Trong một cuộc phỏng vấn được hãng thông tấn Tass công bố, Ngoại trưởng Peter Szijjarto thẳng thắn nhận định Kiev còn nhiều vấn đề cần giải quyết nếu thực sự mong muốn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
“Ukraine còn rất nhiều điều phải thay đổi. Tôi có thể nói cụ thể về một vấn đề, đó là tôn trọng quyền của các cộng đồng thiểu số”, Ngoại trưởng Szijjarto nói.
Ông Szijjarto cho biết Budapest không hài lòng với những quy định của Chính phủ Ukraine liên quan đến các cộng đồng thiểu số. “Quyền được giáo dục bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ, và việc sử dụng ngôn ngữ này trong hành chính, văn hoá, tôn giáo đang bị vi phạm. Chúng tôi hiểu những thách thức mà Ukraine phải đối mặt, về cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nhưng chúng tôi không bao giờ chấp nhận cách làm này đối với các cộng đồng thiểu số.”
Một cuộc điều tra dân số được thực hiện vào năm 2001 cho thấy khoảng 77,8% dân số Ukraine là người gốc Ukraine. Các nhóm thiểu số lớn nhất là người gốc Nga (17,3%), gốc Belarus (0,6%), gốc Moldova (0,5%), gốc Tatar Crimea (0,5%) và Bulgaria (0,4%).
Năm 2010, Ukraine dự định sẽ tiếp tục tiến hành một cuộc điều tra dân số, nhưng kế hoạch đã bị hoãn lại đến năm 2020, và đến giờ vẫn chưa được thực hiện.
Ngoại trưởng Szijjarto trước đó từng chỉ trích Kiev vi phạm quyền của cộng đồng thiểu số gốc Hungary ở Ukraine, chỉ ra điều luật năm 2017 về việc đưa tiếng Ukraine trở thành ngôn ngữ bắt buộc đối với học sinh từ lớp 5 trở lên. Với quy định này, học sinh chỉ có thể học ngôn ngữ mẹ đẻ của mình như một môn học riêng biệt.
Theo số liệu của Bộ Giáo dục Ukraine, tính đến năm 2015, nước này có 621 trường học dạy bằng tiếng Nga, 78 trường học dạy bằng tiếng Romania, 68 trường bằng tiếng Hungary và 5 trường bằng tiếng Ba Lan.