Thầy tôi và những tờ tiền kẹp trong quyển sách cũ

Giờ đây khi đã rời xa mái trường, thỉnh thoảng tôi cũng mượn sách từ bạn bè, từ cấp trên. Tuy nhiên tôi không còn thấy những tờ tiền được kẹp cẩn thận trong đó nữa.

Dưới đây là bài viết của học trò Lại Thị Hà dành cho giảng viên Trần Kỳ Đồng, Khoa học Chính trị trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM.

Tiến sĩ Trần Kỳ Đồng, giảng viên bộ môn Khoa học chính trị trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM - đọng lại trong suy nghĩ tôi, là một người thầy, ngoài việc dạy kiến thức, còn là người dạy cho sinh viên cách làm người tử tế.

Ngày mới bước chân vào giảng đường đại học, tôi ấn tượng về thầy bởi phong cách ăn mặc hiện đại, với đôi dày thể thao và chiếc ba lô khoác sau lưng. Nhìn thầy xuống xe bus rồi đi bộ thoăn thoắt đến trường, có lúc tôi nhầm thầy là giảng viên nước ngoài bởi mái tóc hơi xoăn, đốm bạc và bồng bềnh cùng chiếc kính cận thầy cẩn thận quàng thêm chiếc dây phòng khi bị rơi.

Thầy tôi và những tờ tiền kẹp trong quyển sách cũ ảnh 1

Là giảng viên một bộ môn được mọi người đánh giá là khô khốc nhưng chúng tôi luôn tìm thấy tình yêu, niềm đam mê với nghề trong mỗi tiết giảng của thầy.

Thế rồi khi được học thầy, mỗi lời giảng, lời khuyên của thầy đều khiến tôi như vỡ ra được nhiều thứ.

Trong mỗi bài giảng thầy thường lồng kiến thức xã hội vào để những đứa sinh viên không có điều kiện xem tivi, hay đọc báo như tôi vẫn có thể nắm được những thông tin cơ bản về tình hình chính trị hiện thời. Tôi còn nhớ như in lời thầy căn dặn khi chúng tôi mới chỉ là những cô cậu sinh viên năm nhất.

Thầy nói, đối với những sinh viên học chuyên ngành chính trị học, có nghĩa các em sẽ làm việc trong bộ máy nhà nước, sẽ là người lãnh đạo, người quản lý. Để có thể làm việc tốt, có thể ra được những chính sách hợp lòng dân hoặc tham mưu cho cấp trên ra những chính sách phù hợp với cuộc sống, phản ánh đúng tình hình hiện thời, thầy khuyên chúng tôi nên đi tìm hiểu cuộc sống của người dân, của tầng lớp công nhân ngay từ khi bước vào năm nhất đại học.

Kỳ nghỉ hè năm đó, chúng tôi hăng hái xin đi làm công nhân tại các khu công nghiệp. Những tháng ngày ít ỏi làm việc đó, tôi được trở thành một người công nhân thực thụ, được ăn cùng bàn, làm cùng chuyền và được nghe những tâm sự thầm kín của họ. Có lẽ, bài học mà tôi nhận lại được từ lần đi làm đó là sự thấu hiểu nỗi khổ của người lao động, thêm trân quý những đồng tiền do mồ hôi nước mắt làm ra.

Ngày tôi cầm những tờ tiền đầu tiên do mình làm ra, cũng là ngày tôi hiểu ra rằng bố mẹ ở quê để kiếm tiền gửi cho tôi ăn học không hề đơn giản. Và sau đó, một bức thư đẫm nước mắt của cô con gái gửi về cho bố mẹ. Đến nay bức thư đó vẫn được bố tôi cất cẩn thận trong tủ.

Trong lớp học, tôi vốn không phải là một sinh viên ưu tú, hay tham gia xây dựng bài nên sợi dây gắn kết giữa tôi và thầy dường như không có. Có lẽ thầy không thể nhớ nổi tôi là ai trong đám học trò nhiều tật ngày đó. Nhưng khi tôi tìm đến thầy, thầy vẫn ân cần và quan tâm tôi như một người học trò cưng.

Ngày ấy, do không có điều kiện mua sách mới nên tôi thường hay đi mượn sách của bạn bè, của thầy đem đi photo mang về học. Khi thấy tôi đến mượn sách, thầy lẳng lặng kẹp vào đó tờ tiền 100.000 đồng. Khi về, mở ra thấy tờ tiền ở trong đó tôi xúc động đến nghẹn ngào. Thầy không chỉ truyền cho tôi những kiến thức bổ ích, dạy tôi cách sống, cách làm người, thầy còn quan tâm, thương yêu chúng tôi như con của thầy.

Tôi đem câu chuyện này về kể với mẹ, mẹ không nói gì chỉ im lặng rồi ôm tôi vào lòng. Còn các bạn chung lớp với tôi, ai cũng ít nhất được một lần thầy cho tiền photo sách học.

Theo Theo Infonet
MỚI - NÓNG