Ông Lavrov cho rằng phương Tây, trong đó có Mỹ, Pháp và Anh đang làm mọi thứ để gia tăng sự tham gia gần như trực tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraine. "Đây là một xu hướng nguy hiểm", nhà ngoại giao Nga cảnh báo. Ngoại trưởng Nga thừa nhận, trách nhiệm của Washington và Moscow với vai trò là các cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới vẫn không thay đổi và nhắc lại tuyên bố chung mà các nhà lãnh đạo Nga và Mỹ đưa ra, rằng sẽ không có bên nào giành chiến thắng trong một cuộc chiến hạt nhân và vì thế nó không được phép bắt đầu.Ngoại trưởng Nga khẳng định Moscow sẵn sàng đưa tuyên bố trên đi xa hơn và nhấn mạnh bất kỳ cuộc xung đột nào giữa các quốc gia hạt nhân đều là điều không thể chấp nhận được bởi thậm chí một cuộc xung đột theo quy ước cũng có "rủi ro lớn" leo thang thành chiến tranh hạt nhân.
Tổng thống Biden ra điều kiện để đối thoại với Tổng thống Nga Putin. Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 1/12 cho biết, ông sẵn sàng đối thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine nếu ông Putin nghiêm túc trong đàm phán hòa bình.
Hàn Quốc không có ý định tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Phó Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Moon Hong-sik trong buổi họp báo thường kỳ ngày 1/12 tái khẳng định Seoul không có ý định tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa của Washington. Một trong các lý do đó là Hàn Quốc đang tự xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không Hàn Quốc (KAMD) để đối phó với tên lửa của kẻ thù tiềm tàng.
Ukraine nói Nga rút bớt quân khỏi tiền tuyến phía nam, chịu tổn thất lớn ở phía Đông. Quân đội Ukraine ngày 1/12 cho biết, Nga đã rút bớt một số binh sĩ khỏi các thị trấn ở bờ đối diện với thành phố Kherson của sông Dnipro và một số ngôi làng ở vùng Zaporizhzhia. Quân đội Ukraine cho biết: "Số lượng binh sĩ và thiết bị quân sự của Nga ở khu định cư Oleshky đã giảm". Oleshky là thị trấn đối diện với thành phố Kherson, ở phía bên kia cây cầu bị phá hủy bắc qua sông Dnipro.
Ba Lan gia hạn tình trạng báo động đến hết tháng 2/2023. Ngày 1/12, chính phủ Ba Lan thông báo, tình trạng báo động và các mức cảnh báo hiện nay sẽ có hiệu lực trên toàn quốc cho đến cuối tháng 2/2023. Theo một tuyên bố được đăng trên trang web của Bộ Nội vụ và Hành chính Ba Lan, Thủ tướng Mateusz Morawiecki đã ký gia hạn mức cảnh báo thứ hai (BRAVO) trên toàn lãnh thổ Ba Lan và đối với cơ sở hạ tầng năng lượng của Ba Lan nằm bên ngoài biên giới, cũng như mức cảnh báo cao thứ ba (CHARLIE-CRP) trên toàn lãnh thổ Ba Lan cho đến ngày 28/2/2023.
Séc thông qua luật trừng phạt người nước ngoài vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Ngày 1/2, Thượng viện Séc đã thông qua luật trừng phạt đối với các công ty và người nước ngoài có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Sau khi có hiệu lực, nhà nước sẽ có thể ngăn chặn các công ty hoặc người nước ngoài có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng vào lãnh thổ của Séc hoặc đóng băng tài sản của họ. Luật cũng sẽ cho phép áp dụng các hạn chế đối với các tổ chức và chế độ vi phạm nhân quyền hoặc sử dụng các phương pháp khủng bố và tấn công mạng.
Mỹ trừng phạt 3 quan chức Triều Tiên liên quan tới chương trình vũ khí. Mỹ ngày 1/12 đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với 3 quan chức cấp cao của Triều Tiên liên quan đến các chương trình vũ khí của nước này sau vụ thử tên lửa xuyên lục địa (ICBM) lớn nhất và mới nhất của Bình Nhưỡng trong tháng 11.
Thụy Sĩ đóng băng tài sản của Nga. Thụy Sĩ cho biết đã đóng băng số tài sản trị giá 7,9 tỷ USD của Nga để đáp trả việc Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Phát biểu với báo giới, người phụ trách các quan hệ kinh tế song phương thuộc SECO, ông Erwin Bollinger nhấn mạnh rằng các tài sản của Nga bị đóng băng là biện pháp phòng ngừa và có thể được trả lại sau khi được làm rõ.
Phát hiện tổng cộng 5 phong bì chứa bom, Tây Ban Nha tăng cường an ninh. Chính quyền Tây Ban Nha đã tăng cường thắt chặt các biện pháp an ninh tại những tòa nhà công cộng và ngoại giao, sau một loạt vụ gửi bom thư, trong đó có 1 thư bom được gửi tới cho Thủ tướng Pedro Sanchez và 1 thư khác gửi tới Đại sứ quán Ukraine ở Thủ đô Madrid, làm 1 quan chức bị thương nhẹ.