THẾ GIỚI 24H: Iran kiện Mỹ ra tòa án Công lý quốc tế

Tòa án Công lý quốc tế có trụ sở tại The Hague, Hà Lan. (Nguồn: AP).
Tòa án Công lý quốc tế có trụ sở tại The Hague, Hà Lan. (Nguồn: AP).
TPO - Iran đã có màn phản pháo đầu tiên nhằm vào Mỹ sau khi đệ đơn kiện nước này ra tòa án cấp cao nhất của LHQ trong hôm 27/8, trong nỗ lực nhằm gỡ bỏ các lệnh trừng phạt mà chính quyền Washington áp đặt đối với nước này, gọi đó là “sự hung hăng kinh tế trần trụi”. 

Tại phiên tòa bắt đầu trong hôm đầu tuần này tại trụ sở của tòa án ở The Hague, chính quyền Tehran đã yêu cầu các vị Thẩm phán thuộc Tòa án Thế giới nhanh chóng chấm dứt các lệnh trừng phạt nhằm bảo vệ các lợi ích của Iran. Mỹ sẽ phải đưa ra lập luận của mình trước tòa án trong hôm 28/8. Tòa án này cũng có thể mất vài tháng để quyết định xem liệu có nên đưa ra phán quyết tạm thời hay không. Phán quyết cuối cùng có thể phải mất vài năm mới được đưa ra. 


Ngày 27/8, văn phòng báo chí Thượng nghị sỹ Cory Gardner ra thông cáo báo chí cho biết Thượng nghị sỹ Mỹ Cory Gardner và Chris Coons đã giới thiệu một dự luật ứng phó và ngăn chặn các cuộc tấn công mạng. Giúp Mỹ ngăn chặn các cuộc tấn công mạng do nước ngoài hậu thuẫn và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với tất cả các bên chịu trách nhiệm cho các cuộc tấn công như vậy. Thượng nghị sỹ Coons cho biết các đối thủ của Mỹ như Nga, Trung Quốc và Iran, đang nâng cao năng lực mạng của mình nhằm tấn công vào quá trình bầu cử, hệ thống tài chính và cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ.


Các chuyên gia từ hàng chục nước đang có cuộc họp tại Geneva, Thụy Sĩ để thảo luận các biện pháp xác định cũng như đối phó với những tên rô-bốt giết người. Rô-bốt giết người là các hệ thống vũ khí tương lai có thể tiến hành một cuộc chiến tranh mà không có sự can thiệp của con người. Đây là cuộc họp thứ 2 trong năm bàn về chủ đề này, tập trung vào các hệ thống vũ khí sát thương tự động cũng như tìm các biện pháp kiểm soát chúng. 


Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Hai đã công bố một văn bản liên quan, vạch ra những hạn chế mới đối với Nga. Văn bản với tựa đề “Quyết nghị liên quan việc Nga sử dụng vũ khí hóa học”, các biện pháp trừng phạt được áp dụng với lý do Nga có liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal (người Nga, từng bị kết tội phản quốc) và con gái tại London hồi tháng Ba, vụ việc mà Anh nhanh chóng kết luận Moscow đứng đằng sau, dù chưa đưa ra được bằng chứng để củng cố cáo buộc. (XEM CHI TIẾT…)


Tòa án Tối cao Chechnya của Nga mới đây đã ra phán quyết đối với Yusuf Krymshamkhalov (51 tuổi) và Adam Dekkushev (56 tuổi) về các tội tham gia băng cướp có vũ trang, xâm phạm tính mạng của nhân viên cơ quan bảo vệ pháp luật. Năm 1999, 2 đối tượng này đã tham gia vụ bắn chết 15 quân nhân Nga. Yusuf và Adam hiện đang thụ án chung thân vì liên quan tới vụ đánh bom ở Volgodonsk làm 19 người chết.


Khoảng 10h30 sáng ngày 27/8, văn phòng của nghị sỹ Meyer Habib tại sảnh F, cung điện Bourbon, trụ sở Quốc hội Pháp, đã nhận được một lá thư nặc danh đe dọa an toàn tính mạng của nghị sỹ này, kèm theo một loại bột trắng khả nghi. Tuy nhiên, sau khi phân tích chất bột khả nghi, lực lượng an ninh đã loại trừ nghi ngờ đây là chất độc nguy hiểm. Lực lượng cứu hộ cho biết, đây thực chất chỉ là một loại đường. Nghị sỹ Habib cùng lãnh đạo Quốc hội Pháp cho biết sẽ gửi đơn khiếu nại lên tòa án Paris sau vụ việc này.


Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad mới đây đã khẳng định, Malaysia sẽ tiếp tục theo đuổi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tiền thân là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 11 quốc gia thành viên. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với một đài truyền hình Thái Lan, Thủ tướng Malaysia Mahathir cho biết: “Sau khi Mỹ rút khỏi hiệp định CPTPP, điều kiện về việc cho phép các công ty tiến hành kiện các chính phủ không còn là điều chúng tôi đang lo ngại. Trước đây, Malaysia đã ký kết trở thành thành viên của CPTPP thì chúng tôi sẽ không bao giờ rút lui, sẽ không làm mất uy tín của mình”.


Việc Tổng thống Donald Trump bất ngờ hủy bỏ chuyến thăm Triều Tiên của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo được xem là cú “ra đòn” mới nhằm gây áp lực để Bình Nhưỡng phải thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa. Chuyến thăm Triều Tiên vào tuần này của Ngoại trưởng Mike Pompeo đã không thể diễn ra dù cả hai bên đã chuẩn bị kỹ từ lâu cho chuyến thăm của người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ tới Bình Nhưỡng.

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG