TPO - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa lấy ý kiến góp ý dự thảo báo cáo Chính phủ về lương tối thiểu vùng năm 2021, trong đó bác đề xuất của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam về tăng lương tối thiểu và chuyển thời điểm tăng lương.
Theo dự thảo xin ý kiến của các bộ, ngành, hiệp hội, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, trong bối cảnh hiện nay tình hình sản xuất, kinh doanh chưa thể phục hồi như trước khi xảy ra dịch bệnh. Cả nước có hơn 101.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể. Con số này tăng gần 14% so với năm 2019. Bình quân mỗi tháng có gần 8.500 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng vọt lên 2,48%, là mức cao nhất trong mười năm qua. Thu nhập của người lao động bình quân 6,62 triệu đồng, giảm 75.000 đồng so với năm 2019. "Điều này cho thấy, năm 2020, lương tối thiểu có điều chỉnh tăng, thu nhập của người lao động vẫn giảm. Do lương tối thiểu chỉ để đảm bảo mức sàn thấp nhất cho người lao động, tăng lương tối thiểu không làm tăng tiền lương, thu nhập chung của người lao động", Bộ LĐ-TB&XH cho hay.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, nếu tiếp tục giữ nguyên mức lương tối thiểu này áp dụng cho năm 2021 vẫn đáp ứng mức sống tối thiểu. Trong bối cảnh, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp tại Việt Nam cũng như thế giới, chưa thể dự báo chính xác thời điểm kết thúc và mức độ ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội trong nước từ nay đến cuối năm 2021. Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng chưa nên điều chỉnh lương tối thiểu năm 2021 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, người lao động duy trì việc làm.
“Mục tiêu trước mắt cần phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, từ đó kích thích nhu cầu sử dụng người lao động. Việc tăng lương tối thiểu vùng trong lúc này sẽ dẫn đến doanh nghiệp không chịu đựng được, sa thải lao động, thất nghiệp gia tăng...”, Bộ LĐ-TB&XH nhận định.
Về đề xuất chuyển thời điểm tăng lương tối thiểu vùng sang 1/7 hằng năm thay vì 1/1 như hiện hành, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, các quy định pháp luật không ấn định thời điểm điều chỉnh cụ thể mà chỉ quy định các yếu tố làm căn cứ để điều chỉnh lương tối thiểu vùng.
Phần lớn các nước đều chọn thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu trùng với lúc năm tài chính bắt đầu để thuận lợi cho doanh nghiệp lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Năm tài chính của Việt Nam bắt đầu từ 1/1 và kết thúc vào 31/12, nên việc lựạ chọn thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu vào ngày đầu năm như hiện hành là hợp lý. Đây cũng là thời điểm mà doanh nghiệp, người lao động thương lượng để điều chỉnh chính sách lương, thưởng, xác lập điều kiện lao động mới, duy trì ổn định quan hệ lao động.
Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, nếu chuyển sang 1/7, doanh nghiệp và người lao động lại phải thương lượng nhiều lần để thay đổi chính sách, dễ phát sinh bất đồng, ảnh hưởng không tốt đến ổn định quan hệ lao động trong doanh nghiệp.
Do vậy, Bộ này đề nghị duy trì thời điểm điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, ngày 1/1 hằng năm như hiện hành. Nếu có biến động bất thường, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ nghiên cứu và có đề xuất cụ thể với Chính phủ.
Trước đó, Hội đồng Tiền lương quốc gia đưa ra phương án chưa tăng lương tối thiểu vùng năm 2021 đến hết năm do ảnh hưởng Covid-19 và giữ nguyên mức cũ với bốn vùng. Vùng I là 4,42 triệu đồng; vùng II 3,92 triệu; vùng III 3,42 triệu và vùng IV 3,07 triệu đồng.