THẾ GIỚI 24H: Ông Biden được dân chúng tín nhiệm hơn Tổng thống Trump

Cựu Phó Tổng thống Joe Biden. Ảnh: AP
Cựu Phó Tổng thống Joe Biden. Ảnh: AP
TPO - Ngày 2/6, thủ đô Washington và 8 tiểu bang của Mỹ đã tổ chức bầu cử sơ bộ. Hiện cựu Phó Tổng thống Joe Biden về cơ bản đã chắc chắn giành được đề cử của đảng Dân chủ để cạnh tranh với Tổng thống Trump cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vào tháng 11 tới.
Kết quả cuộc thăm dò dư luận mới được Washington Post - ABC News công bố ngày 31/5 cho thấy ông Biden đang tạo ra một cách biệt lên tới 2 con số so với đương kim Tổng thống Trump. Cụ thể, 53% cử tri được hỏi ủng hộ ông Biden trong cuộc đối đầu trực tiếp với ông Trump, trong khi đương kim Tổng thống chỉ giành được 43% ủng hộ.
Ngày 2/6, giới chức thành phố Vũ Hán của Trung Quốc thông báo đã hoàn tất chiến dịch xét nghiệm COVID-19 quy mô lớn, bắt đầu từ giữa tháng 5 vừa qua. Chiến dịch này được thực hiện sau khi thành phố phát hiện thêm một số ổ dịch nhỏ, làm dấy lên lo ngại về làn sóng lây nhiễm mới. Thành phố Vũ Hán đã tiến hành xét nghiệm cho gần 10 triệu người, trong đó phát hiện 300 ca mắc bệnh không phát hiện triệu chứng.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 2/6 thông báo Chính phủ Đức sẽ dỡ bỏ cảnh báo đi lại với các nước châu Âu trong bối cảnh nhiều nước châu Âu đang tiếp tục nới lỏng giãn cách xã hội được áp đặt trong nỗ lực kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19. Ngoại trưởng Maas nêu rõ: “Chúng tôi đang chuẩn bị một quyết định để đưa ra biểu quyết trong Nội các vào ngày mai (3/6)”. Theo kế hoạch này, Đức sẽ dỡ bỏ cảnh báo đi lại và bắt đầu từ ngày 15/6 có thể nối lại việc đi lại ở ít nhất 31 nước châu Âu. Trước đó, hồi tháng 3/2020, Chính phủ Đức đã đưa ra cảnh báo chính thức đối với việc đi lại ở châu Âu, biện pháp sẽ có hiệu lực cho đến ngày 14/6 tới

Theo số liệu cập nhật trên trang Worldometers tính đến 6h sáng ngày 3/6, tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới là 6.470.008 trường hợp, trong đó 381.608 trường hợp tử vong. Số ca mắc bệnh đã phục hồi là 2.984.521 trường hợp. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới 213 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ổ dịch lớn nhất thế giới, Mỹ, ghi nhận thêm 19.942 ca mắc và 1.085 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 1.879.265 trường hợp và tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này là 108.010 trường hợp.

Ngày 2/6, trong ngày đầu tiên của giai đoạn 2 quá trình dỡ phong tỏa toàn quốc, hàng chục nghìn người Pháp đã tập trung biểu tình tại thủ đô Paris và các thành phố lớn để phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc và bạo lực của lực lượng cảnh sát. Bất chấp các quy định về giãn cách xã hội vẫn còn hiệu lực và không được cho phép, khoảng 19 nghìn người, đa phần là giới trẻ, đã tập trung trước một tòa án tại thủ đô Paris, bên cạnh các cuộc biểu tình tại thành phố khác như Marseille, Lille hay Lyon.

Người biểu tình ngày 2/6 tiếp tục tuần hành tại các thành phố ở Mỹ buộc giới chức các bang và thành phố phải tăng cường giới nghiêm. Các cuộc biểu tình ở Mỹ thường diễn ra ôn hòa từ buổi chiều và bắt đầu khó kiểm soát vào buổi tối. Thống đốc 28 bang và thủ đô Washington trong ngày 2/6 đã kêu gọi triển khai 24.000 thành viên lực lượng vệ binh quốc gia, 3.000 nhiều hơn so với một ngày trước đó, nhằm bảo đảm an ninh trước đám đông người biểu tình.

Ngày 2/6, Thị trưởng New York (Mỹ) Bill de Blasio thông báo sẽ duy trì lệnh giới nghiêm tại thành phố New York từ 8h tối đến 5h sáng đến hết ngày 7/6, đồng thời cam kết sẽ có hành động thích đáng đối với tội phạm và các băng nhóm tội phạm. Bên cạnh đó, Thống đốc Cuomo khẳng định cảnh sát của bang New York và 13.000 quân Vệ binh Quốc gia đều đã sẵn sàng chờ lệnh nhưng thị trưởng de Blasio phản đối phải dùng tới viện trợ của vệ binh. Ngày 2/6, thành phố New York ghi nhận vẫn có một số cuộc biểu tình nhưng khá hòa bình ở Quảng trường Tưởng niệm 11/9 và khu vực trung tâm cắt giữa phố 145 và đại lộ Broadway.

Ngày 2/6, một người đàn ông đã bị buộc tội kích động bạo loạn với tội danh đã mang vật liệu nổ tới các cuộc biểu tình ở thành phố Minneapolis. Đây là vụ khởi tố liên bang đầu tiên liên quan đến các cuộc biểu tình đang diễn nhằm phản đối nạn phân biệt chủng tộc cũng như tình trạng phân biệt đối xử của các nhân viên thực thư pháp luật da trắng đối với các công dân da màu tại Mỹ.

MỚI - NÓNG