Quan hệ Mỹ - Iran: Chỉ mành treo chuông

Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters
TPO - Quan hệ giữa Mỹ và Iran vốn "cơm không lành, canh chẳng ngọt" trong nhiều thập kỷ qua lại tiếp tục xấu đi dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Và tình trạng "tồi tệ" này trong quan hệ giữa hai nước sẽ kéo dài bao lâu, trong bối cảnh thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc hạt nhân đang đứng trước nguy cơ đổ bể.

Quan hệ Mỹ-Iran dưới thời Tổng thống Trump

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã tuyên bố rằng Thỏa thuận hạt nhân với Iran - Kế hoạch Hành động Toàn diện (JCPOA) - là "thỏa thuận tồi tệ nhất".

Đặc biệt, mối quan hệ giữa 2 nước gặp nhiều bất ổn khi vào ngày 27/1 khi ông Trump thông báo không cấp thị thực cho công dân của 7 quốc gia Hồi giáo, trong đó có Iran. Và dường như ngay lập tức ngày 29/1, Iran tiến hành một cuộc thử tên lửa đạn đạo. Đây được cho là một phản ứng tức thời của chính quyền Teheran đối với lệnh cấm nhập cảnh của Mỹ. 

Ngay sau đó, ngày 30/1, Mỹ cho rằng vụ thử tên lửa là vi phạm nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc. Ngoại trưởng Iran Javad Zarif nhấn mạnh các cuộc thử tên lửa chỉ nhằm mục đích nâng cao khả năng phòng thủ của nước này và các tên lửa này sẽ không bao giờ được sử dụng trừ phi Iran bị tấn công.

Ngày 2/2, khi được hỏi liệu Mỹ có phản ứng với cuộc thử tên lửa bằng hành động quân sự hay không, Tổng thống Trump nói rằng "tất cả vẫn còn đang được xem xét". Ngoài ra, trong Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào tháng 5/2017 tại Brussels (Bỉ), ông Trump đã cố gắng thuyết phục một số quan chức châu Âu không làm ăn với Iran. Những nỗ lực này trái với cam kết của Mỹ trong JCPOA là Mỹ sẽ "không theo đuổi bất kỳ chính sách nào gây ảnh hưởng bất lợi đến việc bình thường hóa quan hệ thương mại và kinh tế với Iran".

Tiếp đến ngày 3/2, Mỹ đã ban hành các lệnh trừng phạt mới đối với Iran, làm ảnh hưởng tới 25 cá nhân và công ty có liên quan tới chương trình tên lửa đạn đạo và những người ủng hộ lực lượng Quds (lực lượng đặc nhiệm) của Đội Vệ binh Cách mạng Iran. 

Sau đó vào ngày 19/4, Bộ Ngoại giao Mỹ đã xác nhận trong báo cáo 3 tháng định kỳ của mình rằng Iran vẫn đang tuân thủ JCPOA. Tuy nhiên, vài giờ sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra bản báo cáo đó, Ngoại trưởng Rex Tillerson đã mô tả thỏa thuận hạt nhân này là một thất bại và nói rằng thỏa thuận đã "không đạt được mục tiêu là đưa Iran trở thành một nước phi hạt nhân. Nó chỉ trì hoãn mục tiêu trở thành một quốc gia hạt nhân mà thôi".

Sau đó, vào ngày 17/7, Bộ Ngoại giao Mỹ đã xác nhận lần thứ hai dưới sự chỉ đạo của ông Trump rằng Iran vẫn tiếp tục tuân thủ JCPOA.

Đặc biệt, ngày 2/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành luật áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm Tehran sau khi nước này tiến hành thử thành công tên lửa. Ngay lập tức, Iran khẳng định các lệnh trừng phạt của Mỹ phá vỡ những điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran và các cường quốc thế giới. Tổng thống Iran Rouhani cho rằng quyết định của Tổng thống Mỹ cho thấy ông Trump là đối tác "không đáng tin cậy" đối với Iran.

Tiếp đến, ngày 15/8, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) Nikki Haley đã tuyên bố Iran phải chịu trách nhiệm về những vụ phóng thử tên lửa, những hành vi hỗ trợ khủng bố và vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ. Tuyên bố của bà Haley nhấn mạnh: "Không thể để mặc Iran lợi dụng thỏa thuận hạt nhân để biến cả thế giới thành con tin. Thỏa thuận hạt nhân này không 'quá lớn đến mức không thể từ bỏ'".  

