THẾ GIỚI 24H: Ông Netanyahu bị đánh bật khỏi vị trí thủ tướng sau 12 năm cầm quyền

0:00 / 0:00
0:00
Ông Benjamin Netanyahu (trái) bắt tay với chính trị gia cực hữu Naftali Bennett, người sẽ kế nhiệm vị trí thủ tướng Israel của ông. Ảnh: Reuters.
Ông Benjamin Netanyahu (trái) bắt tay với chính trị gia cực hữu Naftali Bennett, người sẽ kế nhiệm vị trí thủ tướng Israel của ông. Ảnh: Reuters.
TPO - Benjamin Netanyahu, người giữ chức thủ tướng Israel trong 12 năm qua, chính thức bị liên minh đối lập đánh bật khỏi vị trí này.

Ông Netanyahu mất chức thủ tướng sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội Israel hôm 13/6, theo Guardian. Với kết quả sát nút 60 phiếu thuận, 59 phiếu chống và 1 phiếu trắng, liên minh đối lập của ông Yair Lapid được xác nhận chính thức trở thành phe chiếm đa số và nắm giữ quyền lực ở Israel, thay cho liên minh của ông Netanyahu. Ông Lapid không trở thành thủ tướng Israel ngay lập tức, mà vị trí này thuộc về chính trị gia cực hữu Naftali Bennett, theo thỏa thuận liên minh mà các bên liên quan đã ký.


Trong tuyên bố chung khép lại 3 ngày họp, các lãnh đạo nhóm 7 nền kinh tế tiên tiến (G7) công khai lên án Trung Quốc vì nhiều vấn đề và yêu cầu mở cuộc điều tra mới, toàn diện về nguồn gốc Covid-19. Theo Reuters, sau khi thảo luận về cách thức đi đến một lập trường thống nhất về Trung Quốc, các nhà lãnh đạo G7 hôm 13/6 đã ra thông cáo chung có tính chỉ trích cao, đi sâu vào những vấn đề nhạy cảm nhất đối với Bắc Kinh, bao gồm cả Đài Loan, Hong Kong và Tân Cương. Trong tuyên bố bế mạc hội nghị, các lãnh đạo G7 còn đề cập đến việc tranh chấp chủ quyền trên biển và tình trạng lao động cưỡng bức.


Trung Quốc hôm 13/6 đã gửi lời cảnh báo đến lãnh đạo khối các nước G7 rằng, thời kỳ nhóm "các nước nhỏ" quyết định vận mệnh của thế giới đã qua từ lâu. Theo hãng thông tấn Reuters, động thái trên nhằm đáp trả việc lãnh đạo khối G7 đang thống nhất trong quyết sách ứng phó với vị thế của Trung Quốc. “Thời kỳ những quyết định mang tính toàn cầu do một nhóm nhỏ các nước đưa ra đã qua từ lâu”, một người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc ở London (Anh) cho biết. "Chúng tôi luôn tin rằng các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, nghèo hay giàu đều bình đẳng như nhau, và các vấn đề thế giới nên được giải quyết thông qua sự tham vấn của tất cả các quốc gia".


Nam Phi vứt bỏ 2 triệu liều vaccine Covid-19. Cơ quan Quản lý Sản phẩm Y tế Nam Phi ngày 13/6 tuyên bố không triển khai tiêm chủng đối với 2 triệu liều vaccine Johnson & Johnson sau sự cố nhiễm bẩn tại một nhà máy ở Mỹ. Nhà máy của Johnson & Johnson ở Baltimore được lệnh ngừng sản xuất vào tháng 4, vài tuần sau khi công ty này xác định các lô nguyên liệu dùng bào chế vaccine J&J bị để lẫn với thành phần sản xuất vaccine AstraZeneca.


Bên trong căn nhà của nghi phạm giết người hàng loạt ở ngoại ô thành phố Mexico City (Mexico), nhà chức trách cho biết họ đã tìm thấy nhiều mảnh xương của 17 nạn nhân. Ngày 12/6, nhà chức trách thông báo rằng trong cuộc khai quật từ ngày 17/5 đến nay, họ đã tìm thấy 3.787 mảnh xương thuộc về 17 nạn nhân khác nhau. Họ cũng phát hiện ra nhiều tầng hầm nằm sâu dưới ngôi nhà, nơi nghi phạm sinh sống, AP đưa tin. Nghi phạm (72 tuổi) được xác định xác định là “Andrés”, trước đây từng là một người bán thịt.


