Ai có thể ngờ dưới nền những tòa nhà cao tầng của các ngân hàng, chung cư, thậm chí cả dưới lòng sông, lòng hồ ở Geneva lại có một cuộc sống ngầm công cộng nơi vô cùng sôi động, chỗ cực kỳ bí ẩn.
Hầm chống bom nguyên tử
Tôi được anh bạn từng là chuyên gia quân sự dẫn xuống thăm tầng hầm chống bom nguyên tử dưới lòng một chung cư cao tầng nơi gia đình anh đang ở tại quận Grand – Saconnex, trung tâm thành phố Geneva.Thang máy của tòa chung cư đưa chúng tôi xuống độ sâu khoảng 20m so với mặt đất, dừng trước một cửa hầm bê tông rộng khoảng 2m, tường dày hơn 1m.
Thỉnh thoảng trên đường hầm sâu hun hút không biết còn những gì phía sau lại có một cánh cửa thép dày đúng một gang tay tôi rất chắc chắn. Đây chính là một phần của hệ thống hầm chống bom nguyên tử ở Thụy Sĩ. Hầu như tòa chung cư lớn và nơi quan trọng nào ở Geneva cũng có hệ thống hầm chống bom nguyên tử như vậy.
Chắc những nơi làm việc của các yếu nhân, hệ thống hầm còn kiên cố hơn. Anh bạn tôi giải thích cánh cửa thép dày 20 cm có gioăng cao su chắc chắn nói trên chính là cửa để chống sóng xung kích, một thuật ngữ kỹ thuật quân sự về hiện tượng sóng được tạo ra trong trường hợp bom nguyên tử phát nổ.
Điều thú vị là hầm chống bom nguyên tử này không phải là bí mật quốc gia. Bất cứ cư dân mới nào mới đến nhận nơi ở tại tòa nhà chung cư đều được ban quản lý tòa nhà hướng dẫn cách sử dụng hầm chống bom nguyên tử, không nhất thiết trong tình trạng có chiến tranh mà cả trong trường hợp tránh thiên tai.
Dưới hầm ngầm này có hệ thống thông gió, ánh sáng tự động rất tinh vi khiến nhiều người cùng lúc sống dưới hầm vẫn không cảm thấy thiếu không khí. Hệ thống cảm ứng điện được lắp đặt hoàn hảo dưới hầm cho phép người đi đến đâu thì đèn bật sáng đến đó sau khi đi qua đèn tự tắt.
Phía trên hầm chống bom nguyên tử là 3 tầng bãi đỗ xe ngầm. Tất cả hệ thống đều tự động hóa, không cần người gác cửa có thanh chắn ngang trắng đỏ như ở bên ta, chủ xe đi đến đâu chỉ cần sử dụng chìa khóa thông minh là cửa tự mở, thanh chắn tự nâng cho xe ra vào.
Việc trả tiền đỗ xe đều thực hiện qua máy tự động. Không có người thường trực nhưng khắp các tầng bãi đỗ xe ngầm rộng luôn sạch sẽ, không hề thấy một mẩu rác trên sàn. Người dân Thụy Sĩ có mức sống cao vào loại hàng đầu thế giới đã quen với ứng dụng các công nghệ tân tiến phục vụ đời sống.
Cánh cửa hầm chống bom nguyên tử. |
Ga tàu hỏa dưới lòng đất sân bay
Dưới lòng đất sân bay quốc tế Geneva là một nhà ga tàu hỏa lớn nhất Thụy Sĩ nối với hệ thống đường sắt liên vận châu Âu. Đây không chỉ là một nhà ga tàu hỏa mà còn là một thành phố ngầm sống động có đủ các dịch vụ ăn uống, vũ trường, vui chơi giải trí nổi tiếng của những người trẻ tuổi.
Tôi đến Geneva vào dịp trước Noel nên được chứng kiến cảnh thanh niên Thụy Sĩ vui chơi Noel tại các tầng ngầm dưới sân bay quốc tế Geneva.
Hầu hết những người này là những sinh viên, học sinh còn ở tuổi teen đi nghỉ cuối tuần. Họ mặc những bộ quần áo kỳ quặc, mặt tô vẽ đủ kiểu hài hước có, kinh dị có, tay luôn cầm những bình xịt bọt màu sắc bắn vào đầu tóc, quần áo bạn mình để tạo ra những màn cười rũ rượi.
Dưới lòng hồ Geneva dài hàng trăm kilomet giữa biên giới Pháp-Thụy Sĩ cũng là một bãi đỗ xe ngầm 4 tầng rộng mênh mông, đủ chỗ cho hàng ngàn xe hơi.
Lúc đầu tôi cứ thấy những chiếc xe ôtô lao đầu xuống dưới lòng hồ mà không thấy ra, hỏi ông bạn thổ công thì được biết đó cũng là một bãi đỗ xe ngầm, có thể sử dụng làm nơi trú ẩn khi cần thiết. Bãi đỗ xe ngầm này được coi là một trong những bãi đỗ ngầm bậc nhất châu Âu.
Rượu vang như đàn bà đẹp...
