Thế giới có thêm 9 tỷ phú đô la nhờ vắc xin ngừa COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
Thế giới có thêm 9 tỷ phú đô la nhờ vắc xin COVID-19. Ảnh minh hoạ tiêm vắc xin COVID-19 tại Việt Nam.
Thế giới có thêm 9 tỷ phú đô la nhờ vắc xin COVID-19. Ảnh minh hoạ tiêm vắc xin COVID-19 tại Việt Nam.
TPO - Tổ chức phi chính phủ Oxfam vừa công bố danh sách thế giới có thêm 9 tỷ phú đô la Mỹ trong hơn 1 năm qua, đây là những tỷ phú có doanh nghiệp hoặc đầu tư vào hoạt động sản xuất dược phẩm, đặc biệt là vắc xin COVID-19. Tổng tài sản của 9 tỷ phú mới nổi này lớn hơn tổng chi phí tiêm vắc xin COVID-19 cho người dân tất cả các quốc gia nghèo nhất.

Theo Oxfam, ngày 20/5, Liên minh vắc xin cho tất cả mọi người (Oxfam là thành viên) đã công bố danh sách các tỷ phú mới nổi trên thế giới nhờ vào lợi nhuận kếch xù của các hãng dược lớn sở hữu độc quyền vắc xin COVID-19. Danh sách này chỉ bao gồm 17 tỷ phú trong lĩnh vực dược phẩm có liên quan tới sở hữu độc quyền sản xuất vắc xin COVID-19. Trong đó có 9 người mới vào danh sách tỷ phú, 8 người khác đã sở hữu tài sản tỷ đô từ trước khi đại dịch xảy ra.

Tổng tài sản ròng của 9 tỷ phú mới nổi lên đến 19,3 tỷ đô la Mỹ, nhiều gấp 1,3 lần số tiền cần thiết để tiêm ngừa cho toàn bộ dân số các quốc gia thu nhập thấp nhất (chiếm 10% dân số thế giới). Các quốc gia thu nhập thấp nhất thế giới mới nhận được 0,2% nguồn cung vắc xin COVID-19 toàn cầu, do sự thiếu hụt nguồn cung trầm trọng.

Ngoài 9 tỷ phú mới nổi trên, còn 8 người khác đã là tỷ phú trước khi đại dịch COVID-19, nhưng với danh mục đầu tư rộng khắp vào các tập đoàn dược đang sản xuất vắc xin COVID-19, giúp tổng tài sản của họ tăng thêm 32,2 tỷ đô la.

“Đây là minh chứng cho thất bại của nhân loại trong việc kiểm soát con virus quái ác này (virus SAR-CoV-2), khi chúng ta nhanh chóng tạo ra những tỷ phú vắc xin mới, nhưng lại không thể tiêm chủng cho hàng tỷ người đang vô cùng cần cảm giác được an toàn”, bà Anna Marriott, Quản lý Chính sách Y tế của Oxfam nói.

Theo đại diện Oxfam, những tỷ phú trên là chủ nhân của khối lợi nhuận khổng lồ mà các hãng dược lớn đang thu được từ việc nắm giữ độc quyền vắc xin COVID-19 – vốn được tài trợ nghiên cứu bởi ngân sách công từ các chính phủ. Do đó, theo bà Anna Marriott, vắc xin COVID-19 cần được xem là tài sản không, không phải một cơ hội kiếm lời của một số ít người.

“Chúng ta cần khẩn cấp chấm dứt sở hữu độc quyền để nhân rộng sản xuất vắc xin COVID-19, giảm giá thành và triển khai tiêm chủng cho toàn thế giới”, đại diện Oxfam nói thêm.

Các tỷ phú vắc xin nổi lên khi cổ phiếu của các công ty dược tăng mạnh, với kỳ vọng về những khoản lợi nhuận lớn thu được từ độc quyền vắc xin COVID-19.

Liên minh Vắc xin cho Tất cả mọi người cảnh báo rằng sự độc quyền này cho phép các tập đoàn dược kiểm soát hoàn toàn nguồn cung và giá vắc xin, đẩy lợi nhuận của họ lên cao, tạo thêm rào cản với các nước nghèo tìm kiếm đủ số vắc xin COVID-19 cho người dân.

Đầu tháng này, Hoa Kỳ đã lên tiếng ủng hộ đề xuất của Nam Phi và Ấn Độ tại cuộc họp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc dỡ bỏ tạm thời bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với vắc xin COVID-19. Động thái này nhận được sự ủng hộ của hơn 100 quốc gia đang phát triển.

Dù vậy, nhiều quốc gia giàu có khác, gồm cả Anh và Đức, vẫn phản đối đề xuất này. Trong khi Italia, Canada và Pháp giữ quan điểm trung lập.

Đứng đầu danh sách các tỷ phú mới nổi từ vắc xin COVID-19 là các giám đốc điều hành của Moderna và BioNTech (tài sản trên 4 tỷ đô la Mỹ); chủ tịch và 2 nhà đầu tư sáng lập công ty Moderna. Ba tỷ phú mới nổi còn lại là đồng sáng lập công ty vắc xin CanSino Biologics của Trung Quốc.

Thế giới có thêm 9 tỷ phú đô la nhờ vắc xin ngừa COVID-19 ảnh 1

Danh sách 8 người là tỷ phú đô la có tài sản tăng thêm hàng tỷ đô nhờ lợi nhuận từ đầu tư vào công ty dược có sản xuất vắc xin COVID-19 mang lại chỉ trong 1 năm qua.

Các tỷ phú vắc xin mới nổi, theo thứ tự tài sản ròng, gồm:

1. Stéphane Bancel - CEO của Moderna (tài sản 4,3 tỷ đô).

2. Ugur Sahin, CEO và đồng sáng lập BioNTech (4 tỷ đô).

3. Timothy Springer, nhà miễn dịch học và nhà đầu tư sáng lập của Moderna (2,2 tỷ đô).

4. Noubar Afeyan, Chủ tịch của Moderna (1,9 tỷ đô).

5. Juan Lopez-Belmonte, Chủ tịch của ROVI chuyên sản xuất, đóng gói vắc xin Moderna (1,8 tỷ đô).

6. Robert Langer, nhà khoa học và nhà đầu tư sáng lập Moderna (1,6 tỷ đô).

7. Zhu Tao, đồng sáng lập CanSino Biologics (1,3 tỷ đô).

8. Qiu Dongxu, đồng sáng lập và phó chủ tịch cấp cao tại CanSino Biologics (1,2 tỷ đô).

9. Mao Huinhoa, đồng sáng lập và phó chủ tịch cấp cao tại CanSino Biologics (1 tỷ đô).

Liên minh vắc xin cho Tất cả mọi người được thành lập gồm thành viên là các tổ chức: Global Justice Now, Oxfam và UNAIDS. Các tỷ phú trên được phân tích dựa theo dữ liệu Danh sách tỷ phú của Forbes công bố.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.