THẾ GIỚI 24H: Giới chức Nga cảnh báo thảm họa hạt nhân tại Zaporizhzhia

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Giám đốc Điều hành Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Quốc gia Nga (Rosatom) Aleksei Likhachev ngày 21/11 cảnh báo về nguy cơ sự cố hạt nhân tại nhà máy Zaporizhzhia, theo Interfax.

“Nhà máy đang đứng trước nguy cơ xảy ra sự cố hạt nhân. Chúng tôi đã đàm phán với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) suốt cả đêm”, ông Likhachev cho biết. Trước đó, hơn 10 vụ nổ đã làm rung chuyển nhà máy Zaporizhzhia - cơ sở điện hạt nhân lớn nhất châu Âu - vào tối 19/11 và sáng 20/11 - theo IAEA. Hiện chưa có bên nào nhận trách nhiệm với các vụ tấn công ở nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Moscow và Kiev đều đổ lỗi cho nhau về vụ pháo kích. Theo ông Grossi, dù lực lượng nào đã pháo kích nhà máy, họ cũng đang “đánh cược với tính mạng con người”.


Động đất mạnh ở Indonesia. Quan chức chính quyền thị trấn Cianjur thuộc tỉnh Tây Java, Indonesia xác nhận, ít nhất 162 người chết và khoảng 700 người bị thương trong trận động đất mạnh 5,6 độ richter xảy ra chiều 21/11. Theo Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG), trận động đất mạnh 5,6 độ richter xảy ra ở vùng Cianjur thuộc tỉnh Tây Java có tâm chấn nằm ở độ sâu 10km. Rung lắc mạnh cũng cảm nhận được ở thủ đô Jakarta. Nhà chức trách đã sơ tán một số người khỏi các tòa nhà.


Nga tuyên bố tấn công nhà máy sản xuất động cơ máy bay của Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga cho hay, lực lượng hàng không vũ trụ nước này đã thực hiện vụ tập kích vào nhà máy sản xuất động cơ máy bay ở Zaporizhzhia. “Lực lượng Không quân-Vũ trụ Nga đã tiến hành đòn tấn công chính xác cao nhằm vào nhà máy của Tập đoàn quốc phòng Motor Sich nằm ở thành phố Zaporizhzhia, phá hủy dây chuyền lắp ráp các động cơ dành cho máy bay chiến đấu của Không quân Ukraine”, hãng tin RT dẫn thông cáo được Bộ Quốc phòng Nga công bố đêm 20/11, viết.


Tổng Thư ký NATO kêu gọi hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố xung đột giữa Nga và Ukraine có thể sẽ kết thúc bằng các cuộc đàm phán, đó là lý do tại sao Kiev cần được cung cấp thêm vũ khí. “Tất cả chúng ta đều muốn cuộc chiến này kết thúc. Nó sẽ kết thúc ở một giai đoạn nào đó trên bàn đàm phán. Nhưng chúng ta cũng phải biết rằng kết quả của những cuộc đàm phán đó hoàn toàn phụ thuộc vào sức mạnh trên chiến trường”, ông Stoltenberg nói.


Iran phản đối nghị quyết mới của IAEA. Ngày 21/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani đã bày tỏ phản đối nghị quyết mới đây của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), cho rằng văn bản này “mang động cơ chính trị”.


Chính phủ New Zealand tiếp tục trừng phạt Nga và Belarus. Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta ngày 21/11 đã công bố gói trừng phạt mới đối với Nga và Belarus. Cụ thể, 22 công dân thuộc giới tinh hoa của 2 nước này đã bị đưa vào “danh sách đen” của Wellington. Ngoại trưởng Mahuta nêu rõ: “Các biện pháp trừng phạt tiếp theo đang nhắm vào 22 thành viên của giới tinh hoa ủng hộ Nga và cuộc xâm lược của Moskva ở Ukraine.”


Điện Kremlin quyết trừng phạt đối tượng liên quan vụ hành quyết tù binh Nga. Phát biểu ngày 21/11, người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov khẳng định: “Tất nhiên, Nga sẽ tự truy tìm những đối tượng phạm tội này. Phải tìm ra và trừng phạt chúng… Moscow sẽ làm mọi việc trong khuôn khổ các cơ chế quốc tế để thu hút sự chú ý đến tội ác này”.


Tây Ban Nha sẽ triển khai cảnh sát ở Ukraine để hỗ trợ điều tra “tội ác chiến tranh”. Ngày 21/11, phát biểu tại Hội đồng Nghị viện Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Madrid (Tây Ban Nha), Thủ tướng nước này Pedro Sanchez tuyên bố sẽ triển khai lực lượng cảnh sát tới Ukraine trong vài tuần tới để giúp điều tra cáo buộc tội ác chiến tranh.


Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cung cấp bột mì miễn phí cho các nước kém phát triển. Ngày 21/11, Đài Haberturk (Thổ Nhĩ Kỳ) dẫn lời Tổng thống nước này Recep Tayyip Erdogan xác nhận ông đã đạt được thỏa thuận về lúa mì với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhập khẩu lúa mì từ Nga để sản xuất bột mì và cung cấp miễn phí cho các nước kém phát triển nhằm xoa dịu khủng hoảng lương thực toàn cầu.

MỚI - NÓNG