Thầy tôi, Cung Khắc Lược

Thư pháp gia hàng đầu, tiến sỹ Cung Khắc Lược. Ảnh: Trần Công Đạt.
Thư pháp gia hàng đầu, tiến sỹ Cung Khắc Lược. Ảnh: Trần Công Đạt.
TP - Nói đến TS Cung Khắc Lược, người ta nghĩ ngay đến danh xưng một trong “tứ trụ thư pháp” Việt Nam. Chính vì thế nên nếu nói là học trò của ông, người ta dễ nghĩ tôi cũng là dân Hán học, cũng xênh xang bút lông cho chữ thiên hạ. Thực ra không phải. Tôi mãi biết ơn ông về rất nhiều kiến thức khác…

Thầy từng gửi tôi tới một lớp học viết chữ Hán trong một ngôi chùa ven hồ Tây. Lớp học do Lê Quốc Việt cai quản. Đích thân thầy Lược đi mua cuốn sách quý “Tìm về cội nguồn chữ Hán” đưa cho tôi. Tuy nhiên, do bản tính thiếu nhẫn nại, ưa lông bông, nên học được một thời gian, chữ thầy tôi lại giả thầy. Nhưng tôi đã học được ở thầy rất nhiều điều.

Thật ra cũng có một thời gian tôi cắp tráp đi theo hầu thầy. Theo thầy, tôi cũng đã được diện kiến những bậc đại thụ trong làng thư pháp: Lê Xuân Hòa, Nguyễn Văn Bách, Lại Cao Nguyện (tam trong “tứ trụ”). Lúc đó, cách đây chừng gần 20 năm, phong trào phục cổ, viết thư pháp Hán Nôm đang lên. Tôi được chứng kiến nhiều chuyện xung quanh nghiệp chữ nghĩa của các thầy.

Tôi được biết thầy Lược, khi thầy còn làm việc ở Viện Hán Nôm và khi đó cũng chưa có cái phố ông đồ nương vào ven tường Văn Miếu, để thầy tôi ra vung bút giải sầu, nhân tiện cũng kiếm lấy chút lộc Thánh mà vui điếu thuốc chén rượu tuổi già. Ở chốn lao xao ấy, thầy gây nên bao mối nhân duyên, rồi dần dần trở thành “người của công chúng”. Mà chúng tôi, mấy kẻ học trò lại giễu vụng thầy rằng thầy bỗng trở thành “hot boy”.

Nói về thư pháp của thầy, thì người đời bình tán đầy ra đấy. Nào thì “vung bút khoát đạt”, “tài hoa, lãng tử”, “cổ quái”, “liên miên bút”… Nói như họa sỹ Phan Cẩm Thượng – người đã cùng chung lưng với tiến sỹ làm một tập sách rất giá trị về mỹ thuật cổ: “Thực ra, bản tính của TS Cung Khắc Lược là đại nghệ sỹ”. Nhưng cũng rất mực uyên thâm, các đồng nghiệp ở Viện Hán Nôm đều nể trọng. Thầy luôn hòa nhã, vui vẻ, đặc biệt là với người trẻ, cách đến vài chục tuổi vẫn bá vai bá cổ, chén rượu tách trà, anh anh em em. Với những người trẻ có tâm huyết, có khả năng như Lê Quốc Việt, Trần Trọng Dương, Nguyễn Quang Thắng… thầy không tiếc điều gì.

 Tôi đã nhiều lần chứng kiến các vị tiến sỹ trẻ đến tham vấn tiến sỹ già về chữ nghĩa, đặc biệt là cái món chữ Nôm vốn có rất nhiều cách viết, cách luận giải khác nhau. Với người tài, thầy rất trọng thị, và dù trước sau có thể đối với thầy không như một thì thầy vẫn lặng lẽ không bao giờ nói ra. Nhưng với những kẻ bất tài, lười nhác - ngay cả khi có học hàm học vị thì ông không tiếc lời ngoa ngoắt để mắng. Trên youtube, vẫn còn một đoạn video không biết ai đưa lên, trong đó tiến sỹ mặt đỏ tía tai, mắng xơi xơi một người mà ông cho là vô học và không hiểu gì về nghệ thuật.

