Phong trào Thanh niên xung phong (TNXP)
Năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, kế thừa và phát huy truyền thống của TNXP Việt Nam, Thành Đoàn TNCS TPHCM đã thể hiên vai trò tiên phong thành lập các Đội TNXP làm nhiệm vụ ở những huyện ngoại thành thành phố và các đội Thanh niên tình nguyện xây dựng vùng kinh tế mới ở các tỉnh Tây Ninh, Sông Bé và một số vùng đất tại Tây Nguyên… Ngày 28/3/1976, tổ chức TNXP TPHCM chính thức được thành lập với 2 Tổng đội (Tổng đội TNXP Thành đoàn và Tổng đội TNXP xây dựng kinh tế mới), đồng loạt ra quân đi xây dựng những vùng quê hương mới. Sau hơn 1 năm hoạt động, ngày 6/9/1977, 2 Tổng đội TNXP được sáp nhập thành Lực lượng TNXP TPHCM với 9 phòng nghiệp vụ, 1 trường huấn luyện, 9 Tổng đội và 1 công trường với 25.000 cán bộ, đội viên.
Với nhiều nhiệm vụ được giao, từ khi thành lập tới năm 1980, lực lượng TNXP TPHCM đã đóng vai trò xung kích trên mặt trận lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, góp phần thực hiện phân công lại lực lượng lao động xã hội và bố trí lại dân cư, là lực lượng hậu bị quốc phòng, sẵn sàng tham gia nhiệm vụ phục vụ chiến đấu và chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, là môi trường rèn luyện, giáo dục thanh niên thành con người có ích cho xã hội.
Qua 45 năm xây dựng và phát triển, lực lượng TNXP TPHCM luôn luôn thể hiện là một tổ chức kinh tế - xã hội đặc thù, xung kích thực hiện các nhiệm vụ do thành phố giao, vừa là nơi rèn luyện, đào tạo con người, vừa là một trường học lớn cho thanh niên.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói: “…Thanh niên xung phong là một trường học thực tế. Trường học ấy chẳng những giáo dục rèn luyện có hiệu quả hàng ngàn, hàng chục ngàn con người mới xã hội chủ nghĩa mà còn đào tạo và bồi dưỡng hàng ngàn cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trưởng thành từ phong trào và hàng ngàn cán bộ đã qua thử thách rèn luyện cung cấp cho các cơ quan, các ban ngành không chỉ tại TPHCM mà cho cả nước…”.
Phong trào thanh niên tình nguyện
Theo ông Huỳnh Công Ba, một trong những người đã sáng lập ra phong trào “Ánh sáng văn hóa hè” (tiền thân của phong trào Thanh niên tình nguyện tại TPHCM), vào cuối những năm 80, trước thực tế nhiều người dân ngoại thành TPHCM còn mù chữ, lực lượng sinh viên trường Đại học Sư phạm TPHCM đã tổ chức các chiến dịch tình nguyện ra quân xóa mù chữ vào mùa hè và được gọi là chiến dịch “Ánh sáng văn hóa hè”. Phong trào đã rất thành công khi nhiều người dân đã biết viết biết đọc, vì thế nên nhiều trường đại học khác đã ủng hộ và tham gia. Từ thực tế của phong trào và nhu cầu bức thiết của cuộc sống, năm 1994, Ban Thường vụ Thành Đoàn đã quyết định phát động chiến dịch tình nguyện “Ánh sáng văn hóa hè” cho nhiều trường đại học và được tổ chức thí điểm tại huyện Bình Chánh. Ngay từ mùa chiến dịch đầu tiên đã thu hút được 700 sinh viên thành phố đồng loạt ra quân về các xã trên địa bàn huyện Bình Chánh, tổ chức lớp học và trực tiếp giảng dạy trong gần 3 tháng, xóa mù chữ cho gần 1 ngàn người, giúp đẩy nhanh tiến độ phổ cập giáo dục của thành phố. Phong trào đã tạo ra tiếng vang lớn để từ đó, các năm sau chiến dịch “Ánh sáng văn hoá hè” được mở rộng đến nhiều tỉnh thành.