Phát biểu nêu trên của bà Haley nhằm phản ứng trước tuyên bố trước đó cùng ngày của Tổng thống Iran Hassan Rouhani rằng Iran có thể ngay lập tức từ bỏ hiệp định hạt nhân của họ với các cường quốc thế giới nếu như Mỹ áp đặt thêm bất kỳ lệnh trừng phạt mới nào. Trước đó cùng ngày 15/8, Tổng thống Rouhani cảnh báo nước này có thể ngay lập tức từ bỏ thỏa thuận hạt nhân đã ký với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc cùng Đức) nếu Mỹ tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Tehran.

Phát biểu trước Quốc hội Iran, Tổng thống Rouhani nhấn mạnh nếu Mỹ vẫn giữ ý định áp đặt trừng phạt đối với Iran, nước này sẵn sàng rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đạt được hồi năm 2015, theo đó dỡ bỏ hầu hết lệnh trừng phạt quốc tế đối với Iran để đối lấy việc Tehran cắt giảm chương trình hạt nhân của mình. 

Điều gì sẽ xảy ra nếu Thỏa thuận hạt nhân chấm dứt?

Mặc dù, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã tuyên bố chính quyền Teheran có thể phá vỡ thỏa thuận hạt nhân trong trường hợp Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống lại nước này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân vào lúc này không nằm trong kế hoạch chính trị của Iran.

Theo đánh giá của Kayhan Barzegar, chuyên gia của Câu lạc bộ Valdai, kiêm Giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược Trung Đông ở Tehran (Iran), việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân vào lúc này không nằm trong kế hoạch chính trị của Iran. Chính Tổng thống Rouhani đã khẳng định điều này trong bài phát biểu nhậm chức Tổng thống Iran nhiệm kỳ thứ 2 của mình. 

Khi nói về khả năng Iran chế tạo vũ khí hạt nhân trong trường hợp rút khỏi thỏa thuận hạt nhân này, chuyên gia Kayhan Barzegar giải thích rằng không thể gọi đây là chiến lược của Iran trong bất cứ trường hợp nào. Ông nhấn mạnh: “Chiều hướng này là không phù hợp với logic hành động của Iran khi xét cả đến tính chiến lược, an ninh và tôn giáo. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là trong khuôn khổ của thỏa thuận hạt nhân luôn có nguyên tắc các bên cùng có lợi.

Theo nguyên tắc này, lợi ích của Iran nằm ở việc tiếp tục duy trì tính hiệu quả của thỏa thuận hạt nhân. Nếu Mỹ cố gắng phá hoại việc thực hiện thỏa thuận này để gây sức ép về chính trị và kinh tế chống Iran, khi đó, không nghi ngờ gì nữa, Chính phủ Rouhani sẽ suy nghĩ làm thế nào để đối phó với tình huống này. Một trong những khả năng có thể để giải quyết vấn đề này là tăng số lượng máy ly tâm và cải thiện chất lượng của chúng”. 

Theo các chuyên gia phân tích, nếu thỏa thuận hạt nhân chấm dứt, Iran có thể tiếp tục chương trình làm giàu urani. Nước này cũng sẽ phải chịu hậu quả từ các biện pháp trừng phạt mới. Phá hoại cơ sở vật chất không phải là một công việc dễ dàng, nhưng ngay cả khi đã phá bỏ thì Iran vẫn còn bí quyết để xây dựng lại các cơ sở dưới lòng đất.

Ngay cả các nhà lãnh đạo ở Washington và Trung Đông phản đối thỏa thuận hạt nhân với Iran cũng nên thừa nhận rằng cho đến nay thỏa thuận này ít nhất đã ngăn chặn Iran tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân và họ nên sử dụng thời gian đó một cách khôn ngoan. Mỹ nên chấp nhận các kết luận của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế và các cơ quan khác rằng Iran đang tuân thủ thỏa thuận và cần tiếp tục trì hoãn áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung định kỳ để duy trì thỏa thuận.

Tuyên bố của Tổng thống Iran Rouhani cho thấy, quan hệ Mỹ-Iran vẫn còn rất mong manh và bất kỳ hành động nào của chính quyền Trump cũng có thể khiến mối quan hệ này “trật bánh khỏi đường ray”.

Một quyết định đơn phương của Chính quyền Trump tuyên bố Iran không tuân thủ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hoặc hỗ trợ khủng bố sẽ chỉ có tác dụng cô lập Mỹ và tạo cho Iran cái cớ để nối lại các hoạt động hạt nhân. Điều này chỉ càng làm mở rộng và kéo dài cuộc khủng hoảng ở Trung Đông trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).