Thành phố trong thành phố

Thành phố trong thành phố
TP - Nhiều ý kiến của các chuyên gia trong Hội thảo về tổ chức chính quyền đô thị ở Việt Nam đều kiến nghị cần sớm thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng nhằm nâng cao trách nhiệm cá nhân người lãnh đạo, hiệu quả bộ máy.

> Đề xuất bỏ cấp phường tại 13 quận TPHCM
> Kinh nghiệm cải cách chính quyền địa phương
> Góp ý đề án chính quyền đô thị

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, hiện nay bộ máy Nhà nước còn cồng kềnh, tính thống nhất của hệ thống hành chính Nhà nước và hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước chưa cao. Nhiều vấn đề của đô thị chưa được giải quyết kịp thời như quy hoạch, kiến trúc, giao thông, quản lý dân cư, trật tự an toàn xã hội.

Theo TS Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Trưởng Ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, một trong những nội dung trong Hiến pháp sửa đổi là chính quyền đô thị, địa phương và hải đảo cần được tổ chức ra sao. Yêu cầu đặt ra trong Hiến pháp lần này phải đặt ra cho được đặc thù của chính quyền tại các khu vực khác nhau. Đây là nét mới trong Hiến pháp sửa đổi.

“Thành phố trong thành phố”

Từ thực tế nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm mô hình tại TPHCM, TS Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu QH TPHCM cho rằng: Cần phải xây dựng mô hình dựa trên 4 nguyên tắc lớn. Cụ thể, là phân cấp mạnh cho TPHCM tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tiếp đến là phân định rõ công vụ, nhiệm vụ gì trung ương làm, nhiệm vụ gì địa phương làm, nhiệm vụ gì phối hợp cả hai.

Nhiệm vụ gì trung ương làm nhưng ủy quyền cho thành phố thực thi phải minh bạch ra để thấy rõ trách nhiệm. Hiện nay TPHCM đã trở thành siêu đô thị với dân số trên 10 triệu dân. Với một siêu đô thị thì không thể quản lý tốt được.

Do đó, TPHCM đề nghị thành lập 4 đô thị trực thuộc. Nâng tự chủ của 4 đô thị mới này giống như tự chủ của TPHCM. Mặc dù nó là đơn vị hành chính cấp dưới TPHCM nhưng tính tự chủ rất cao. Khi đó quy mô khoảng 700.000 đến 800.000 dân rất phù hợp trong quản lý. Và đây gọi là “thành phố trong thành phố”.

Thứ ba, theo TS Trần Du Lịch là phải đổi mới hoàn toàn chức năng của các sở ngành của thành phố hiện nay. Sở ngành không phải là cơ quan tham mưu giúp việc đơn thuần mà phải thực sự là quản lý hành chính Nhà nước.

“Tôi ví dụ Sở Tài nguyên Môi trường thì tất cả các vấn đề gì về TNMT thì sở đó và giám đốc sở đó phải chịu trách nhiệm chứ không phải là UBND. UBND chỉ xử lý những vấn đề liên sở, liên ngành để tránh hoàn toàn việc dễ thì ở Sở làm mà khó thì đẩy lên UBND dẫn đến tình trạng họp hành liên miên mà không giải quyết được vụ việc”- TS Lịch nói.

Nguyên tắc thứ tư là phải làm rõ trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm tập thể, nâng vai trò của chủ tịch UBND thành phố rõ ràng hơn, nhiều hơn. Thu hẹp lại những vấn đề mang tính tập thể. Lịch sử cho thấy ở đô thị, cần phải quyết định nhanh những vấn đề chung.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG