Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) nêu rõ tổng cộng có khoảng 70 vụ không kích đã được tiến hành song chưa có thông tin về thương vong. Palmyra nằm dưới sự kiểm soát của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) kể từ khi chúng chiếm thành phố này hồi tháng 5/2015. Các lực lượng Chính phủ Syria và đồng minh đang tìm cách giành lại quyền kiểm soát Palmyra. Nga tuyên bố đã hội đủ các điều kiện để đánh bại hoàn toàn IS tại đây. Moskva cũng đang tiếp tục hoạt động không kích nhằm vào các mục tiêu IS bất chấp việc Nga đã bắt đầu rút các lực lượng khỏi Syria.
Cựu Ngoại trưởng Nga Igor Ivanov ngày 19/3 cảnh báo sự đối đầu Đông-Tây do cuộc khủng hoảng Ukraine đang khiến nguy cơ nổ ra chiến tranh hạt nhân ở châu Âu cao hơn bao giờ hết kể từ thập niên 1980.
Nga đang thực hiện các cuộc thử nghiệm đầu tiên của tên lửa hành trình bội siêu thanh diệt hạm Zircon. Đại diện cấp cao của tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga đã tiết lộ cho phóng viên RIA Novosti về thông tin này. Các chiếc tên lửa Zircon đầu tiên đã được chế tạo và đang trải qua thử nghiệm trên các bệ phóng trên mặt đất. Cơ sở phụ trách phát triển tổ hợp tên lửa bội siêu thanh diệt hạm Zircon là Tập đoàn tên lửa chiến lược. Zircon được dự đoán sẽ có tốc độ gấp 5 — 6 lần vận tốc âm thanh và sẽ có khả năng đánh chặn mục tiêu trong bán kính khoảng 300-400 km.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho biết, nhà chức trách nước này đang điều tra vụ đánh bom liều chết xảy ra ngày 19/3 tại thành phố Istanbul.
Thủ tướng Pháp Manuel Valls ngày 19/3 đã gọi vụ bắt giữ đối tượng tình nghi thực hiện các vụ tấn công khủng bố ở Paris (Pháp) Salah Abdeslam là "một bước đi quan trọng" trong cuộc chiến chống khủng bố, nhưng cảnh báo rằng những nguy cơ khủng bố vẫn còn rất cao. Ông Valls nêu rõ: "Đó là một bước đi quan trọng trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố nhưng mối đe dọa này còn rất cao, hoặc có lẽ là cao hơn những gì chúng ta từng biết trước (các vụ tấn công) ngày 13/11/2015. Những mạng lưới, tổ chức, cá nhân khác, ở Pháp, ở châu Âu, đang tổ chức để chuẩn bị các cuộc tấn công mới."
Ngày 19/3, Phái viên Liên hợp quốc Ismail Ould Cheikh Ahmed đã đến thủ đô Sanna, hiện do nhóm nổi dậy Houthi kiểm soát của Yemen, nhằm tìm cách tái khởi động cuộc hòa đàm giữa lực lượng do Iran hậu thuẫn này với chính phủ được quốc tế công nhận. Các nguồn tin tại chỗ cho biết ông Ahmed đã gặp Ali Hajar, đại diện phụ trách đối ngoại của Houthi. Động thái trên diễn ra một ngày sau khi phái viên Liên hợp quốc có cuộc gặp với Tổng thống Yemen Mansour Hadi ở thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, nhằm mục đích khởi động lại “những nỗ lực tái lập lại hòa bình ở Yemen.”
Ngày 19/3, Hãng hàng không FlyDubai của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã bác bỏ giả thuyết cho rằng máy bay Boeing 737-800 của hãng bị rơi cùng ngày tại sân bay thành phố Rostov-on-Don, miền Nam nước Nga, là do tấn công khủng bố. Phát biểu với báo giới tại Dubai, Giám đốc điều hành FlyDubai, ông Ghaith al-Ghaith, tuyên bố giả thuyết này là không có cơ sở, chỉ đơn thuần là những đồn đoán thất thiệt. Ông khẳng định cơ trưởng và cơ phó chuyến bay xấu số là những phi công có thâm niên trong nghề với gần 6.000 giờ bay. Ngoài ra, máy bay gặp nạn đã được bảo dưỡng định kỳ ngày 21/1 vừa qua.
Ngày 19/3, một máy bay Airbus A340 của hãng hàng không Philippines Airlines chở hơn 250 người đã phải hạ cánh khẩn cấp ở thủ đô Manila không lâu sau khi cất cánh do nghi có khói trong buồng lái. Theo Cơ quan Hàng không dân dụng Philippines, sau khi chuyến bay từ Manila đến tỉnh Cebu, miền Trung nước này, cất cánh được 10 phút, phi công tuyên bố tình trạng khẩn cấp và đề nghị quay trở lại Manila để hạ cánh.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết một nhân viên phục vụ Mỹ ngày 19/3 đã thiệt mạng ở miền Bắc Iraq. Nhân viên này thiệt mạng tiếp sau một cuộc tấn công bằng rốckét mà báo chí đưa tin nhằm vào một căn cứ. Liên quân do Mỹ dẫn đầu chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trước đó cho biết một nhân viên phục vụ đã thiệt mạng do hành động thù địch, nhưng từ chối tiết lộ quốc tịch của nạn nhân.
Tối 19/3, nhiều thành phố trên thế giới, từ châu Á tới châu Đại dương đã bắt đầu tắt đèn hưởng ứng sự kiện Giờ Trái Đất năm 2016. Năm nay đánh dấu năm thứ 10 sự kiện này ra đời và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của thế giới với mục đích to lớn là bảo vệ hành tinh và nêu bật những tác hại của tình trạng biến đổi khí hậu.