Bất kỳ hoạt động tái chế nhiên liệu mới nào của Triều Tiên cũng có thể làm xấu hơn tiến trình đối thoại Mỹ - Triều sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un gặp nhau tại Hà Nội vào cuối tháng 2.
Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) tại Washington vừa nói trong một báo cáo rằng hình ảnh vệ tinh chụp cơ sở hạt nhân Yongbyon từ ngày 12/4 phát hiện 5 toa tàu chuyên dụng ở gần cơ sở làm giàu urani và phòng thí nghiệm hóa học.
CSIS cho rằng hoạt động này có thể là dấu hiệu vận chuyển vật liệu phóng xạ.
“Trước đây, những toa tàu chuyên dụng này có vẻ liên quan đến việc vận chuyển vật liệu phóng xạ hoặc tái xử lý”, báo cáo viết.
Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về các thông tin tình báo, nhưng Reuters dẫn một nguồn tin nắm được đánh giá của chính phủ Mỹ nói rằng các chuyên gia Mỹ cho rằng hoạt động nói trên của Triều Tiên có thể liên quan đến việc tái chế, nhưng họ nghi ngờ đó là một hoạt động hạt nhân đáng kể.
Bà Jenny Town, một chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Stimson, cho rằng nếu hoạt động tái chế đang diễn ra thì đó là chuyện đáng kể, trong bối cảnh Mỹ - Triều trải qua nhiều hoạt động ngoại giao trong năm ngoái nhưng không thể đạt được một thỏa thuận về cơ sở Yongbyon khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau tại Hà Nội vào cuối tháng 2.
“Vì không có thỏa thuận nào với Triều Tiên về Yongbyon, sẽ là một thời điểm thú vị nếu họ đang bắt đầu điều gì đó rất nhanh chóng sau khi rời Hà Nội”, bà nói.
Cuộc gặp ở Hà Nội không dẫn đến kết quả nào sau khi ông Trump đề xuất “một thỏa thuận lớn” mà theo đó Mỹ sẽ dỡ bỏ cấm vận cho Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng nộp tất cả vũ khí hạt nhân và vật liệu phân hạch cho Mỹ. Ông Trump bác bỏ cách thức phi hạt nhân hóa từng bước mà ông Kim đề xuất, trong đó có đề nghị dỡ bỏ cơ sở hạt nhân Yongbyon.
Dù Triều Tiên không thực hiện vụ thử hạt nhân và tên lửa nào từ năm 2017 nhưng giới chức Mỹ cho rằng Bình Nhưỡng vấn tiếp tục sản xuất vật liệu phân hạch để có thể chế tạo thành bom.
Tuần trước, ông Kim nói rằng kết quả cuộc gặp ở Hà Nội làm tăng nguy cơ căng thẳng quay lại, và rằng ông chỉ muốn gặp lại ông Trump nếu Mỹ có thái độ đúng đắn.
Ông Kim nói sẽ đợi “đến cuối năm nay” để Mỹ quyết định phải linh hoạt hơn. Đầu tuần này, ông Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo gạt bỏ yêu cầu đó của nhà lãnh đạo Triều Tiên. Ông Pompeo nói rằng ông Kim nên giữ lời hứa từ bỏ vũ khí hạt nhân như đã nói từ trước.
Bà Town cho rằng bất kỳ hoạt động tái chế mới nào ở Yongbyon cũng cho thấy tầm quan trọng của cơ sở này trong chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Một nghiên cứu của Trung tâm An ninh và Hợp tác quốc tế thuộc ĐH Stanford (Mỹ) đưa ra trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh ở Hà Nội nói rằng Triều Tiên vẫn tiếp tục sản xuất nhiên liệu chế tạo bom trong năm 2018 và có thể họ đã sản xuất đủ trong năm qua để bổ sung thêm 7 quả bom hạt nhân vào kho vũ khí của mình.
Các chuyên gia ước tính kho vũ khí hạt nhân hiện nay của Triều Tiên là khoảng 20-60 đầu đạn.