Thanh tra phải thanh sạch, dám đương đầu

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Trí Dũng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Trí Dũng.
TP - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng, cần đẩy mạnh phát hiện tham nhũng, chủ động thanh tra, khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển ngay cho cơ quan điều tra, nếu vướng luật, vướng cơ chế thì phải sửa; có biện pháp tăng cường thu hồi tài sản do tham nhũng mà có.

Sáng 16/3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, đến thăm, làm việc với cán bộ chủ chốt Thanh tra Chính phủ. Cùng tham dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại diện lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Theo báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, giai đoạn 2011-2014, toàn ngành triển khai trên 34.500 cuộc thanh tra hành chính và gần 477.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, phát hiện nhiều vi phạm về kinh tế, kiến nghị thu hồi gần 111.800 tỷ đồng, trên 18.700 ha đất, xử phạt hành chính gần 27.500 tỷ đồng, kiến nghị xử lý kỷ luật nhiều tập thể, cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 269 vụ.

Tuy nhiên, việc thanh tra vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được tập trung khắc phục trong thời gian tới như: Việc thực hiện Luật Thanh tra có lúc chưa toàn diện, thời gian kết luận thanh tra một số cuộc còn kéo dài, chất lượng một số cuộc thanh tra chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ việc chuyển cơ quan điều tra còn ít so với số vụ vi phạm, tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản chưa cao, hiệu quả thanh tra trách nhiệm còn thấp…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, dù toàn ngành đã có nhiều cố gắng nhưng so với yêu cầu nhiệm vụ, còn nhiều việc phải làm. Tình hình đất nước bên cạnh những thuận lợi cơ bản, đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, trong công tác xây dựng Đảng, tình trạng vi phạm pháp luật, kỷ luật, tham nhũng, tiêu cực, khiếu nại tố cáo dai dẳng, phức tạp...

Phải bản lĩnh, dám hy sinh

Theo Tổng Bí thư, phòng chống tham nhũng là lĩnh vực quan trọng nhưng vô cùng khó khăn, phức tạp, là cuộc chiến đấu lâu dài. Ngành Thanh tra cần chủ động hướng dẫn và đôn đốc việc triển khai các biện pháp phòng ngừa như kê khai tài sản, thu nhập, công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan, cải cách thủ tục hành chính, chống phiền hà nhũng nhiễu, thực hiện nghiêm các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, chính sách, để người ta không muốn, không thể tham nhũng... Ngành Thanh tra cần mở nhiều kênh tiếp nhận thông tin về tham nhũng, coi trọng đơn thư, phát hiện của báo chí... Đây là kênh rất quan trọng để phát hiện, xử lý kịp thời và kiên quyết các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng.

Trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, cần thực hiện đồng bộ các quy định của pháp luật, đặc biệt chú trọng giải quyết các vụ việc phức tạp, đông người, kéo dài. Năm 2015 là năm tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, ngành cần xem xét, giải quyết đơn, thư tố cáo một cách hợp lý, đúng quy định. Ngoài ra, cần chú trọng củng cố tổ chức bộ máy, kiện toàn đội ngũ cán bộ, chấn chỉnh tác phong công tác, tăng cường đoàn kết thống nhất nội bộ, kiên quyết làm trong sạch đội ngũ, nâng cao phẩm chất đạo đức, dũng khí, trình độ năng lực của những người làm công tác thanh tra. Họ phải thực sự thanh sạch, có bản lĩnh, dám đương đầu, dám hy sinh vì lợi ích của đất nước, của dân tộc.   

Chống tham nhũng, tội phạm ngân hàng

“Ngành ngân hàng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, quản lý lượng tiền gửi rất lớn và liên quan trực tiếp tới các tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Do vậy, công tác phòng, chống tham nhũng và tội phạm của ngành rất quan trọng”, Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng và tội phạm ngành Ngân hàng, nhấn mạnh tại cuộc họp lần thứ nhất của Ban chỉ đạo diễn ra ngày 16/3.

Theo Ngân hàng Nhà nước, trong kinh doanh tiền tệ, ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm, hấp dẫn đối với các loại tội phạm và có thể cám dỗ với một bộ phận cán bộ ngân hàng thoái hóa, biến chất, lợi dụng chức vụ, quyền hạn tham ô, tham nhũng, biển thủ công quỹ, vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng. Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo thảo luận về các thủ đoạn và hành vi phạm tội trong lĩnh vực ngân hàng xảy ra gần đây và thống nhất các biện pháp để chủ động phòng ngừa, xử lý khi có vụ việc tương tự.

 Khánh Huyền

MỚI - NÓNG