Ngoại trưởng Kishida ngày 2/4 nói với các phóng viên rằng Bình Nhưỡng đã thông qua các kênh ngoại giao bày tỏ rằng nước này có thể tạm dừng các cuộc đàm phán đang diễn ra với Nhật Bản. Hãng thông tấn Kyodo dẫn phát biểu của ông Kishida cho biết: “Điều này là hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Trước đó cùng ngày, KCNA đưa tin Bình Nhưỡng đã thông báo với phía Nhật Bản rằng các cuộc đàm phán được nối lại cách đây 1 năm đang có nguy cơ đổ vỡ. KCNA cho biết cảnh báo trên đã được chuyển tới Tokyo thông qua các kênh ngoại giao. Bình Nhưỡng cáo buộc Tokyo đã "quốc tế hóa" vấn đề nhân quyền của Triều Tiên tại Liên hợp quốc và gần đây đã tiến hành khám xét “trái phép” nhà riêng ở thủ đô Tokyo của Chủ tịch Tổng hội Triều Tiên - một hiệp hội thân Bình Nhưỡng tại Nhật Bản, theo Vietnamplus.
Ngày 2/4, gần 10 ngày sau vụ rơi máy bay Airbus A320 của hãng hàng không Đức Germanwings, lực lượng cứu hộ và các nhà điều tra vừa tìm thấy chiếc hộp đen thứ 2 của máy bay này. Trước đó, ngay sau vụ rơi máy bay, chiếc hộp đen thứ nhất ghi giọng nói và âm thanh trong buồng lái đã được tìm thấy và đã được phân tích. Tuy nhiên, chiếc hộp đen thứ 2 chỉ còn lại vỏ, trong khi linh kiện điện tử ghi dữ liệu đã bị bay ra ngoài. Với việc tìm được chiếc hộp đen thứ 2, nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ liên quan vụ tai nạn máy bay này có hy vọng sẽ sớm được làm sáng tỏ. (Xem chi tiết)
Theo báo "Tiêu điểm" của Đức, liên quan việc điều tra cơ phó người Đức Andreas Lubitz - người được cho đã cố tình điều khiển chiếc máy bay Airbus A320 của hãng hàng không Đức Germanwings đâm vào núi cách đây gần 10 ngày, Cơ quan Công tố thành phố Düsseldorf (Đức) vừa tìm thấy một viên thuốc tại nhà riêng của viên cơ phó này. Thông báo của các nhà điều tra Đức cho biết khi kiểm tra máy tính của cơ phó Lubitz, các chuyên gia đã tìm trong phần lưu dữ liệu tra cứu trên Internet từ ngày 16-23/3 trong đó, Lubitz đã tra cứu trên mạng phương pháp điều trị y tế và các cách thức tự tử. Ngoài ra, người này trong 1 ngày cũng đã nhiều lần tìm kiếm các thông tin trên mạng liên quan tới "cửa cabin" trên khoang lái và các quy định về vấn đề an ninh.
Điện Kremlin ngày 2/4 đã bác bỏ cáo buộc cho rằng Moscow đe dọa sử dụng các vũ khí hạt nhân nhằm răn đe Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) can thiệp vào mối quan hệ căng thẳng Nga - Ukraine. Bình luận về thông tin trên một số phương tiện của Phương Tây cho rằng Moscow đã đe dọa sử dụng các vũ khí hủy diệt hàng loạt nếu có các nỗ lực nhằm đưa Crimea trở lại Ukraine hoặc NATO tăng cường hiện diện tại các nước vùng Baltic. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã coi những thông tin này là ví dụ điển hình nhằm bôi nhọ Nga. Hãng thông tấn Interfax dẫn lời ông Peskov nói: "Đây là ví dụ điển hình về sự quá khích đang diễn ra nhằm biến đất nước chúng tôi thành quỷ dữ. Trên thực tế, những cáo buộc trên không dựa vào bất cứ thông tin cụ thể nào". Theo ông, những thông tin này không thể được xem xét một cách nghiêm túc.
