THẾ GIỚI 24H: Tổng thống Mỹ dọa đánh thuế rượu vang Pháp

Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa tính thuế với rượu của Pháp. Ảnh: Getty.
Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa tính thuế với rượu của Pháp. Ảnh: Getty.
TPO - Rượu vang đã trở thành đối tượng mới nhất trong căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 11/6 tuyên bố Washington có thể sẽ áp thuế với mặt hàng rượu vang của Pháp. 

Tổng thống Trump cho rằng Pháp hiện đánh thuế khá cao đối với rượu Mỹ, trong khi mức thuế nhập khẩu của Mỹ với rượu vang Pháp là "rất thấp." Theo ông, điều này là không công bằng và cần phải "làm điều gì đó." Hiện EU đã bổ sung mức thuế từ 0,11 đến 0,29 USD đối với mỗi 750ml rượu vang Mỹ, tùy thuộc nồng độ cồn.


Cảnh sát lên kế hoạch đối phó sau khi những người biểu tình đang lên kế hoạch tiếp tục biểu tình đợt hai vào ngày 12/6. Chính quyền Hong Kong đang chuẩn bị tung 5.000 cảnh sát ra các tuyến đường để đối phó với đợt biểu tình thứ hai của người dân TP phản đối dự luật dẫn độ. Cảnh sát sẽ chặn và khám xét các cá nhân khả nghi dọc các tuyến đường quanh trụ sở Hội đồng Lập pháp, hầu hết các nhân viên cảnh sát mặt thường phục đã được nhận lệnh chờ sẵn.


Ngày 11/6, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton tuyên bố hội nghị thượng đỉnh lần ba giữa Tổng thống nước này Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un “hoàn toàn có thể” xảy ra và tùy thuộc vào Bình Nhưỡng. Phát biểu tại một hội nghị do báo Wall Street Journal tổ chức, ông Bolton nhấn mạnh: “Ông Kim Jong-un thực sự giữ vai trò then chốt”, đồng thời khẳng định Washington sẵn sàng tham gia hội nghị nói trên bất cứ khi nào Bình Nhưỡng muốn.


Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov ngày 11/6 cho biết Moskva đã hối thúc Washington kéo dài hiệu lực của Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START), vốn sẽ hết hạn vào năm 2021, nhằm tạo khoảng trống cho các cuộc thương lượng tương lai về kiểm soát vũ khí. Hiệp định này nên được gia hạn thêm 5 năm để hai bên có thời gian thương lượng kỹ lưỡng về một thể thức mới trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí.


Hàn Quốc cho biết một tàu đánh cá Triều Tiên được phát hiện trôi dạt ở ngoài khơi bờ biển phía Đông Hàn Quốc ngày 11/6, và đã được đưa trở lại miền Bắc trên cơ sở nhân đạo. Tàu trên có 6 thuyền viên, gặp sự cố kỹ thuật và trôi dạt ở ngoài khơi, đã được một tàu của Hải quân Hàn Quốc phát hiện tại vùng biển cách Đường ranh giới phía Bắc (NLL) khoảng 5km về phía Nam, gần thành phố cảng Sokcho, miền Đông Hàn Quốc, vào khoảng 13 giờ 15.


Chiến dịch trục vớt chiếc tàu du lịch bị đắm mang tên Nàng tiên cá chở 33 công dân Hàn Quốc và 2 thủy thủ đoàn người Hungary bắt đầu vào lúc 6h sáng 11/6 (giờ địa phương). Sau 6 giờ làm việc liên tục, chiếc cần cẩu nổi khổng lồ đã đưa được chiếc tàu xấu số lên khỏi mặt nước sông Danube và được đặt lên một chiếc xà lan. Các thợ lặn phát hiện thêm 4 thi thể, nâng tổng số người thiệt mạng trong vụ đắm tàu lên con số 24. Hiện các thợ lặn tiếp tục tìm kiếm 4 người còn mất tích nghi vẫn bị mắc kẹt trong con tàu đắm.


Ngày 11/6, hãng TASS đưa tin các lực lượng Nga đang chuẩn bị một chiến dịch quân sự quy mô để giúp Tổng thống Syria Bashar Assad lấy lại các thành phố lớn cuối cùng do lực lượng phiến quân và khủng bố đang chiếm giữ. Trong tháng qua, các lực lượng Nga và Syria đã tăng cường bắn phá ở tỉnh Idlib nhằm chuẩn bị cho một cuộc tổng tiến công. Idlib hiện là thành trì cuối cùng nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng phiến quân Hayat Tahrir al-Sham, được xem là “di sản al-Qaeda” tại Syria.


Ngày 11/6, hãng Reuters dẫn lời người đứng đầu Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Yukiya Amano cho biết, Iran tiếp tục “thực hiện lời đe dọa” đẩy nhanh việc làm giàu uranium. Theo ông Amano, Tehran hiện đang sản xuất uranium được làm giàu nhiều hơn so với giai đoạn trước đó, nhưng chưa rõ khi nào mức dự trữ của nước này mới đạt tới ngưỡng quy định trong thỏa thuận giữa Iran và nhóm P5+1 (JCPOA) đạt được năm 2015.


Mỹ vừa cảnh báo Australia cần sẵn sàng đối phó với tình trạng các loại thuốc phiện tổng hợp có tác dụng giảm đau được đưa vào nước này qua đường bưu điện. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề thực thi pháp luật và ma túy quốc tế Kirsten Madison nhấn mạnh Australia, mặc dù đã tránh được tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng xuất phát từ việc lạm dụng thuốc giảm đau nhóm opioid như đã từng xảy ra ở Mỹ, song nước này sẽ phải đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng từ các loại thuốc này, thường được người dùng mua trực tiếp trên các web đen.


Liên minh vì Tự do và Thay đổi đã chấp nhận chấm dứt chiến dịch "bất tuân dân sự" kể từ ngày 12/6 và nối lại các cuộc đàm phán về việc thành lập một ủy ban chuyển tiếp tối cao. Động thái trên được đánh giá là bước đột phá lớn. Ngoài ra, Hội đồng Quân sự Chuyển tiếp (TMC) tại Sudan đã đồng ý trả tự do cho các tù nhân chính trị như một biện pháp xây dựng lòng tin giữa các bên.

MỚI - NÓNG