THẾ GIỚI 24H: Ngoại trưởng Mỹ tới Nga bàn về Ukraine

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry
TPO - Ngoại trưởng John Kerry ngày 12/5 sẽ tới khu nghĩ dưỡng Sochi bên bờ Biển Đen của Nga để hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin về tình hình Ukraine.

Đây là chuyến thăm Nga đầu tiên của Ngoại trưởng Kerry kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các cuộc đàm phán hạt nhân đang diễn ra với Iran, cuộc xung đột tại Syria và “một loạt vấn đề song phương, khu vực” cũng sẽ là chủ đề nổi bật trong các cuộc gặp của ông Kerry với Tổng thống Putin và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.

Thông cáo nêu rõ: “Chuyến đi là một phần trong nỗ lực của chúng tôi nhằm duy trì các kênh liên lạc trực tiếp với các quan chức cấp cao của Nga và để đảm bảo rằng quan điểm của Mỹ được truyền đạt một cách rõ ràng".


Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Jens Stoltenberg cảnh báo rằng, Nga đã tăng cường lực lượng tại khu vực biên giới với Ukraine, đồng thời đưa thêm các khí tài quân sự hạng nặng vào miền Đông Ukraine, tạo khả năng cho các phần tử ly khai phát động các cuộc tấn công mà hầu như không có cảnh báo nếu họ lựa chọn như vậy.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Stoltenberg nói: “Có sự tăng cường lực lượng của Nga ở cả dọc khu vực biên giới giữa Nga và Ukraine cũng như ở bên trong khu vực miền Đông Ukraine, với việc các thiết bị hạng nặng, xe tăng, pháo binh, đạn dược và các hệ thống phòng không vẫn được đưa đều đặn vào đây cùng rất nhiều hoạt động huấn luyện”, theo Vietnamplus.


Cuộc diễu hành ở Donetsk nhân kỷ niệm 1 năm ngày trưng cầu dân ý về quyền tự quyết đã diễn ra ngày 11/5 mà không xảy ra hành động khiêu khích hoặc vi phạm nào. Khoảng hơn 30.000 người từ tất cả các thành phố của nước “Cộng hòa Nhân dân” Donetsk tự xưng (DPR) đã tham gia cuộc diễu hành.

Hơn 15 nghìn người sinh sống tại DPR đã theo dõi sự kiện này. Mở màn cuộc diễu hành là các tay xe mô tô của nước cộng hòa, tiếp đó là đoàn các vận động viên, những người thợ mỏ, công nhân xây dựng, các nhân viên y tế, đại diện các tổ chức xã hội, những người trồng lúa mì và thiếu nhi. Tất cả mọi người mang theo bóng bay, hoa và các biểu ngữ với dòng chữ "Vinh quang Donbass" và "Chúng tôi cần hòa bình". Các đại diện và thành viên tham gia diễn đàn quốc tế đang diễn ra ở Donetsk cũng quan sát cuộc diễu hành, theo Sputnik.


Đài TNHK đưa tin ngày 11/5, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop đã yêu cầu Trung Quốc không thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, trong bối cảnh giảm thiểu căng thẳng trên vùng biển này đang là một ưu tiên hàng đầu.

Trong một cuộc phỏng vấn tại thủ đô Canberra, Ngoại trưởng Australia nói rằng các nước châu Á đã thảo luận về vấn đề này và khẳng định lập trường của họ, “bày tỏ quan ngại sâu sắc trong trường hợp có bất cứ động thái nào nhằm áp đặt một ADIZ ở Biển Đông”.

Ngoại trưởng Bishop nói: “Các tuyến đường thương mại quan trọng của chúng tôi đi qua Ấn Độ Đương tới các vùng biển phía Bắc, cho nên chúng tôi rất kiên định với lập trường là các nước phải giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, không nên có hành động đơn phương. Bà cho biết Australia đã trình bày các quan điểm của mình “một cách công khai cũng như trong vòng (đàm phán) kín với các quốc gia có liên quan”, theo Vietnamplus.


Ngày 11/5, hãng TASS dẫn nguồn truyền thông Trung Quốc cho biết Hải quân Pháp có ý định chào bán cho Trung Quốc các tàu chiến Mistral đóng cho Nga nhưng chưa thể bàn giao. Tờ báo Trung Quốc nhận định phía Pháp đang tích cực tìm đối tác để bán hai tàu chiến Mistral không bàn giao được cho Hải quân Nga. Theo đó, các quốc gia hàng đầu có thể là Brazil, Canada, Ai Cập hoặc Ấn Độ.

