Hạ viện Nga ngày 22/5 đã thông qua đạo luật có tên Về các biện pháp đối phó những hành động không thân thiện của Mỹ và các quốc gia khác. Đạo luật nói trên do một nhóm đại biểu của Nga, đứng đầu là Chủ tịch Duma Quốc gia Vyacheslav Volodin khởi xướng. Đạo luật này cho phép áp dụng các biện pháp phản trừng phạt để đáp lại những hành động không thân thiện đối với Nga của Mỹ và các quốc gia khác đã ủng hộ trừng phạt chống Nga. Đạo luật này sẽ có hiệu lực kể từ ngày được chính thức công bố. Theo đạo luật này, Chính phủ Nga sẽ có quyền đưa ra các biện pháp phản trừng phạt khác nhau, các biện pháp này không được áp dụng cho nhóm hàng hóa thiết yếu mà Nga và các nước khác không sản xuất được, cũng như đối với hàng hóa mà công dân Nga nhập khẩu vì mục đích sử dụng cá nhân.
Ngày 22/5, một vụ nổ súng đã xảy ra tại một khu căn hộ ở thành phố Panama City thuộc bang Florida (Mỹ). Lực lượng cảnh sát đặc nhiệm đã có mặt tại hiện trường và phát hiện có ít nhất một người đã bị trúng đạn. Một số nhân chứng cho biết đã nghe thấy hơn 50 tiếng súng nổ. Dựa trên số liệu thu thập từ các thông cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, tờ Washington Post công bố báo cáo cho thấy số học sinh/sinh viên (không tính giáo viên, nhân viên) thiệt mạng trong các vụ xả súng ở khuôn viên trường học của Mỹ cao hơn hẳn số ca tử vong của quân nhân nước này từ đầu năm đến nay.
Ngày 22/5 tại Bangkok, hơn 500 người đã tham gia cuộc biểu tình đòi chính phủ Thái Lan tổ chức tổng tuyển cử sớm vào tháng 11 tới, thay vì trong năm 2019 như Thủ tướng Prayuth Chan-ocha tuyên bố. Cuộc biểu tình đúng dịp tròn 4 năm xảy ra đảo chính tại Thái Lan. Những người biểu tình đòi tổ chức tổng tuyển cử sớm để khôi phục chính quyền dân sự. Cảnh sát thành phố Bangkok đã điều động tổng cộng 3.000 nhân sự tham gia chặn các tuyến đường quanh Nhà Chính phủ và gần tòa nhà Liên Hợp Quốc. Cảnh sát đã bắt giữ 2 người biểu tình gần trụ sở của Liên Hợp Quốc tại Bangkok nhưng không thông báo lý do. Ngoài ra, 8 lãnh đạo cuộc biểu tình đã tự nguyện nộp mình cho cảnh sát. NCPO cũng cáo buộc 5 lãnh đạo biểu tình tổ chức tụ tập bất hợp pháp
Ireland đang đứng giữa 2 lựa chọn về việc có nên bãi bỏ bản sửa đổi thứ 8 của Hiến pháp và chấm dứt lệnh cấm phá thai hay không. Giới chức nước này cho biết, cuộc bỏ phiếu cuối cùng ngày 25-5 tới sẽ quyết định vấn đề này. Cuộc trưng cầu dân ý lần này như một đánh giá về mức độ lâu đời của văn hóa và dân chủ mà Chính phủ Ireland hướng tới. Đây không chỉ là vấn đề quyền được phá thai của phụ nữ mà còn về bản sắc và giá trị văn hóa của đất nước này. Trong suốt 35 năm qua, Ireland đã tổ chức 6 cuộc trưng cầu dân ý liên quan đến vấn đề nạo, phá thai, nhưng cuộc bỏ phiếu sắp diễn ra tới đây được cho là quan trọng nhất, nắm vai trò quyết định liệu người dân Ireland có được phép phá thai khi thai nhi đã được 12 tuần tuổi
Ngày 22/5, khoảng 20 nhà báo nước ngoài đã rời thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, trên một máy bay thuê chuyến tới Triều Tiên, để chứng kiến sự kiện dỡ bỏ cơ sở thử hạt nhân Punggye-ri. Các nhà báo Hàn Quốc không có mặt trên chuyến bay này do vẫn chưa được Triều Tiên cấp thị thực nhập cảnh. Cùng ngày, Tổng thống Donald Trump đã tiếp người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in để thảo luận sâu rộng về những chiến lược liên quan đến cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 12-6 tới tại Singapore. Trước đó, trong bối cảnh Triều Tiên dọa rút khỏi cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử trên, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence trong một cuộc phỏng vấn với Fox News nói, “không nghi ngờ gì” về việc ông Trump sẵn sàng rút khỏi hội nghị này.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ, ngày 22/5, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã gặp một số quan chức an ninh hàng đầu của Mỹ và kêu gọi tiếp tục các nỗ lực để đảm bảo sự thành công của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều, dự kiến diễn ra vào tháng 6 tới. Mỹ muốn chứng kiến việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược, song cảnh báo mới đây nhất của Bình Nhưỡng làm dấy lên sự hoài nghi về việc liệu Triều Tiên có từ bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân của nước này hay không.
Các tay súng thuộc tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đã bất ngờ tấn công một vị trí của quân đội Chính phủ Syria tại vùng sa mạc rộng lớn của nước này, khiến hơn 20 binh sĩ thiệt mạng. Ngày 22/5, Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết đã có ít nhất 26 binh sĩ chính phủ và các lực lượng đồng minh thiệt mạng trong một vụ tấn công do IS gây ra vào rạng sáng cùng ngày. Vụ tấn công xảy ra tại một điểm đóng quân của lực lượng chính phủ tại khu vực Badiya của Syria. Vụ việc bắt đầu bằng một vụ đánh bom xe, sau đó hai bên đã giao tranh. Quân chính phủ cũng tiêu diệt 5 tay súng IS.
Mỹ đã áp đặt trừng phạt đối với 5 công dân Iran mà Washington cho là liên quan đến Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC). Trong một tuyên bố đưa ra ngày 22/5, Bộ Tài chính Mỹ đã nêu đích danh 5 cá nhân người Iran thuộc diện trừng phạt. Đây là những công dân Iran mới nhất Washington đưa vào danh sách trừng phạt trong những ngày gần đây. Trước đó, hôm 10/5 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ cũng đã áp đặt trừng phạt đối với 9 cá nhân và thực thể Iran bị cáo buộc chuyển hàng triệu USD cho IRGC.