Một cuộc thăm dò vào tháng 3 cho thấy tỷ lệ người Nga ủng hộ Putin tăng kỷ lục, bất chấp những khó khăn kinh tế trong nước. Theo kết quả đợt thăm dò ý kiến công bố ngày 13/3 do Trung tâm Nghiên cứu Dư luận Xã hội toàn Nga thực hiện, 88% số người được hỏi tán thành với những hành động, chính sách của Tổng thống Vladimir Putin. Đây được xem là mức cao kỷ lục trong những năm giữ cương vị tổng thống của ông Putin. Ngoài ra, 65% số người tham gia cuộc điều tra cũng bày tỏ sự tin tưởng nhà lãnh đạo. 1/6 trong số này cho rằng thành tựu chính của ông chủ Điện Kremlin là giúp ổn định tình hình đất nước. Số khác đánh giá cao việc ông xây dựng, củng cố vị thế của Nga trên trường quốc tế.
Sau 8 ngày thương lượng và mặc cả thâu đêm, ngày 2/4 nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) và Iran đã đạt được thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân của Tehran. Các quan chức Mỹ và phương Tây cho biết P5+1 và Iran đã nhất trí về các nội dung và định hướng lớn, mở đường hướng tới một thỏa thuận cuối cùng trong ba tháng còn lại, kết thúc ngày 30/6. Tuy vây, những nội dung đã được nhất trí không được tiết lộ vì hai bên còn có khác biệt trong cách thức công bố công khai các nội dung đã đạt được.
Giới chức Kenya cho hay 147 người đã thiệt mạng trong một vụ tấn công ngày 2/4 của nhóm Hồi giáo Shebab vào một trường đại học ở thị trấn Garissa nằm gần biên giới với Somalia. Theo Trung tâm Công tác Thảm họa quốc gia (NDO), vụ tấn công đã kết thúc tối 2/4 và toàn bộ sinh viên đã được kiểm đếm. Hầu hết số người thiệt mạng là sinh viên, ngoài ra có 2 cảnh sát, 1 binh sỹ quân đội và 2 người theo dõi vụ tấn công. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất mà nhóm Hồi giáo cực đoan Shebab của Somalia gây ra trên lãnh thổ Kenya.
Các quan chức an ninh giấu tên cho biết phiến quân Hồi giáo dòng Shiite Houthi và các đồng minh của chúng ngày 2/4 đã chiếm dinh tổng thống Yemen ở Aden sau các cuộc giao tranh ác liệt ở trung tâm thương mại của thành phố duyên hải phía Nam này. Vụ việc trên xảy ra bất chấp các cuộc không kích kéo dài một tuần ở Yemen của liên minh do Saudi Arabia đứng đầu nhằm chặn đứng cuộc tấn công của phiến quân Houthi.
Khalid Batarfi, thủ lĩnh cấp cao của al-Qaeda, bị giam giữ hơn 4 năm qua tại nhà tù ở tỉnh Hadramawt (Yemen) đã được giải thoát cùng khoảng 300 tù nhân khác sau khi Tổ chức khủng bố al-Qaeda đã tấn công nhà tù hôm 2/4. Hai nhân viên gác tù và 5 tù nhân đã thiệt mạng trong vụ tấn công. Batarfi là một thủ lĩnh cấp cao của al-Qaeda tại bán đảo Ả Rập (AQAP), được biết đến với vai trò lãnh đạo trong cuộc chiến chống quân chính phủ Yemen năm 2011-2012, khi mà tổ chức cực đoan này chiếm các vùng lãnh thổ miền nam và miền đông Yemen. Trong ngày 2/4, lực lượng al-Qaeda cũng có những cuộc đụng độ với lực lượng canh giữ tại khu nhà hành chính thành phố Mukalla, vị quan chức giấu tên trên cho biết.
