THẾ GIỚI 24H: Đức chuẩn bị cho khả năng ông Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo Đài phát thanh quốc tế Deutsche Welle (Đức), các nhà lãnh đạo Đức đang chuẩn bị cho khả năng ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ - điều mà một số người cho rằng họ đã không làm được trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông.
THẾ GIỚI 24H: Đức chuẩn bị cho khả năng ông Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ ảnh 1
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc vận động tranh cử ở thành phố Grand Rapids, bang Michigan, Mỹ, ngày 20/7/2024. (Ảnh: Getty Images/ TTXVN)

"Tôi nghĩ ông Trump rất có thể sẽ là tổng thống tiếp theo của Mỹ. Chúng ta không nên mắc lại sai lầm như trong nhiệm kỳ trước của ông ấy. Khi đó, không ai có mạng lưới liên lạc với nhóm cố vấn của ông Trump. Lần này, chúng ta nên chuẩn bị trước và xây dựng mối liên lạc như vậy", ông Spahn - thành viên của Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo trung hữu (CDU) nói bên lề đại hội đảng Cộng hòa ở Milwaukee mới đây. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội nghị An ninh Munich Christoph Heusgen cũng lo ngại rằng, dưới sự lãnh đạo của ông Trump, "Mỹ sẽ đặt ra những ưu tiên khác. Châu Âu sẽ phải tự lo cho quốc phòng của mình và cũng phải gánh vác phần lớn gánh nặng hỗ trợ Ukraine".


Ông Trump đòi bồi thường sau khi ông Biden rút lui khỏi đường đua vào Nhà Trắng. Ứng cử viên đại diện đảng Cộng hòa, ông Donald Trump, yêu cầu được bồi thường các nguồn lực đã chi cho chiến dịch tranh cử. "Suốt thời gian qua, đảng Cộng hòa đã chi tiền vô ích để tiến hành chiến dịch tranh cử với một ứng viên có vấn đề về sức khỏe. Quyết định rút lui khỏi cuộc đua của ông Biden vốn nằm trong tầm dự đoán. Sau tất cả, chẳng phải đảng Cộng hòa nên được được bồi thường hay sao?", ông Trump viết trên trang cá nhân Truth Social.


Nga phản ứng trước khả năng bà Harris trở thành ứng viên tổng thống Mỹ. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moscow không thể dự đoán được lối tiếp cận của Phó Tổng thống Kamala Harris với Nga sẽ như thế nào nếu bà được đề cử làm ứng cử viên của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Dẫn lời người phát ngôn Peskov, kênh truyền hình RT đưa tin cho đến nay, bà Harris chưa đóng bất kỳ vai trò có ý nghĩa nào trong quan hệ song phương hai nước với tư cách là phó tổng thống Mỹ, ngoại trừ một số nhận xét “không thân thiện”.


Hơn 500.000 quân NATO trong tình trạng báo động cao. Theo CNN, từ năm 2014, NATO đã có sự chuyển đổi quan trọng nhất trong một thế hệ. Họ đã thực hiện các kế hoạch phòng thủ toàn diện nhất kể từ Chiến tranh Lạnh và hơn 500.000 binh sĩ hiện đang trong tình trạng cảnh giác cao độ. Ngày 9/7, CNN đưa tin lần đầu tiên sau một thập kỷ, các căn cứ quân sự của Mỹ trên khắp châu Âu được đặt trong tình trạng báo động cao. Điều này xảy ra sau khi thông tin tình báo được cho là xuất hiện về một loạt cuộc tấn công sắp xảy ra nhằm phá hoại các cơ sở quân sự của Mỹ. Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ từ chối bình luận trực tiếp về việc “tăng cường cảnh giác” trên.


Nga và Iran tiến hành tập trận hải quân trên Biển Caspi. Truyền thông Iran đưa tin, một cuộc tập trận hải quân quy mô lớn đã diễn ra trên Biển Caspi, với sự tham gia của lực lượng hải quân Iran và Nga. Đại úy Abbas Hassani, người phát ngôn của cuộc tập trận, cho biết: "Cuộc tập trận có cả tàu chiến và máy bay hải quân, bao gồm tàu khu trục tên lửa dẫn đường Darafsh, Separ và Paykan, hai trực thăng AB-212 và các đội tàu thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC)".


Mỹ điều động hai máy bay ném bom chiến lược B-52 đến Romania. Ngày 22/7, Mỹ đã điều động 2 máy bay ném bom chiến lược B-52 đến căn cứ Không quân Mihail Kogalniceanu của Romania nhằm thể hiện cam kết của Mỹ với các đồng minh và đối tác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên máy bay ném bom B-52 hạ cánh xuống Romania để hỗ trợ Lực lượng máy bay ném bom của châu Âu, tăng cường sức mạnh cho sườn phía Đông của NATO.


Liên minh châu Âu gia hạn tất cả các biện pháp trừng phạt Nga. Liên minh châu Âu (EU) đã gia hạn tất cả các biện pháp trừng phạt Nga thêm 6 tháng, đến ngày 31/1/2025. Đến nay, EU đã áp đặt tổng cộng 14 lệnh trừng phạt Nga, bao gồm các biện pháp hạn chế trong các lĩnh vực thương mại, tài chính, công nghệ, công nghiệp, giao thông, cũng như hạn chế nhập khẩu dầu và sản phẩm hóa dầu từ Nga, hạn chế xuất khẩu sang Nga các mặt hàng xa xỉ và hàng hóa lưỡng dụng.


Liên Hợp Quốc cảnh báo Iraq trở thành tuyến đường chính trung chuyển ma túy. Báo cáo của Liên Hợp Quốc công bố ngày 22/7 cho thấy chính quyền Iraq thu giữ lượng ma túy nhiều kỷ lục vào năm ngoái, với tổng giá trị ước tính lên tới 144 triệu USD, đồng thời nước này đang ngày càng trở thành tuyến đường chính trung chuyển chất cấm. Theo báo cáo của Văn phòng Chống tội phạm và ma túy của Liên Hợp Quốc (UNODC), Iraq ghi nhận hoạt động buôn bán và sử dụng ma túy tăng đột biến trong 5 năm qua.


Indonesia tìm kiếm con tàu mất tích ngoài khơi. Ngày 22/7, giới chức Indonesia cho biết lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm 1 tàu chở hàng cùng 12 người mất tích từ tuần trước ở vùng biển ngoài khơi vùng Papua, cực Đông nước này. Theo ông Fadhilah Mathar, quan chức Bộ Thông tin truyền thông Indonesia, con tàu mất tích chở thiết bị để xây dựng tháp viễn thông và cơ sở hạ tầng khác cho bộ này.

MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.