Tại toạ đàm, các đại biểu đã chia sẻ những suy nghĩ, bày tỏ những kinh nghiệm và kiến nghị với các cơ quan quản lý nhằm tạo ra cơ chế và tạo điều kiện tốt nhất nhằm xây dựng lớp thanh niên thời kỳ mới có phẩm chất của công dân toàn cầu. Đồng thời xác định các tiêu chí, phẩm chất cần có của thanh niên Việt Nam trở thành công dân toàn cầu; vai trò của tổ chức Đoàn, Hội trong việc tạo môi trường để thanh niên rèn luyện trở thành công dân toàn cầu; góp phần giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ hội nhập quốc tế, cụ thể hoá việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khoá XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong xây dựng lớp thanh niên thời kỳ mới, góp phần xây dựng nội dung trong dự thảo văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017-2022.
Ông Vũ Khoan - nguyên Phó Thủ tướng cho rằng, kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế có cả những mặt tích cực và mặt tiêu cực tác động đến kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa... của từng dân tộc, đất nước, người dân, trong đó đặc biệt là giới trẻ. Thanh niên Việt Nam ra ngoài thế giới phải có tư cách, phẩm chất, phải có hiểu biết, kiến thức, hành xử có văn hóa với bạn bè thế giới. Đặc biệt phải chú trọng tìm hiểu, học hỏi những tinh hoa, tiến bộ của thế giới để ứng dụng xây dựng đất nước; đồng thời phải giữ gìn bản sắc của dân tộc.
Ông Vũ Khoan nhấn mạnh, muốn hội nhập quốc tế và trở thành “công dân toàn cầu”, giới trẻ phải chú trọng hai yếu tố là "tử tế" và "tức khí". Trong đó, "tức khí" là lòng tự ái dân tộc, vượt khó vươn lên. Đây chính là tinh thần đã thúc giục các lớp thế hệ thanh niên Việt Nam xả thân vì đất nước trong suốt quá trình lịch sử.
Việt Nam có nhiều lợi thế với lực lượng lao động đông đảo, phong phú về tài nguyên... nhưng không có "tức khí", hoài bão thì không thể hội nhập thành công, sánh vai cùng các quốc gia trên thế giới. Đồng thời, muốn trở thành "công dân toàn cầu" thì trước hết phải trở thành công dân Việt Nam mẫu mực, tử tế, phải có tâm thế và tư thế đĩnh đạc để hội nhập quốc tế.
Ông Vũ Khoan nhấn mạnh, muốn hội nhập quốc tế và trở thành “công dân toàn cầu”, giới trẻ phải chú trọng hai yếu tố là "tử tế" và "tức khí".
Nhà báo Lê Quốc Minh - Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus cho rằng, trở thành "công dân toàn cầu" là quá trình thay đổi tư duy, mở rộng kiến thức, kỹ năng của mỗi người dân trong quá trình hội nhập quốc tế, nhất là đối với giới trẻ.
Nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng báo chí, truyền thông có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin, góp phần tuyên truyền, định hướng hình thành "công dân toàn cầu". Báo chí, truyền thông phải hướng đến 3 yếu tố trong hội nhập quốc tế là "trách nhiệm", "chuyên nghiệp" và "sáng tạo" để mở rộng kiến thức, thay đổi tư duy cho người dân Việt Nam, cũng như để báo chí Việt Nam hội nhập với báo chí, truyền thông quốc tế.
Chị Nguyễn Thị Kim Thanh (Đoàn thanh niên Bảo tàng Hồ Chí Minh) cho rằng công dân toàn cầu là những người sống và làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau. Họ có thể có một hoặc nhiều quốc tịch, họ có thể vượt qua ranh giới không gian, văn hoá... Công dân toàn cầu có thể mang lại nhiều lợi ích cho xã hội nhờ lượng kiến thức và kinh nghiệm họ tích luỹ được khi sống và làm việc tại nhiều quốc gia và nhiều nên văn hoá khác nhau.
Bên cạnh đó, công dân toàn cầu cần có kiến thức, tư duy tầm nhìn toàn cầu, phải hiểu thế giới, thấy được vấn đề nhân loại để thấy cơ hội, rủi ro; Có tư duy và cái nhìn rất mở, chấp nhận và tôn trọng những khác biệt trên thế giới; Cảm nhận và chia sẻ trách nhiệm với những vấn đề lớn chung của toàn cầu; Nền tảng tri thức và học thuật được chấp nhận trên phạm vi toàn cầu; “hoà nhập mà không hoà tan”.
Xác định tiêu chuẩn phấn đấu cho thanh niên
Phát biểu tổng kết toạ đàm, anh Nguyễn Ngọc Lương nêu rõ: Phải thống nhất nhận thức về khái niệm “công dân toàn cầu”, bởi vì nếu với tư cách là một thực thể pháp lý thì không tồn tại khái niệm công dân toàn cầu, không gắn với được với quốc tịch, quyền và nghĩa vụ của công dân.
Vấn đề đặt ra ở đây là gắn công dân, nhất là thanh niên với xu thế hội nhập, xu thế toàn cầu hoá là quy luật tất yếu và khách quan, từ đó đòi hỏi thanh niên phải rèn luyện, phấn đấu để có những phẩm chất, tiêu chuẩn tham gia vào quá trình hội nhập. Như vậy, “công dân toàn cầu” phải được hiểu theo nghĩa bóng và nhằm mục đích xác định tiêu chí, tiêu chuẩn để rèn luyện và phấn đấu cho thanh niên trong thời kỳ mới.
Anh Nguyễn Ngọc Lương cho biết nổi bật tại toạ đàm có 10 tiêu chuẩn phẩm chất trở thành công dân toàn cầu, gồm: Hiểu biết về văn hoá Việt Nam và các nước trên thế giới; Sức khoẻ tốt; Có trình độ ngoại ngữ tốt, nhất là tiếng Anh; Hiểu biết về pháp lý, nhất là các thông lệ quốc tế; Nền tảng khoa học công nghệ; Năng lực thực tiễn và chuyên sâu vào một lĩnh vực; pỹ năng mềm tốt; Tác phong làm việc chuyên nghiệp và ứng xử văn hoá, văn minh; Lòng yêu nước và cầu thị học hỏi những nội dung mới, ưu việt của quốc tế; Bản lĩnh và khát vọng vươn lên hội nhập và trách nhiệm cống hiến với cộng đồng.
Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương cho biết: Trong thời gian tới, T.Ư Đoàn và các cấp bộ Đoàn cùng với việc tiếp tục nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, ý thức pháp luật cho đoàn viên, thanh niên thì việc nâng cao kỹ năng mềm, kỹ năng hội nhập cho cán bộ Đoàn, đoàn viên thanh niên là hết sức quan trọng.
Đồng thời, các cấp bộ Đoàn cần tiếp tục phát huy việc liên kết tổ chức Đoàn, Hội với các tổ chức thanh niên tiến bộ trên thế giới; tổng kết các vấn đề về công tác thanh niên của Đoàn trong nhiệm kỳ 2012-2017 để từ đó để ra những nội dung mới tuyên truyền đến đông đảo đoàn viên, thanh niên; làm tốt việc xây dựng các tiêu chí, chuẩn mực của thanh niên trong thời kỳ hội nhập quốc tế, góp phần vào xây dựng đột phá về nguồn nhân lực mà Đảng ta đã khặng định, xây dựng thành công quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong thời gian tới.