Ngày 11/9, toàn bộ 15 thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhất trí thông qua các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên để tiếp tục răn đe quốc gia này sau cuộc thử hạt nhân lần thứ sáu hôm 3/9. Nghị quyết trừng phạt số 2375 áp đặt mức trần nhập khẩu dầu thô của Triều Tiên là 4 triệu thùng/năm và mức trần nhập khẩu các sản phẩm dầu tinh chế là 2 triệu thùng/năm. Khí thiên nhiên hóa lỏng và ngưng tụ cũng bị hạn chế nhập khẩu. Đây là lần đầu tiên Hội đồng Bảo an đưa ra lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ của Triều Tiên. Nghị quyết 2375 còn bao gồm lệnh cấm vận đối với việc xuất khẩu hàng may mặc, lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản đối với một số quan chức cấp cao của Triều Tiên. Ảnh: AP
Ngày 11/9, Peru tuyên bố trục xuất Đại sứ Triều Tiên tại Lima Kim Hak-chol để phản đối việc Bình Nhưỡng bỏ ngoài tai lời kêu gọi chấm dứt chương trình hạt nhân của nước này. Theo đó, ông Kim có 5 ngày để rời khỏi đất nước của dãy Andes. Ông Kim Hak-chol phản đối mạnh mẽ nghị quyết mới, cho rằng đây là một phần của sự thù hằn của Mỹ đối với Triều Tiên. Một đại diện của Đại sứ quán Triều Tiên tại Peru cho biết, ông Kim sẽ rời khỏi Lima theo yêu cầu và hai nhà ngoại giao khác sẽ ở lại phụ trách đại sứ quán. Quyết định trục xuất này theo sau một động thái tương tự của Mexico hồi tuần trước và một cuộc gọi công khai từ Mỹ hồi tháng trước đến các nước Mỹ-Latinh, kêu gọi cắt đứt quan hệ với chính quyền Kim Jong-un. Ảnh: Reuters
Sáng sớm ngày 15/9, Triều Tiên tiến hành vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 dưới sự giám sát của Chủ tịch Kim Jong-un. Tên lửa Triều Tiên rời bệ phóng di động vào lúc 6h57' từ Sunan, gần thủ đô Bình Nhưỡng. Tên lửa đạt độ cao khoảng 770km, đi được 3.700km trước khi rơi xuống vùng biển ngoài khơi Hokkaido của Nhật Bản vào lúc 7h06'. Vị trí rơi của tên lửa nằm cách mũi Erimo của Nhật Bản khoảng 2.000 km về phía đông. Đây là lần thứ hai tên lửa Triều Tiên bay qua lãnh thổ Nhật Bản trong vòng một tháng. Vụ phóng lần này gây lo ngại rằng đảo Guam của Mỹ (cách Bình Nhưỡng 3.400km) hoàn toàn nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên. Phát biểu tại địa điểm phóng tên lửa, Chủ tịch Kim tuyên bố: “Mục tiêu cuối cùng của Triều Tiên là thiết lập trạng thái cân bằng về lực lượng quân sự với Mỹ, làm cho giới lãnh đạo Mỹ không còn dám đề cập về biện pháp quân sự nhằm vào Triều Tiên.” Ảnh: KCNA
Siêu bão Irma đổ bộ Cuba vào tối 8/9 với cường độ mạnh cấp 5. Siêu bão đẩy nước biển dâng cao, gây ngập lụt ở các khu vực thấp trũng của thủ đô Havana. Gió lớn với tốc độ 200km/h đã lật tung nhiều mái nhà, quật ngã cây cối và buộc người dân sống dọc theo bờ biển phải di tản. Đã có ít nhất 10 cư dân Cuba thiệt mạng vì Irma, khiến siêu bão này trở thành cơn bão chết chóc nhất kể từ khi bão Dennis khiến 16 cư dân Cuba thiệt mạng hồi năm 2005. Ảnh: AFP