Ngày 2/4, Tổng thống Bolivia Evo Morales đã quyết định cách chức Bộ trưởng Quốc phòng Jorge Ledezma sau khi ông này mặc áo khoác mang dòng chữ “Biển thuộc về Bolivia” khi đang thực hiện kế hoạch mang hàng cứu trợ cho nạn nhân lũ lụt ở miền Bắc Chile, đồng thời bổ nhiệm ông Reymi Ferreira vào chức vụ này. Phát biểu với báo giới, Tổng thống Morales đã xin lỗi nhân dân Chile về vụ việc trên, đồng thời khẳng định hoạt động nhân đạo không bao giờ được gắn liền với mục đích chính trị.
Tính đến thời điểm 18h ngày 2/4 (giờ địa phương), trong số 132 người có mặt trên boong tàu đánh cá của Nga bị chìm ngoài khơi biển Okhotsk phía Tây Bắc Thái Bình Dương, 119 người đã được đưa lên bờ, trong đó 56 người chết, 13 người mất tích. Trong tổng số 132 người, có 78 người mang quốc tịch Nga, 54 người nước ngoài. (Xem chi tiết)
Một quan chức cấp cao Mexico đã phải lên tiếng xin lỗi sau khi bị chỉ trích gay gắt vì dùng trực thăng của nhà nước đưa gia đình ông ra sân bay. Ông David Korenfeld, Giám đốc Ủy ban quản lý tài nguyên nước quốc gia của Mexico đã lên tiếng xin lỗi sau khi một bức ảnh xuất hiện trên mạng cho thấy ông và gia đình xách hành lý lên trực thăng của Conagua ở miền trung Mexico. “Tôi đã phạm sai lầm không thể tha thứ được khi dùng trực thăng của Conagua để đi đến sân bay ở thủ đô. Vì thế, tôi xin công khai xin lỗi”, ông Korenfeld viết trên mạng xã hội Twitter. Ông Korenfeld cho hay ông đã trả lại chi phí chuyến bay đó cho chính phủ. Việc ông Korenfeld dùng trực thăng công vụ cho việc riêng khiến cư dân mạng xã hội Mexico bức xúc, đề nghị ông từ chức.
Ngành giáo dục Mỹ vừa xảy ra một vụ bê bối lớn khi 11 cựu giáo viên bị kết án do gian lận điểm thi. 11 người gồm giáo viên, nhà quản lý giáo dục và hiệu trưởng tại thành phố Atlanta, bang Georgia, Mỹ vừa bị kết tội gian lận. 11 người trên bị kết tội do đã chủ động xoá các câu trả lời sai của học sinh hoặc hướng dẫn học sinh sửa bài nhằm giúp các đối tượng đi thi đạt được các khoản tiền thưởng và cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp. Đây được coi là một trong những vụ bê bối gian lận điểm thi lớn nhất tại Mỹ.
Facebook đang vi phạm luật của Liên minh châu Âu (EU) khi theo dõi mọi hoạt động internet của người dùng kể cả khi họ không sử dụng, Russia Today cho biết. Một báo cáo từ Ủy ban Bảo mật thông tin Bỉ (BPC) cho rằng ngay cả khi loại bỏ tùy chọn theo dõi của Facebook, mạng xã hội lớn nhất thế giới này vẫn chủ động theo dõi hành vi của người dùng. BPC phát hiện rằng khi người dùng đã từng đăng nhập Facebook, những chế độ lưu trữ hoặc những nút "thích" (like) người dùng từng bấm sẽ khiến họ bị theo dõi. Điều nguy hiểm là khi bạn đã bấm thoát khỏi Facebook hoặc thậm chí không có tài khoản Facebook vẫn bị theo dõi. Nếu đúng vậy, mạng xã hội này có thể phải đối mặt với những cáo buộc vi phạm luật bảo mật do EU đưa ra.