Lão nông Bertrand mời phóng viên Tiền Phong nếm rượu vang tại chợ biên giới Ferney Voltaire. |
Thụy Sĩ là quốc gia không có biển, địa hình hầu hết là đồi núi nên không có ngành hải sản, nông nghiệp nhỏ bé, chỉ nổi tiếng ngành chăn nuôi bò sữa. Vì điều này, các quầy lưu niệm ở Thụy Sĩ đâu đâu cũng thấy bày bán các biểu tượng con bò sữa và các loại chuông đeo cổ bò.
Thành phố Geneva tuy nhỏ nhưng là nơi tọa lạc trụ sở nhiều tổ chức quốc tế lớn như ngân hàng, WTO, Liên Hợp Quốc,...nên thường xuyên có lượng quan chức quốc tế đông đảo hàng chục ngàn người sinh sống và làm việc.
Những người nông dân tại vùng Rhône-Alpes thuộc bậc nghèo ở Pháp gần biên giới với Geneva, Thụy Sĩ, đã triệt để khai thác cơ hội này để làm giàu. Hằng tuần cứ vào sáng thứ Bảy, những người nông dân Pháp mang các sản phẩm của mình đến chợ quê Ferney-Voltaire để cung cấp cho khách hàng từ phía Thụy Sĩ lũ lượt kéo sang.
Ferney Voltaire là tên một quận thuộc vùng Rhône-Alpes thuộc lãnh thổ Pháp. Đây cũng là nơi có trường trung học phổ thông quốc tế miễn học phí dạy bằng tiếng Pháp có nhiều học sinh là con em người Việt từ Thụy Sĩ sang học.
Bãi đỗ xe dành cho người từ Thụy Sĩ sang chợ nông sản Pháp chỗ nào cũng nhiều ôtô như những bãi đỗ xe ở các sân vận động lớn. Trong số này có nhiều xe của các gia đình quan chức Việt Nam.
Nông sản bán ở chợ chủ yếu là rau xanh, trái cây tươi đủ loại từ táo, lê, cam, anh đào chín đến thịt bò hun khói, bơ, sữa, xúc xích, salami, và tất nhiên không thiếu các loại rượu vang và sâm panh nổi tiếng của Pháp.
Thấy tôi dừng lại ngắm nghía mấy chai rượu vang đỏ, lão nông Bertrand Jean-Claude nồng nhiệt mời chào nếm thử rượu do chính tay ông làm từ nho trong vườn nhà. Bertrand nói về qui trình làm rượu vang gia truyền 4 đời nhà ông, chỉ cho tôi cái hay, cái đẹp của rượu vang đồng thời ấn vào tay tôi ly rượu thúc giục nếm thử.
Đường xa không thể mang chai rượu vang về Việt Nam, tôi ngần ngại không muốn thử rượu của dòng họ Jean –Claude vùng Rhône-Alpes. Thấy vậy, ông Bertrand nói: “Anh biết không, người Pháp có câu nói rượu vang như người đàn bà đẹp, chỉ ngắm thôi cũng đủ thích lắm rồi nhưng nếu được nếm thì vẫn thích hơn!”.
Tìm việc ở Geneva không dễ
Mức sống của người dân Thụy Sĩ cao nhiều so với mức sống trung bình của dân các nước châu Âu khác. Thụy Sĩ không phải là nước tham gia Liên minh Châu Âu, cũng không tham gia khu vực đồng tiền chung euro nên không bị ảnh hưởng nhiều bởi khủng hoảng nguy cơ sụp đổ đồng euro.
Một đồng Franc Thụy Sĩ theo tỷ giá hiện nay gần bằng một euro.Thế mà mức lương tối thiểu của người lao động ở Geneva được chính quyền xác định là 3.000 francs Thụy Sĩ trong khi mức lương tối thiểu ở nước Pháp láng giềng chỉ 1.000 euro. Một anh bạn tôi người Bỉ làm thợ lắp máy chính xác cho một công ty lớn mỗi tháng được trả lương 3.000 euro, sau khi nộp thuế và các khoản khác, chỉ còn hơn 2.000 euro đưa về cho vợ con.
Trong khi đó, chỉ phụ bếp nhà hàng kiêm bưng bê, bốc vác ở Thụy Sĩ cũng thu nhập sau thuế hơn 3.000 francs là điều mà dân lao động EU cũng vẫn còn mơ chưa thấy.
Nhiều người Việt sống ở Geneva đã tốn nhiều công sức đi tìm việc làm thêm nhưng không hề dễ như ở các nước châu Âu khác. Ưu điểm của người lao động Việt là không nề hà công việc vất vả. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất của người Việt đi xin việc làm thêm là tiếng địa phương.
Thụy Sĩ có vùng nói tiếng Pháp, Đức,.. nhưng chủ lao động luôn đòi hỏi người làm công phải thành thạo ba bốn ngoại ngữ. Chỉ riêng tiêu chí ngoại ngữ thôi, người lao động Việt khó mà cạnh tranh được người từ các nước châu Âu khác sang Geneva tìm việc làm. Đấy là chưa kể phải cạnh tranh trong tình trạng người thất nghiệp ở nhiều nước châu Âu khác đang đổ về Thụy Sĩ kiếm việc làm.
Đại Phượng
Từ Geneva, Thụy Sĩ