợp với quy định pháp luật trong nước.

(Nguồn Bộ Công Thương)

MỚI - NÓNG