THẾ GIỚI 24H: Tiêm vắc-xin được uống bia miễn phí ở Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
THẾ GIỚI 24H: Tiêm vắc-xin được uống bia miễn phí ở Mỹ
TPO - Bang New Jersey, Mỹ vừa công bố chương trình “Tiêm vắc-xin và bia” nhằm khuyến khích người dân tiêm phòng COVID-19.

Ngày 3/5, Thống đốc bang New Jersey - ông Phil Murphy thông báo, bất kỳ ai từ 21 tuổi trở lên sau khi tiêm phòng COVID-19 mũi đầu tiên trong tháng 5/2021 sẽ được uống một cốc bia miễn phí tại 1 trong 13 quán bar tham gia chương trình của bang. Đây là một phần trong nỗ lực của bang New Jersey nhằm gia tăng tỷ lệ người được tiêm phòng COVID-19 nhằm hướng tới mục tiêu 4,7 triệu người trong bang được tiêm phòng đầy đủ và cuối tháng 6/2021. Tới thời điểm hiện tại, hơn 7,5 triệu liều vắc-xin đã được sử dụng tại New Jersey và 3,2 triệu người, tương đương 37% dân số tại bang này, đã được tiêm phòng đầy đủ. Một số bang khác ở Mỹ cũng đã áp dụng một số chương trình nhằm khuyến khích người dân tiêm phòng COVID-19. Ví dụ, những người trẻ tuổi ở bang Tây Virgnia sẽ được nhận trái phiếu bang trị giá 100 USD nếu họ đi tiêm phòng COVID-19.


Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tiêm mũi đầu tiên vaccine ngừa COVID-19 do Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc Sinopharm phát triển, tờ The Straits Times đưa tin. Sự kiện ông Duterte tiêm vaccine hôm 3-5 đã được phát trực tiếp trên mạng xã hội Facebook để khuyết khích người dân Philippines tiêm ngừa COVID-19. Trước khi được tiêm mũi vaccine đầu tiên, ông Duterte nói: "Tôi thấy khỏe và tôi mong đợi mũi tiêm này từ lâu".


Ngày càng nhiều quốc gia, khu vực trên khắp thế giới ghi nhận các ca bệnh COVID-19 liên quan đến biến chủng virus mới lần đầu tiên được xác định ở Ấn Độ. Biến chủng B.1.617 đã xuất hiện ở ít nhất 17 quốc gia, từ Anh đến Iran, Thụy Sỹ, gây lo ngại toàn cầu, khiến nhiều quốc gia và khu vực đóng cửa biên giới với những người đến từ Ấn Độ. Các nhà khoa học đang nghiên cứu biến chủng có đột biến kép này. Hiện Ấn Độ đã ghi nhận gần 20 triệu ca bệnh, bước vào ngày thứ 12 có hơn 300.000 ca mắc mới.


Nhóm vũ trang Quân đội Độc lập Kachin tại Myanmar hôm 3/5 cho biết, họ đã bắn hạ một trực thăng của quân đội để đáp trả các cuộc không kích, hiện chưa rõ thương vong do vụ tấn công. Phía quân đội Myanmar hiện tại chưa lên tiếng về vụ việc. Theo nhóm vũ trang Quân đội Độc lập Kachin, trực thăng của quân đội đã bị bắn rơi vào khoảng 10h20’ sáng nay theo giờ địa phương tại một ngôi làng gần thị trấn Moemauk, thuộc tỉnh Kachin, phía bắc Myanmar. Trước đó, phía quân đội Myanmar đã không kích vào khu vực này và lực lượng quân đội độc lập Kachin đã bắn trả.


Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh Indonesia, ông Mahfud MD cho biết chính quyền nước này hiện đã đưa 417 cá nhân vào danh sách đối tượng khủng bố. Bộ trưởng Mahfud cho hay số lượng trên được cập nhật cho đến ngày 3/5 và có thể sẽ tiếp tục còn tăng thêm theo thời gian. Ngoài 417 cá nhân trên, theo số liệu thống kê từ phán quyết của các cấp tòa án của Indonesia tính đến ngày 14/4, đã có 99 tổ chức cũng bị liệt vào danh sách các nhóm khủng bố.


Ngày 3/5, hai tàu Hải quân Trung Quốc đã đến vùng biển Bali tham gia chiến dịch trục vớt tàu ngầm KRI Nanggala 402 của hải quân Indonesia bị chìm hôm 21/4 khiến toàn bộ 53 thủy thủ thiệt mạng. Trong một tuyên bố, Hải quân Indonesia cho biết hai tàu PRC Naby Ship Ocean Tug Nantuo-195 và PRC Navy Ocean Salvage & Rescue Yong Xing Dao-863 của Trung Quốc đã được tàu KRI Layang-635 của Indonesia tiếp đón ngay trên vùng biển Bali.


Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas thông báo: Trong tuần này Mỹ bắt đầu triển khai kế hoạch cho phép con em những người nhập cư được đoàn tụ với cha mẹ sau thời gian bị chia cắt do chính sách dưới thời của cựu Tổng thống Donald Trump. Qua mạng xã hội Twitter, ông Mayorkas cho biết 4 bà mẹ, những người đã phải chạy trốn khỏi “tình hình cực kỳ nguy hiểm ở đất nước họ," sẽ được đoàn tụ với các con mình, là các bé tầm 3 tuổi. Tuyên bố của Bộ An ninh Mỹ nêu rõ: “Chúng tôi sẽ tiến hành đoàn tụ cho nhóm các gia đình đầu tiên, sau đó còn nhiều nhóm nữa. Chúng tôi nhận thức rõ tầm quan trọng của việc hỗ trợ các gia đình này có nguồn lực và sự ổn định mà họ cần để hàn gắn cuộc sống.”


An ninh dọc các đường biên giới của Thái Lan đang được đẩy lên cao nhất trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với làn sóng nhập cảnh trái phép từ các nước láng giềng làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Mối lo ngại lớn nhất tập trung vào biên giới với Myanmar khi có làn sóng người nhập cảnh trái phép cố tràn qua biên giới để tìm việc bất hợp pháp. Theo trung tâm quản lý tình hình Covid-19 của Thái Lan, chỉ trong 1 tuần ở tỉnh Kanchanaburi giáp biên giới, lực lượng chức năng đã bắt giữ gần 300 người quốc tịch Myanmar nhập cảnh trái phép vào Thái Lan.

MỚI - NÓNG