Cách đây có dễ cũng phải 15 năm, tôi cũng đã từng lẽo đẽo đi theo tiến sỹ và một anh sinh viên đang đi học ở Trung Quốc, nay trở về làm luận văn. Theo hướng dẫn của ông, chẳng cần lao vào thư viện làm gì, việc đó để sau, trước hết hãy cứ đi khảo sát những cái cổng làng, cổng tư gia có tuổi, còn chữ Hán Nôm trên đó. “Kẻo sau này chẳng mấy mà còn”. Mới chỉ từng ấy năm, mà đúng như thầy nói, anh sinh viên kia chắc nay đã đỗ đạt, nhưng những cái cổng rất đẹp về tạo hình và quý về trầm tích văn hóa, thì đa phần đã bị đập không thương xót…

Tôi cũng đã được thày dẫn đi nhiều nơi, những di tích quý, mà nhiều cái nằm ngay trên phố đông người nườm nượp lại qua, nhưng không ai để ý đến nữa. Nhớ lần đến thăm ngôi nhà xưa là trụ sở của Hội Khai Trí Tiến Đức, cụ đứng lặng hồi lâu, mắt rơm rớm.

Lắm lúc, nhìn hình dong bên ngoài của tiến sỹ, người phàm dễ tưởng ông thuộc cái bang. Quần áo nâu nâu, xám xám nhàu nhò là thứ trang phục thường xuyên. Lại thêm cái mũ len lùm xùm. Nhưng cũng có lúc hứng chí, cụ diện hẳn một bộ lụa đỏ. Cái cung cách ấy khiến nhiều người ra đường Văn Miếu giáp Tết xin chữ sợ sệt lướt qua, mà sà đến những bảnh bao mượt mà râu tóc - nhưng nhiều người trong bụng chỉ có một dúm chữ.

Ông tự nhận mình là “nghè ngồi xổm”, rồi lắm lúc lại bảo mình là “tấn sỹ”, rồi tự nhận mình là “thằng nhà quê nói lời nôm na”. Ra Văn Miếu, ông toàn ngồi trên chiếc chiếu trải thẳng xuống vỉa hè, chẳng bục bệ bàn ghế gì hết. Thực ra, lúc hứng lên, ông tự trào cũng đáo để lắm. Nói thế để biết, không phải thầy chỉ mắng người, mà trào lộng chính mình chẳng thương tiếc. Luận giải về thư pháp, về chữ nghĩa, tiến sỹ cũng rất bay bổng. Nhiều người mới nghe thì khoái nhưng nghe thêm thì choáng váng, đầu ù mắt hoa, không biết đâu mà lần. Cụ cứ kệ.

Thứ trang phục mà tiến sỹ rất thích ấy là đồ của người dân tộc thiểu số. Cái áo Tày, cái mũ Mông… ông cứ diễn đều. Ít người biết, đây là một trong những người đầu tiên xây dựng nên trường Đại học Sư phạm Việt Bắc. Thời gian ở trên vùng núi, ông tranh thủ khảo cứu, học được tiếng và chữ viết của khá nhiều dân tộc như Thái, Tày, Dao…nên giờ đây Cung Khắc Lược là một cái tên hiếm hoi có thể đọc được những chữ Nôm Tày, Nôm Dao… Tiến sỹ quý tôi từ đận nói chuyện về văn hóa, chữ nghĩa của người dân tộc thiểu số, tôi liều lĩnh nhận định, rằng với người dân tộc thì phải sống với họ, sống trong họ, chứ không phải cái lối nhìn từ trên. Rằng là cái lối thực dân đã làm hại cái sự đoàn kết dân tộc. Cụ bỗng trừng trừng nhìn khiến tôi phát hoảng, nhưng rồi cụ dịu giọng: Anh nghĩ thế thật à? Rồi cười buồn buồn.

