THẾ GIỚI 24H: Căn cứ nhân đạo của LHQ tại Nigeria bị tấn công

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TPO - Vụ tấn công khiến 25 nhân viên cứu trợ bị mắc kẹt bên trong một hầm trú ẩn thuộc căn cứ.
Nguồn tin an ninh và từ tổ chức phi chính phủ cho biết các phần tử thánh chiến có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ngày 1/3 đã tấn công một căn cứ của Liên hợp quốc tại thành phố Dikwa ở Đông Bắc Nigeria. Nguồn tin dẫn lời một nhân viên cứu trợ giấu tên cho biết: "Căn cứ nhân đạo đã bị những tay súng phóng hỏa hoàn toàn song cho đến thời điểm này không có nhân viên cứu trợ nào bị ảnh hưởng." Nhân viên nói trên cũng cho biết có 25 người đang trú ẩn trong boongke trong khi các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo Tỉnh Tây Phi (ISWAP) đang bao vây bên ngoài căn cứ.

Kết quả thăm dò dư luận mới nhất cho thấy Tổng thống Joe Biden hiện nhận được sự ủng hộ của 60% công chúng Mỹ. Cuộc thăm dò do Đại học Harvard phối hợp với công ty Harris Insight & Analytics thực hiện từ ngày 23 - 25 tháng 02 đối với hơn 2.000 cử tri, và công bố ngày 01/03 (theo giờ Mỹ). Theo kết quả thăm dò mới nhất, kể từ hôm tuyên thệ nhậm chức đến nay có 39% người dân Mỹ không ủng hộ ông Joe Biden. Kết quả thăm dò cũng cho thấy sự khác biệt rõ nét giữa cử tri của hai đảng. Đại đa số cử tri đảng Dân chủ ủng hộ ông Joe Biden, trong khi đó chỉ có 31% cử tri đảng Cộng hoà ủng hộ so với 69% phản đối.

Cựu Tổng thống Donald Trump và cựu đệ nhất phu nhân Melania Trump đã được tiêm vaccine COVID-19 vào tháng 1, trước thời điểm thời Nhà Trắng. Theo The New York Post, việc tiêm vaccine cho cựu Tổng thống Donald Trump và cựu đệ nhất phu nhân Melania Trump đã được thực hiện tại Nhà Trắng trước khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức. Tháng 10 năm ngoái, ông Trump, 74 tuổi, phải nhập viện ba đêm tại Trung tâm Y tế Quân đội Quốc gia Walter Reed. Trong khi đó, cựu đệ nhất phu nhân Melania Trump, 50 tuổi, cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 vào tháng 10 nhưng không đến bệnh viện điều trị.

Ngày 1/3, Indonesia đã hạ thủy tàu chở xe tăng mang tên KRI Teluk Weda-526 được phiên chế cho Hải quân Indonesia (TNI AL). Người đứng đầu Trung tâm trang thiết bị quốc phòng thuộc quân đội Indonesia, ông Asfan Jauhari cho biết tàu vận tải nội địa này do công ty PT. Bandar Abadi đóng tại Batam từ năm 2018. Với chiều dài 117m và tốc độ tối đa 16 hải lý/giờ khi đầy tải, tàu KRI Teluk Weda-526 có thể chuyên chở 111 thành viên thủy thủ đoàn, 367 binh sỹ và 15 xe chiến đấu bộ binh BMP-3F.

Iran từ chối tham gia các cuộc đàm phán với Mỹ và EU về thỏa thuận hạt nhân khi cho rằng đây “không phải là thời điểm phù hợp”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho biết, sau khi cân nhắc những động thái và tuyên bố vừa qua của Mỹ và 3 cường quốc châu Âu, Iran nhận thấy bây giờ chưa phải lúc thích hợp cho một cuộc gặp không chính thức giữa các bên. Tuy nhiên, các quan chức phương Tây cho rằng, phản ứng riêng của Iran mang nhiều "sắc thái" hơn là một lời từ chối hoàn toàn. Điều đó có nghĩa, Iran đang tìm kiếm sự bảo đảm rằng các cuộc đàm phán sẽ chỉ giới hạn trong Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) được ký kết giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức) hồi năm 2015.

Hôm 1/3, cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã bị kết tội tham nhũng và bị kết án ba năm tù, trở thành nguyên thủ quốc gia thứ hai trong lịch sử hiện đại của Pháp bị kết án tội này. Theo CNN, trong bản án tù 3 năm vì tội danh tham nhũng và sử dụng ảnh hưởng của mình để thu lợi trong thời gian tại nhiệm, được tuyên ngày 1/3, cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy có 2 năm hưởng án treo. Ông Sarkozy làn Tổng thống Pháp từ năm 2007 tới 2012. Ông bị cáo buộc hối lộ thẩm phán Gilbert Azibert để đổi lấy thông tin nội bộ về cuộc điều tra liên quan tới cáo buộc ông đã nhận các khoản thanh toán bất hợp pháp từ Liliane Bettencourt, người thừa kế Tập đoàn L'Oreal, trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2007.

Ngày 1/3, hơn 400 nghị sĩ châu Âu đã ký tên vào một bức thư kêu gọi các nhà lãnh đạo tận dụng nhiệm kỳ của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden như một cơ hội để ngăn chặn hành động "thôn tính trên thực tế" của Israel tại khu Bờ Tây đang bị chiếm đóng. Trong thông điệp gửi tới các ngoại trưởng châu Âu và đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell, các nghị sĩ nhấn mạnh "chính quyền ông Biden mang đến cơ hội sửa sai" cho chính sách Trung Đông.

Ngày 1/3, hãng thông tấn RIA đưa tin, một đám đông người biểu tình đã xông vào tòa nhà chính phủ Armenia ở thủ đô Yerevan nhằm yêu cầu Thủ tướng nước này Nikol Pashinyan từ chức. Hồi tuần trước, Thủ tướng Pashinyan đã lên án cái mà ông gọi là âm mưu lật đổ, sau khi quân đội Armenia kêu gọi ông từ chức. Trong khi đó, cùng ngày, Tổng thống Armenia Armen Sarkissan tiếp tục nhận được yêu cầu từ Thủ tướng Pashinyan về việc cách chức Tổng tham mưu trưởng quân đội Onik Gasparyan.


Hàng trăm người biểu tình đã tập trung bên ngoài một tòa án ở Hong Kong, nơi 47 nhà hoạt động phe đối lập bị xét xử với tội danh "âm mưu kích động ly khai", theo CNN. Đám đông có mặt bên ngoài tòa án ở quận Tây Cửu Long từ sáng 1/3, hô vang khẩu hiệu "Quang phục Hong Kong, cách mạng thời đại!". Họ đồng thời đem theo biểu ngữ yêu cầu trả tự do cho các nhà hoạt động đối lập bị bắt giữ vào ngày 28/2. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất ở Hong Kong trong nhiều tháng qua, CNN nhận định.
MỚI - NÓNG