Hình ảnh dòng người ken cứng ở các chốt để về quê dấy lên nhiều tranh cãi. Một số ý kiến cho rằng, người dân đi tự phát trong dịch bệnh là không nên. Nhiều người khác lại bày tỏ cảm thông. Dưới con mắt của người đưa tin, tôi rất thấu cảm với người dân đang “chạy” khỏi thành phố.
Hình ảnh người lao động “tay xách nách mang” quạt điện, nồi cơm điện và nhiều thứ lỉnh kỉnh khác chất lên xe máy phản ánh một cách chân thực sự cùng khổ, bí bách của họ. Hình ảnh chính quyền và lực lượng chức năng thông chốt, bố trí xe đưa đón và hỗ trợ người các tỉnh về quê phần nào cũng nói lên sự đồng cảm, thấu hiểu những khó khăn mà người dân đã phải chịu đựng suốt gần 4 tháng ngồi yên một chỗ.
Tôi còn nhớ lần đi trao gạo và một số thực phẩm thiết yếu của một số anh em góp tặng người dân có hoàn cảnh khó khăn. Tại một dãy nhà trọ khu vực Thủ Đức, căn phòng khoảng 8m2 có 4 lao động ở. Mùa giãn cách, ai ở đâu ở yên đấy nên 4 người lớn 24/24h trong 8m2 quả là chật chội, nóng bức. Một lao động tâm sự: “Sự chật chội, ngột ngạt có thể chịu được nhưng không có thu nhập, thiếu thốn đủ thứ thì... Thỉnh thoảng dãy nhà trọ cũng có người đến cho quà, phường cũng phát túi an sinh, tuy nhiên so với sức ăn của thanh niên thì không đủ được, chưa kể tiền nhà trọ, điện nước”. Vì thế, họ chỉ mong ngày hết giãn cách, để được trở về nhà.
Tại chốt kiểm soát cửa ngõ giáp ranh giữa TPHCM - Long An, nhiều phụ nữ có con nhỏ cũng lỉnh kỉnh đủ thứ trong đoàn người nối nhau dài như vô tận. Lúc đợi công an và chính quyền làm thủ tục, một người phụ nữ kể rằng, chị định về quê từ đợt trước, cách đây 3 tháng, nhưng ra đến đây thì bị chặn lại, yêu cầu quay xe. Lần này, không còn cách nào khác, nếu bắt quay xe nữa, chị chẳng còn chỗ đi, nhà trọ đã trả, tiền hết sạch.
Thấu hiểu hoàn cảnh của bà con, chính quyền và lực lượng an ninh tại các tỉnh ngoài việc hỗ trợ người dân “thông chốt”, họ còn chuẩn bị từ suất cơm, chai nước tới những chuyến xe đưa đón người dân trở về.
“Mọi thứ rồi sẽ qua đi, chỉ có tình người ở lại”. Đúng thế, khó khăn, mất mát, đau khổ, dịch bệnh rồi cũng sẽ qua, chỉ có tình người, lòng nhân ái, sự thấu cảm luôn hiện hữu trong cuộc sống này.
Cùng với việc hỗ trợ người dân muốn về quê, TPHCM, Bình Dương cũng đã lên kế hoạch đón lao động muốn quay trở lại thành phố làm việc. Nhiều doanh nghiệp cho biết, sẽ bố trí, sắp xếp cho xe về tận nhà đón lao động trở lại với cuộc sống bình thường mới.