***

Tiến sỹ Cung Khắc Lược vốn là dòng dõi Tổng đốc Cung Đình Vận. Dòng họ ông ba đời làm thầy, ông lại tiếp tục nối nghiệp. Ông được học chữ quốc ngữ, tiếng Pháp, chữ Nho, chữ Nôm từ bé và đã cầm bút lông từ hồi tóc còn để chỏm. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, sau khi lên gây dựng Đại học Sư phạm Việt Bắc, ông được cử đi Trung Quốc nghiên cứu, sau này ông đùa thời gian đó là đi làm… gián điệp. Từ trong vốn cổ của cả người Kinh lẫn người dân tộc, ông biết cả lý số bùa chú và y dược cổ truyền. Chính vì thế nên rất nhiều người vời ông đi xem mồ mả, nhà cửa, xem tướng xem số. Thông tiếng Pháp, tiếng Trung, nhưng ông còn “võ vẽ” - lời ông - tiếng Nga, tiếng Anh. Có người khoái ông đến mức bỏ tiền mời ông đi châu Âu cùng.

Lối viết thư pháp của ông phải nói là rất kỳ lạ. Nó đan xen giữa những nét thẳng, mạnh, cương quyết với những nét vòng vèo biến ảo. Ông viết theo cảm xúc và hình dung riêng của mình. Gọi là cuồng thảo e rằng vẫn chưa đủ. Chữ của ông đã thoát ly hình tướng chuẩn mực để trở thành những bức thư họa rất độc. Có kẻ kiến văn hẹp không đọc nổi, không cảm nổi. Cách ông hành văn cũng lạ, ông chơi chữ đến nơi, bỏ qua việc làm văn từ rất lâu rồi. Ông nói: “Chữ của tôi đa nghĩa. Chữ của tôi như đất, như cây cỏ hoa lá. Quấn quýt nhau như tinh trùng với trứng. Ai thích, tôi cảm ơn. Ai chê mắng, chửi bới, tôi cũng nghe như hát hay”.

Cách ông cho chữ cũng rất lạ. Người không kiên nhẫn, không hợp duyên không lấy được chữ của ông. Có người đến, nói chuyện vài câu, ông quay đi, có khi còn nhũn nhặn nhưng cũng rất kiêu bạc mời đi sang chỗ khác mà xin chữ. Người hợp chuyện, ông thủ thỉ thù thì đến cả tiếng đồng hồ rồi mới lấy bút mực ra. Viết chữ, cho chữ nó phải có sự giao cảm ông mới thích. Mà cũng trái khoáy, người ta xin chữ nhưng không phải lúc nào ông cũng viết. Ông hỏi vì sao? Gia cảnh gia đạo thế nào. Rồi thì ông viết cái ý ấy nhưng chữ khác mà theo ông thì như thế mới hợp với ông với bà, còn không lấy thì thôi cũng được. Đó là một kiểu hành đạo của riêng ông.

Thuộc lớp kỳ cựu, tuổi cũng đã cao nhưng quan niệm của thư pháp gia Cung Khắc Lược rất thoáng. Ông không khư khư lối cổ, mà còn khuyến khích cả lối viết chữ latin thường được gọi là “thư pháp Việt” (mà nhiều thư pháp gia Hán Nôm phản đối). Điều ông nhấn mạnh là người viết không chỉ biết điều khiển cái bút lông, mà phải có học, có tài nghệ thuật. Ông bảo đi sang Tây thấy họ viết chữ rất nhiều kiểu nghệ thuật, đó chẳng phải là thư pháp với con chữ latin là gì?

Là một trong những người đầu tiên khởi xướng ra trò ngồi vỉa hè Văn Miếu cho chữ, tiến sỹ Cung Khắc Lược muốn làm sống lại hình ảnh ông đồ xưa gần gũi với người dân. Ông muốn đưa nghệ thuật thư pháp rời khỏi những nơi trang nghiêm mà lại gần với đời.

Hồi ông còn khỏe, đã mở ra một lớp học mà ông gọi là “học thức Đông Phương”. Lớp học tổ chức tại nhà một đệ tử và ông bảo tôi đến học. Chính ở đây, tôi đã được ông truyền thụ một số kiến thức và tôi mãi mãi biết ơn ông.

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG