Công dân toàn cầu hành động

Khách Tây dọn rác ở Mũi Né
Khách Tây dọn rác ở Mũi Né
TP - Sau sự ra mắt ấn tượng của nhóm Keep Hà Nội Clean với hình ảnh “ông Tây” lội cống vớt rác, đến lượt Keep Mũi Né Clean ra đời.   

Ấn tượng lần này tăng lên một bậc. Mũi Né là điểm du lịch đáng ước ao của ngay cả người trong nước ai dè bẩn đến mức độ đó! Sự tham gia của người nước ngoài cũng gia tăng về số lượng, đa dạng hơn về quốc tịch.

Báo chí cho hay bắt đầu từ chiều 2/6, một nhóm thanh niên khoảng 25 người Tây ta đủ cả xắn tay áo dọn dẹp thảm rác dày đặc nằm dọc đường Huỳnh Thúc Kháng ở Mũi Né, Phan Thiết, Bình Thuận: “Đây chính là khu vực ngập đầy rác, kéo dài hơn 200m dọc bờ biển mà cô Oksana Pavlova, một du khách Nga phản ảnh trên Facebook và đang được UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo kiểm tra, khắc phục. Trong lúc địa phương vẫn chưa có kế hoạch thì nhóm thanh niên này đã hành động”.

“Thảm rác” này theo ước tính ban đầu dày khoảng nửa mét. Lượng rác ước tính nếu dọn thủ công phải 2 tháng mới hết. Oksana qua báo chí kêu gọi người dân địa phương cùng tham gia và cho hay đang cần thêm các phương tiện cơ giới. Trong những ngày đầu, cô Julia Shaw - người Anh đang làm huấn luyện viên thuyền buồm tại Mũi Né - đã tài trợ xe tải để có thể chở hàng tấn rác khỏi bãi biển.

Được biết, sau khi nhận được thông tin phản ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu Sở VHTT&DL phối hợp UBND thành phố Phan Thiết kiểm tra thông tin, xác minh địa điểm: “Nếu tình trạng ngập rác thải chưa xử lý thì phải khẩn trương xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm liên quan đến việc tồn đọng rác để chấn chỉnh, khắc phục và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, báo cáo cho UBND tỉnh trước ngày 10/6”, một tờ báo đăng tải.

Như vậy theo đúng tiến trình của nhà quản lý, trước khi hành động dọn dẹp thực sự bắt đầu còn phải xác minh, xác định, quy trách nhiệm… chán chê. Mà thủ phạm còn phải tìm đâu xa ngoài những người dân có thói quen vứt rác bừa bãi, cùng “tòng phạm” là công ty môi trường. Dân Việt có thói xấu là đi tới đâu bày bừa tới đó. 

Những nơi càng đẹp, càng được nhiều người lui tới vãn cảnh, càng nhiều rác. Dân Việt suy nghĩ đơn giản, “nhà sạch thì mát”… Nhưng bây giờ đã là thời mà thậm chí nước láng giềng “ở bẩn”, mình cũng bị ảnh hưởng. Khói cháy rừng Indonesia chả đầu độc bầu không khí nhiều nước Đông Nam Á là gì. Thậm chí con người cũng chẳng thể tồn tại nếu phớt lờ sự sống còn của các loài khác. 

Theo Albert Einstein: “Nếu ong biến mất trên quả địa cầu, con người sẽ chỉ còn 4 năm để sống. Không có ong, quá trình thụ phấn không diễn ra, thực vật không còn, động vật không còn thì con người cũng tuyệt diệt”. Tương tự, khoa học chỉ ra nếu tê giác châu Phi tuyệt chủng, hệ thực vật đồng cỏ sẽ thay đổi kéo theo sự tuyệt chủng của hàng loạt động vật hoang dã khác.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên có bài hát mà nhiều thế hệ người Việt đều thuộc: “Trái Đất này là của chúng mình”. Con người e rằng không có khả năng làm chủ Trái Đất theo kiểu chinh phục. Nhưng làm chủ theo kiểu coi Trái Đất là ngôi nhà chung duy nhất là điều cần kíp. Cách tư duy này chính là động cơ khiến cho những bạn Tây bắt tay ngay vào dọn dẹp một nơi không phải quê hương họ. Chả thế mà sinh ra khái niệm “công dân toàn cầu”.

Mới đây, trang Facebook Người Đồng Nai giới thiệu một nhóm bạn trẻ tự nguyện đi hút đinh trên quốc lộ 51 từ Biên Hòa đi Long Thành. Để những người đi làm sớm không bị hại, các bạn trẻ này phải đi xe máy từ lúc trời còn chưa sáng, mang theo que gắn nam châm. Các “hiệp sĩ” có cả đường dây nóng kịp thời ứng cứu miễn phí các nạn nhân cán phải đinh. 

Trong nhiều bình luận ca ngợi họ nhận được, có cả những lời nhắc nhở hãy bảo trọng vì những kẻ rải đinh có thể trả thù. Một bình luận trả lời: “Tây Ninh tôi có đội cứu nạn giao thông. Các anh đi vá miễn phí cho mọi người bất kể ngày đêm nếu có yêu cầu có sao đâu! Kiêng nể để cho tụi đinh tặc có cơ hội hại người là tiếp tay cho tội ác!”.

Với những bạn trẻ này, thì Đồng Nai hay Tây Ninh chính là làng xóm của họ, những người đi đường cũng giống như anh em họ hàng. Tôi nghĩ họ có cùng tư duy với những công dân toàn cầu đang chung tay dọn rác trên quê hương chúng ta.

MỚI - NÓNG