Siêu bão Irma đổ bộ bang Florida hôm 10/9 với sức gió lên tới 209 km/h. Bão đã yếu dần thành áp thấp nhiệt đới và rời Florida vào thứ Hai, 11/9 sau khi quét qua toàn bộ chiều dài bang, tương đương 400 dặm. Khi di chuyển qua vùng biển phía tây Florida, bão Irma đã nhấn chìm nhiều khu vực trong biển nước, bốc bật rễ cây, làm đổ cột điện, “bẻ gãy” cần cẩu trong các công trình xây dựng. Trước đó, khoảng 6,5 triệu người dân Florida đã sơ tán để tránh bão Irma. Đây được cho là một trong những chiến dịch sơ tán lớn nhất lịch sử Mỹ. Bão Irma khiến sáu người ở bang Florida, ba người ở bang Georgia và một người tại Nam Carolina thiệt mạng. Trước đó, ít nhất 35 người đã thiệt mạng khi bão Irma quét qua vùng biển Caribe. Ảnh: AFP
Quân đội Nga và Belarus ngày 14/9 đã bắt đầu cuộc tập trận lớn nhất năm 2017 mang mật danh “Zapad 2017”. Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga, lực lượng tham gia cuộc tập trận mang mật danh “Zapad-2017” gồm 138 xe tăng, 231 xe thiết giáp, 241 hệ thống pháo và tên lửa đạn đạo chiến thuật, cùng 40 máy bay chiến đấu làm nhiệm vụ tuần tra cảnh giới trên không. Nga triển khai 12.700 binh sĩ, trong đó 10.200 người sẽ tham gia tác chiến tại Belarus. Đợt tập trận “Zapad 2017” được cho là cơ hội để Nga thử nghiệm nhiều khái niệm chiến thuật mới, trong đó có những chiến thuật được rút ra từ kinh nghiệm ở Syria. Nga và Belarus đều mời quan sát viên từ Liên Hợp Quốc, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), NATO, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế và Cộng đồng Các quốc gia Độc lập (CIS) tới theo dõi cuộc tập trận.
Mỹ cùng một số quốc gia NATO và Ukraine đã tiến hành cuộc tập trận mang tên “Rapid Trident” vào ngày 11/9, đúng 16 năm sau sự kiện 11 tháng 9. Cuộc tập trận diễn ra tại thành phố Yavoriv thuộc khu vực Tây Ukraine, kéo dài 13 ngày và kết thúc vào ngày 23/9. Quan chức Lầu Năm Góc Mỹ Johnny Michael cho biết có khoảng 2.500 binh sĩ đến từ 15 quốc gia tham gia vào cuộc tập trận “Rapid Trident 2017”, nhằm thực hành các hoạt động gìn giữ hòa bình và đào tạo nâng cao khả năng hiệp đồng tác chiến với các đơn vị vũ trang của NATO và Ukraine. Các lực lượng Mỹ cũng tham gia xây dựng chương trình huấn luyện cho quân đội Ukraine. Ảnh: AFP
Ngày 10/9, một cuộc tập trận quân sự ở Latvia với tên gọi “Steadfast Pyramid” đã diễn ra cùng sự tham gia của 40 chỉ huy cấp cao từ các nước thành viên NATO cùng với Phần Lan và Thụy Điển. NATO cho biết cuộc tập trận kéo dài tới 15/9 tập trung vào “việc phát triển hơn nữa năng lực của các chỉ huy và đội ngũ cấp cao nhằm lên kế hoạch và tiến hành các chiến dịch”. Giai đoạn thứ hai của cuộc tập trận này, có tên “Steadfast Pinnacle”, diễn ra từ ngày 17-22/9. Ảnh minh họa: AP
Bộ Quốc phòng Nga thông báo hai tàu ngầm của nước này trên Địa Trung Hải đã phóng các tên lửa hành trình Kalibr vào những mục tiêu khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria. Theo thông báo của bộ trên, tàu ngầm Velikiy Novgorod và Kolpino ngày 14/9 đã bắn đi 7 quả tên lửa hành trình Kalibr từ khu vực phía đông Địa Trung Hải. Những mục tiêu bị tên lửa ngắm trúng bao gồm các trung tâm kiểm soát, trung tâm thông tin, cùng các kho vũ khí quân sự và trữ đạn của IS tại phía đông nam thành phố Deir ez-Zor. Bộ Quốc phòng Nga khẳng định, 7 quả tên lửa đều ngắm trúng mục tiêu đã định từ khoảng cách 500 - 600 km. Ảnh: Tass