Tuy nhiên, theo tờ báo này, Bắc Kinh không hoàn toàn ở ngoài cuộc chơi. “Mặc dù đã có dự án đóng tàu đổ bộ trực thăng tương tự, Trung Quốc hoàn toàn có thể mua các tàu chiến Vladivostok và Sevastopol đóng cho Nga,” theo truyền thông Trung Quốc. Trong khi đó, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga, Đô đốc Vladimir Komoyedov, nói việc Pháp chào bán tàu tấn công đổ bộ Mistral cho Trung Quốc là "tống tiền".


Chuẩn tướng Mark Loeben, chỉ huy phụ trách diễn tập tại Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ, cho biết 600 binh sĩ Mỹ và Gruzia tham gia diễn tập tại căn cứ quân sự Vaziani, gần thủ đô Tbilisi, nơi vốn có một căn cứ không quân của Nga trước khi rút đi theo một thỏa thuận cắt giảm vũ khí tại châu Âu vào năm 2001.

Đây là lần đầu tiên Mỹ điều chuyển nguyên một đại đội bộ binh cơ giới, trong đó có 14 xe bộ binh tác chiến Bradley, qua Bulgaria vào Biển Đen. Cuộc tập trận này phản ánh một bước tiến lớn trong hoạt động huấn luyện và hợp tác của hai nước. Bộ trưởng Quốc phòng Gruzia Tina Khidasheli khẳng định các cuộc tập trận của nước này không nhằm chuẩn bị cho tình huống chiến tranh cũng như khiêu khích nước khác.


Nga và Trung Quốc đã bắt đầu cuộc tập trận "Hợp đồng tác chiến trên biển-2015" tại Địa Trung Hải. Buổi lễ mở màn cuộc tập trận "Hợp đồng tác chiến trên biển-2015" giữa Nga và Trung Quốc tại Địa Trung Hải, với sự tham gia của 10 tàu chiến hai nước, diễn ra ngày 11/5 tại Novorossiysk.

Phó Tư lệnh Hải quân Nga, Phó Đô đốc Alexander Fedotenkov cho biết đây là lần đầu tiên khu vực tập trận được mở rộng. Phía Nga cử 6 tàu hải quân tham gia cuộc tập trận này. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố cuộc tập trận này không nhằm chống lại bên thứ 3 và không liên quan tới tình hình chính trị trong khu vực mà nhằm tăng cường hợp tác giữa hai nước chống lại các mối đe dọa đối với an ninh trên biển.


Trong một thông báo ra ngày 11/5 tại Tel Aviv, Bộ Quốc phòng Israel cho biết đã mua 4 tàu hộ tống nhỏ hiện đại của Đức trị giá 480 triệu USD. Các tàu này sẽ được chuyển giao cho Israel trong 5 năm tới, nhằm phục vụ sứ mệnh bảo vệ các mỏ khí đốt ở ngoài khơi của nhà nước Do Thái này. Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh Israel và Đức kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là lần đầu tiên trong gần 2 thập kỷ qua Israel bổ sung cho đội tàu hải quân của nước này. 


Ngày 11/5, ông Khalil al-Haya, một thành viên thuộc cánh chính trị của phong trào Hồi giáo Hamas, đã lên tiếng bác bỏ những tin tức về sự hiện diện của một chi nhánh thuộc tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Dải Gaza.

Tuyên bố trên được đưa ra bất chấp những lời đe dọa của một nhóm thánh chiến Salafi ở Dải Gaza được cho có liên hệ với IS về việc sẽ giết hại "từng người một" đối với các thành viên của Hamas nhằm trả đũa việc phong trào này bắt giữ các thành viên của nhóm trên. Ông al-Haya cũng tuyên bố rằng Hamas sẽ không cho phép bất kỳ một thực thể nào làm tổn hại đến an ninh của dải đất này và bất kỳ ai vi phạm pháp luật sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. 


Ngày 11/5, giá dầu khá vững trên thị trường châu Á sau khi Trung Quốc cắt giảm lãi suất cơ bản làm thị trường hy vọng nhu cầu năng lượng của quốc gia tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu thế giới này sẽ tăng, trong khi đó báo cáo việc làm của Mỹ cũng hỗ trợ cho giá dầu. Tại thị trường Singapore, sáng 11/5, giá dầu ngọt nhẹ New York (WTI) giao tháng 6/2015 đã giảm 8 xu Mỹ xuống 59,31 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao cùng kỳ hạn lại tăng 2 xu Mỹ lên 65,41 USD.

MỚI - NÓNG