AP đưa tin, núi lửa Kilauea trên đảo Hawaii (Mỹ) - một trong những ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất thế giới - đã phun dung nham vào không khí từ hôm 23/12 đến nay, làm dấy lên nhiều lo ngại về tình trạng khí hậu toàn cầu.
Núi lửa Kilauea trên đảo Hawaii phun trào từ hôm 23/12. Ảnh: AP. |
Hãng tin CNN mới đây dẫn lời ông Markus Stoffel - giáo sư về khí hậu tại Đại học Geneva (Thụy Sỹ) - cho biết, thế giới có thể sắp đối mặt với một trận phun trào núi lửa, với mức độ tương tự như núi lửa Tambora tại Indonesia năm 1815, gây ra sự hỗn loạn khí hậu.
Theo ông Stoffel, sau trận phun trào núi lửa Tambora người ta gọi năm 1815 là “năm không có mùa hè”, bởi vụ phun trào đã giải phóng 24 dặm khối khí, bụi và đá vào khí quyển, khiến nhiệt độ toàn cầu giảm mạnh. Mùa màng thất bát, nạn đói lan rộng, dịch bệnh gia tăng và hàng chục ngàn người chết.
“Không giống như Tambora, một vụ phun trào siêu núi lửa thế kỷ 21 có thể xảy ra sẽ làm nghiêm trọng thêm những thách thức mà con người đang phải đối mặt, do sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Những tác động có thể còn tồi tệ hơn năm 1815”, nhà khoa học địa chất, tiến sĩ Michael Rampino nhận định và nói thêm rằng, một phần nguyên nhân gây ra vụ phun trào núi lửa là hậu quả từ lượng khí nhà kính thải ra trong thế kỷ qua.
Sau trận phun trào núi lửa Tambora người ta gọi năm 1815 là “năm không có mùa hè”. Ảnh minh họa: Onthisday.com. |
Nghiên cứu của Alan Robock - giáo sư khí hậu tại Đại học Rutgers (Mỹ), người đã dành nhiều thập kỷ nghiên cứu về núi lửa - phân tích, sau khi núi lửa phun trào thì nhiệt độ của hành tinh sẽ hạ xuống, làm khô các hệ thống gió mùa ở châu Phi và châu Á nên làm thay đổi lượng mưa.
Về lâu dài, khi nhiệt độ giảm, ít ánh sáng mặt trời hơn và lượng mưa thay đổi có thể ảnh hưởng đến nhiều quốc gia sản xuất lương thực như Mỹ, Trung Quốc và Nga. Điều này sẽ đe doạ đến an ninh lương thực toàn cầu, có khả năng dẫn đến căng thẳng chính trị, thậm chí là chiến tranh.
Biến đổi khí hậu cũng là yếu tố gây nên phun trào núi lửa vì nhiệt độ trái đất nóng lên làm tan băng, khi lớp băng biến mất sẽ làm giảm áp suất khiến magma núi lửa dâng lên nhanh hơn.
“Thế giới hiện nay bất ổn hơn nhiều, do đó những tác động của vụ phun trào núi lửa có thể còn tồi tệ hơn những gì chúng ta đã thấy vào năm 1815”, Michael Rampino - giáo sư Đại học New York, Mỹ - nói.
Một phần nguyên nhân gây ra vụ phun trào núi lửa là hậu quả từ lượng khí nhà kính thải ra trong thế kỷ qua. Ảnh minh họa: Getty. |
Các nhà khoa học ước tính, có khoảng 800 triệu người sống trong phạm vi 60 dặm của một ngọn núi lửa đang hoạt động sẽ bị ảnh hưởng khi núi lửa phun trào, thậm chí nó sẽ xóa sổ cả một thành phố. Theo tính toán của Lloyd's, nếu xảy ra phun trào siêu núi lửa thì thế giới sẽ chịu thiệt hại kinh tế lên tới hơn 3,6 nghìn tỷ USD trong năm đầu tiên.
Siêu núi lửa sẽ có thể xảy ra ở bất cứ đâu, trong đó có một số khu vực đang được theo dõi như Indonesia - nơi có hoạt động núi lửa mạnh nhất hành tinh, hay Yellowstone ở Mỹ - nơi chưa từng trải qua một vụ phun trào lớn nào trong hàng trăm nghìn năm, theo CNN.
“Không thể ngăn chặn được các vụ phun trào núi lửa lớn, nhưng có nhiều cách để chuẩn bị. Do đó, giới chuyên gia cần đánh giá các kịch bản xấu nhất, chạy thử nghiệm các kế hoạch từ sơ tán đến nỗ lực cứu trợ, đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm, đồng thời chống biến đổi khí hậu”, ông Stoffel bày tỏ.