Hội thảo khoa học “TPHCM- 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập” diễn ra ngày 17/3 đã làm rõ sự năng động, sáng tạo, không bó tay trước khó khăn với nhiều cách làm hay, mang tính đột phá xuất phát từ truyền thống nghĩa tình của TPHCM.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thành phố Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nói trong quá trình xây dựng và phát triển, Hà Nội đã vận dụng những bài học kinh nghiệm quý báu của TPHCM trong nhiều lĩnh vực, như: cải cách hành chính, quy hoạch và quản lý đô thị, quy hoạch phát triển các trung tâm thương mại, khu đô thị tập trung, xã hội hóa đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục, y tế, thể thao, giao thông...
Để có được vị trí đầu tàu, một thành phố văn minh, tiến đến hiện đại, ít ai ngờ TPHCM đã trải qua “trăm cay, nghìn đắng”. Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải nhớ lại thời điểm 1975, TPHCM bắt đầu sự nghiệp xây dựng trong hoàn cảnh hết sức khó khăn.
“Nhân dân TPHCM phải ăn cơm với bo bo, bột mì, khoai sắn. Hồi đó, thành phố phải “chạy ăn” từng bữa cho 3,5 triệu người. Anh Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) khi xuống các tỉnh ĐBSCL “chạy” lương thực thực phẩm cho dân, được lãnh đạo các địa phương đặt biệt danh là “chủ tịch gạo”, “chủ tịch heo” - nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải kể.
TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM nhận định trong gần 4 thập niên đó, hòa vào cùng cả nước, TPHCM đã thể hiện truyền thống năng động, sáng tạo, sống có nghĩa tình; không chịu bó tay trước những khó khăn thách thức, có những lúc phải “xé rào” vì sự phát triển của TPHCM và cải thiện dân sinh, xứng đáng với tiềm năng vốn có của thành phố.
Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải nói: Với thành quả này, chúng ta càng thấm thía với lời nhắn nhủ của đồng chí Nguyễn Văn Linh: Cái mới không dễ được chấp nhận. Còn phải cố gắng nhiều hơn nữa để bằng thực tế với cung cách làm ăn có hiệu quả mới có thể thuyết phục nhằm thay đổi dần được cách nghĩ, cách điều hành theo lề lối cũ.