Ngày 13/6, Lực lượng Thủy quân lục chiến Indonesia và Thủy quân lục chiến Mỹ đã bắt đầu cuộc tập trận chung tại khu rừng núi Tumpang Pitu Lampon, Pesanggaran, Banyuwangi Regency, Đông Java, Indonesia, với mật danh Reconex 21-II. Theo Trung tá Thủy quân lục chiến Indonesia Supriyono chỉ huy cuộc tập trận cho biết, với các bài chiến thuật chiến tranh trong rừng, các binh sỹ sẽ đối phó với các yêu cầu của nhiệm vụ trong mọi dạng địa hình và thời tiết một cách nhanh chóng.


Hàng nghìn người đã tuần hành qua các đường phố, bãi biển ở Cornwall, Anh để kêu gọi hành động trước biến đổi khí hậu, cuộc khủng hoảng ở Ethiopia và tình hình binh biến Myanmar. Các cuộc biểu tình nổ ra khắp hạt Cornwall trong thời gian hội nghị G7 diễn ra tại đây. Một số nhóm biểu tình đã tập trung tại Bãi đậu xe Phố Church - cách cơ sở truyền thông của G7 khoảng 500 m.


Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 288.000 ca bệnh COVID-19 và 8.255 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã là 176,6 triệu ca, trong đó trên 3,81 triệu ca tử vong. Số ca mắc mới ở Ấn Độ liên tục có xu hướng giảm và ở dưới mức 100.000 ca/ngày trong 7 ngày liên tiếp. Tuy nhiên, số ca tử vong ở nước này vẫn ở mức trên 3.000 ca/ngày.


Trong nhiều ngày qua, số ca mắc COVID-19 mới ở Nga liên tục tăng. Nga đã ghi nhận 14.723 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua. Đây là con số ca mắc mới theo ngày cao nhất tại nước này kể từ ngày 13/2. Riêng Moskva, khu vực ảnh hưởng nặng nề nhất của cả nước, đã ghi nhận 7.704 ca mắc mới, nâng tổng số ca tại thủ đô lên 1.234.717 ca. Theo số liệu thống kê chính thức của Bộ Y tế, Nga đã ghi nhận tổng cộng 5.208.687 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 126.430 ca tử vong. Số ca bình phục được ra viện tính đến nay là 4.801.335 người, tăng hơn 9.000 người trong 24 giờ qua.


Bộ Y tế Peru cho biết nước này đã chính thức khởi động chương trình tiêm vaccine COVID-19 cho phụ nữ mang thai trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đang phải đối phó với làn sóng thứ 2 của đại dịch này với những diễn biến phức tạp hơn so với hồi năm ngoái. Phát biểu trong lễ khởi động chương trình tiêm chủng tại thủ đô Lima, Bộ trưởng Y tế Peru Oscar Ugarte cho biết việc tiêm chủng cho phụ nữ mang thai là một sự phòng vệ hết sức quan trọng đối với những bà mẹ tương lai. Ông cũng kêu gọi tất cả các phụ nữ Peru đang có thai trước 28 tuần nên tới các trung tâm tiêm chủng để được hưởng dịch vụ đặc biệt này.

MỚI - NÓNG
Khi nào Hà Nội chuyển lạnh trở lại?
Khi nào Hà Nội chuyển lạnh trở lại?
TPO - Diễn biến khí tượng thực tế tại miền Bắc, Thủ đô Hà Nội trong ít ngày qua duy trì ở ngưỡng nhiệt trung bình cao trên 30 độ C, cảm nhận thực tế nóng oi vào nhiều thời điểm trong ngày. Bộ phận không khí lạnh đang di chuyển về phía Nam dự báo sẽ ảnh hưởng tới khu vực trong dịp đầu tuần (18/11), biến động hạ nhiệt có thể sẽ kéo dài ít ngày.
Địa điểm xây ga đường sắt mới ở Đà Nẵng
Địa điểm xây ga đường sắt mới ở Đà Nẵng
TPO - Chính quyền thành phố Đà Nẵng có kế hoạch di dời ga Đà Nẵng ra khỏi trung tâm để giảm thiểu ùn tắc giao thông, cải tạo cảnh quan. Theo kế hoạch di dời, phần ga hành khách của ga Đà Nẵng sẽ được dời về khu vực hồ Trung Nghĩa (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu).