Kêu gọi phá bỏ tình trạng độc quyền vắc-xin COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
Trong nhà máy vắc-xin Incepta ở ngoại ô thủ đô Dhaka của Bangladesh. Ảnh: AP
Trong nhà máy vắc-xin Incepta ở ngoại ô thủ đô Dhaka của Bangladesh. Ảnh: AP
TP - Trong khu công nghiệp ngoại ô thành phố lớn nhất của Bangladesh có một nhà máy được trang bị máy móc nhập từ Đức, nhưng nhiều căn phòng vẫn đóng kín vì nhà máy chỉ hoạt động 1/4 công suất. 

Đó là một trong ba nhà máy trên 3 lục địa có thể bắt đầu sản xuất hàng trăm triệu liều vắc-xin COVID-19 mà chỉ cần thông báo trước một thời gian ngắn, với điều kiện họ được chia sẻ công nghệ. Nhưng công nghệ đó thuộc về các hãng dược lớn như Pfizer, Moderna và AstraZeneca, với 3 loại vắc-xin đầu tiên được Anh, EU và Mỹ cấp phép.

Trên khắp châu Phi và Đông Nam Á, các chính phủ, tổ chức nhân đạo và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang kêu gọi các hãng dược chia sẻ bằng sáng chế rộng rãi hơn để đáp ứng nhu cầu vắc-xin rất lớn của thế giới, trong bối cảnh đại dịch đã cướp đi mạng sống của gần 2,5 triệu người.

Các hãng dược Mỹ và châu Âu nói rằng, họ đang đàm phán hợp đồng và thoả thuận độc quyền với từng đối tác, vì họ cần bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và bảo đảm an toàn. Những người chỉ trích nói cách làm chắp vá này quá chậm chạp, trong khi đang cần ngăn chặn đại dịch khẩn cấp trước khi virus biến đổi thành chủng nguy hiểm hơn.

Tháng trước, WHO kêu gọi các nhà sản xuất vắc-xin chia sẻ công nghệ để “tăng đáng kể năng lực cung ứng toàn cầu”. “Nếu điều đó được thực hiện ngay, tất cả các châu lục sẽ có vài chục công ty đủ khả năng sản xuất vắc-xin”, Abdul Muktadir, chủ nhà máy Incepta ở Bangladesh nói. Nhà máy này từng sản xuất các loại vắc-xin chống viêm gan B, cúm, viêm màng não, bệnh dại, uốn ván và sởi.

Trên khắp thế giới, lượng cung vắc-xin đang ở mức rất thấp so với nhu cầu và chủ yếu dành cho các nước giàu có. Gần 80% vắc-xin được sản xuất đến nay được bán cho 10 quốc gia, theo số liệu của WHO. Hơn 210 nước với tổng dân số 2,5 tỷ người vẫn chưa nhận được liều nào.

Cách đàm phán với từng công ty cũng có nghĩa là một số nước nghèo phải trả nhiều tiền hơn các nước giàu cho cùng loại vắc-xin. AstraZeneca nói rằng, giá bán vắc-xin của họ khác nhau vì tuỳ thuộc vào chi phí sản xuất và lượng vắc-xin mà mỗi nước đặt mua.

Các chính phủ và chuyên gia y tế đề xuất 2 giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu vắc-xin: Một là chia sẻ bằng sáng chế với tập thể, giống như cách làm với thuốc HIV, viêm phổi, viêm gan. Theo cách này, các hãng dược tự nguyện chia sẻ công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ và dữ liệu. WHO ủng hộ giải pháp này, nhưng chưa có công ty được cấp phép nào sẵn sàng chia sẻ.

Cách thứ hai là dừng cấp quyền sở hữu trí tuệ trong tình hình đại dịch. Giải pháp này được ít nhất 119 quốc gia thành viên WTO và Liên minh châu Phi ủng hộ, nhưng EU và Mỹ đã chặn đề xuất này tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trong khi EU và Mỹ là các khu vực tập trung những công ty vắc-xin độc quyền.

MỚI - NÓNG