Trước khi nhiều phụ huynh, học sinh tố cáo thầy giáo D.T.M có hành vi sàm sỡ học sinh như: véo má, sờ mông, sờ đùi… các học sinh nữ, ngành giáo dục nước ta cũng đã từng xảy ra những vụ “động trời” như vậy hoặc hơn thế nữa ở Phú Thọ, Hà Nội… Có một điểm chung là, trong hầu hết các vụ việc đó, khi điều tra, xác minh, các cơ quan chức năng, đồng nghiệp của những người thầy vô đạo đức ấy đều tìm mọi cách để bao che, bênh vực, hòng “đổi trắng thay đen” hoặc cố tình làm giảm nhẹ mức độ sự việc.
Nạn nhân là các em học sinh, đang ở độ tuổi được bảo vệ đặc biệt, vậy mà không hiểu sao, khi đối diện với những kẻ xâm hại, xúc phạm mình, các em thường lại thành những người yếu thế!?! Trường hợp gia đình hoặc người bị tố cáo có hiểu biết, có chút ăn năn, hối lỗi, họ còn tử tế đến gặp và xin nạn nhân, gia đình tha thứ, xin được bồi thường. Còn lại, có những đối tượng tỏ ra trơ tráo, thách thức dư luận, coi thường luật pháp, họ tìm mọi cách để đối phó, phủi tay, làm giảm nhẹ mức độ, khiến vụ việc thành “chuyện nội bộ”, sau đó chìm xuồng!?!
Trở lại vụ việc ở Trường Tiểu học Tiên Sơn, hầu như ai cũng hiểu rằng, hành vi “sờ mông, sờ đùi” người khác giới có thể coi là hành động sàm sỡ, dâm ô. Với những nạn nhân thuộc đối tượng trên độ tuổi vị thành niên, ngoài việc gọi đó là sàm sỡ, có thể coi đó là hành vi quấy rối tình dục. Còn với trẻ em, phải coi đó là hành động dâm ô, xâm phạm thân thể và phải bị xử lý theo các quy định của pháp luật.
Thế mà, không hiểu sao các cơ quan chức năng của huyện Việt Yên lại nghĩ khác. Họ thật lạnh lùng khi cho rằng, hành vi kia phải để lại hậu quả thì mới gọi là dâm ô. Đó quả là cách nghĩ tàn nhẫn và nực cười. Bởi vì, nếu có hậu quả để lại, chắc chắn, hành vi kia đã không còn là dâm ô nữa, mà là hiếp dâm.
Chẳng lẽ, các cơ quan chức năng ở địa phương này muốn sự việc phải đến mức nghiêm trọng, các cháu phải chịu những hậu quả nặng nề về thể xác, như vậy họ mới dễ dàng trong việc đưa ra kết luận theo đúng quy định của pháp luật? Còn trong trường hợp này, những lời kể của các em học sinh nhỏ tuổi chưa đủ để khiến họ bức xúc, quyết tâm điều tra, xác minh tỉ mỉ, thận trọng, đưa ra kết luận nghiêm minh, khách quan, đúng người, đúng tội?
Kết luận kiểu cố tình làm giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng sự việc của cơ quan chức năng kia không chỉ khiến dư luận cảm thấy chính quyền nơi đây đang cố “bênh vực”, muốn bưng bít, bao che sự việc. Mà nó cho thấy, những người có trách nhiệm nơi đây chưa có sự nhìn nhận đúng mức về công tác bảo vệ trẻ em, nhất là đối với đối tượng học sinh tiểu học.
Thường thì với những vụ việc mà nạn nhân là các cháu nhỏ, quá trình điều tra, xác minh, giải quyết vụ việc, các cháu dễ bị thiệt thòi khi đối chất, khai báo, do lời khai của các cháu không có nhiều giá trị pháp lý. Song, ở trường hợp này, khi đích thân thầy giáo thừa nhận có hành vi sàm sỡ với các cháu, những tưởng đó sẽ là điểm rất thuận lợi để cơ quan chức năng đưa ra những kết luận khách quan hơn. Vậy mà cuối cùng, người ta lại được nghe những lời vừa thiếu thuyết phục, lại có vẻ rất… vô cảm.
Các cháu có thể may mắn không bị chịu những hậu quả nặng nề về thể chất, nhưng chắc chắn, những vết thương tâm hồn là quá lớn, không dễ gì có thể xóa mờ. Để sự việc ầm ĩ lên thế này, chắc chắn với các bậc phụ huynh và bản thân mỗi cháu học sinh, đó cũng là điều “cực chẳng đã”.
Nhưng, khi họ đã dũng cảm, quyết tâm đứng lên tố cáo, vượt lên trên những mặc cảm cá nhân, nghĩa là họ cần một cái kết công tâm. Họ tin rằng, kẻ xấu sẽ bị xử lý đích đáng. Mong muốn của họ và dư luận xã hội, đó là người thầy mất tư cách kia sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi mình làm. Đồng thời, qua sự việc muốn cảnh tỉnh những thầy, cô giáo hay bất cứ một ai khác đang có những suy nghĩ, hành động bệnh hoạn tương tự.
Tiếc rằng, cái kết luận “đơn giản” như vậy của công an huyện không đáp ứng được mong mỏi đó của nạn nhân, gia đình và dư luận xã hội. Nỗi đau về tinh thần của các nạn nhân, đang ở độ tuổi non nớt, trong trẻo kia như sẽ càng nhức nhối và dai dẳng hơn khi biết mình đã không được bảo vệ tuyệt đối. Niềm tin của các cháu và gia đình, dư luận làm sao còn được vẹn nguyên khi sự việc tưởng như đã quá rõ ràng mà cuối cùng lại có cái kết như để cho xong chuyện thế kia?
Ngay khi sự việc ở Việt Yên, Bắc Giang đang dậy sóng thì tại Thái Bình, dư luận lại cực kỳ phẫn nộ trước thông tin một thầy giáo cấp 3 đã có vợ nhắn tin gạ tình học sinh. Điều tra ra mới biết, đây không phải lần đầu kẻ mang danh người “thầy” làm việc ấy, mà những hành vi ấy đã diễn ra cả chục năm trời, với số nạn nhân hiện chưa tính hết được.
Liệu vụ việc ở Thái Bình sẽ được giải quyết như thế nào? Sự việc này đã hết chưa hay còn những vụ việc nào khác liên quan đến những người “thầy” suy đồi nữa? Thật khó để có thể khẳng định. Nhưng có điều chắc chắn là, nếu các cơ quan chức năng, những đồng nghiệp tiếp tục bao che, bênh vực cho những kẻ làm thầy mà mất hết tư cách ấy, vì sợ “xấu chàng hổ ai”, sợ mất thành tích thi đua, hay những nỗi sợ vô hình nào khác, thì chắc chắn, các vụ việc tương tự sẽ không dừng lại.