Cuối năm 1996, khi TPHCM được công nhận đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ, Ban Thường vụ Thành Đoàn đã quyết định táo bạo: Đẩy mạnh phong trào tình nguyện trong sinh viên học sinh thành phố lên một bước cao hơn và Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh đã chính thức ra đời từ đây.
Từ đó cho tới năm 2020, chiến dịch Mùa hè xanh tình nguyện được thực hiện ổn định trong các mùa hè, thu hút hàng trăm ngàn lượt thanh niên tình nguyện trên địa bàn khắp cả nước và tại một số nước lân cận như Lào, Campuchia… Với hàng triệu ngày công lao động, hàng ngàn công trình dân sinh làm lợi cho xã hội hàng trăm tỷ đồng. Các dấu ấn các công trình, các phần việc tình nguyện từ thành thị đến những vùng quê nghèo khó được thể hiện rõ nét, phản ánh sức trẻ, sự nhiệt tâm và tinh thần của tuổi trẻ thành phố.
Anh Lê Quốc Phong - Nguyên Bí thư thứ Nhất T.Ư Đoàn: “Hình ảnh chiến sĩ tình nguyện hè đã để lại những dấu ấn đẹp, củng cố niềm tin của nhân dân và lãnh đạo các cấp, các địa phương đối với thanh niên Việt Nam, làm đẹp hơn hình ảnh của thanh niên Việt Nam. Những giá trị tích cực của chiến dịch tình nguyện hè đã có sức lôi cuốn, lan tỏa mạnh mẽ không chỉ trong thanh niên mà còn nhận được sự đồng hành, tham gia của nhiều lực lượng trong xã hội, của người dân các địa bàn hoạt động và cả những thanh niên quốc tế”.
Chương trình “Vì ngày mai phát triển”
Ra đời năm 1988, ban đầu chương trình được mang tên Quỹ “Vì ngày mai phát triển” bắt nguồn từ đề xuất của PGS-TS Nguyễn Thiện Tống (Đại học Bách khoa TPHCM). PGS- TS Tống kể rằng ý tưởng lập Quỹ học bổng xuất phát từ một lá thư của những người bạn nước ngoài, đề xuất với mong muốn góp tiền lập quỹ, trao học bổng cho các em đang học lớp cuối cấp THPT là những học sinh xuất sắc, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.... Từ ý tưởng này, GS đã cùng với đồng sự phối hợp với Thành Đoàn TPHCM (Cụ thể là báo Tuổi trẻ) xây dựng kế hoạch thành lập với phương châm “mục đích chính của học bổng là kích thích tinh thần học tập, vươn lên chiếm lĩnh tri thức của các bạn vì ngày mai phát triển của đất nước”. Tháng 10/1988, Quỹ “Vì ngày mai phát triển” chính thức đi vào hoạt động. Với tiêu chí lựa chọn nghiêm túc, công khai và minh bạch. Trong năm đầu tiên hoạt động đã có 20 bộ hồ sơ xét tuyển được gửi tới, 12 bộ hồ sơ đã được lựa chọn bởi hội đồng tuyển chọn là những nhà giáo, là các giảng viên đại học có uy tín.
Từ ý nghĩa và tính nhân văn của Quỹ nên trong những năm tiếp theo, Quỹ “Vì ngày mai phát triển” đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của các Mạnh thường quân và số lượng học bổng cũng được mở rộng tới nhiều địa phương trong cả nước.
Từ một quỹ ban đầu, “Vì ngày mai phát triển” đã trở thành một chương trình lớn, lan rộng trong cả nước, thu hút hàng ngàn Mạnh thường quân cùng chung tay đóng góp, tạo cơ hội cho hàng trăm ngàn trẻ em được học tập và ổn định cuộc sống. Ý nghĩa hơn là trong số những cá nhân nhận được sự trợ giúp đó, hàng ngàn người đã vươn lên, thành công trong cuộc sống và họ đã quay trở lại, tiếp sức cùng với chương trình “Vì ngày mai phát triển” tiếp tục đóng góp và trợ giúp cho các thế hệ sau.
Ông Võ Văn Thưởng - Nguyên Bí thư thứ Nhất T.Ư Đoàn: “Là người từng được nhận học bổng của chương trình, tôi thật sự xúc động khi thấy những nhà hảo tâm đến với chương trình thật tự nhiên như một lẽ thường hằng ngày phải ăn cơm uống nước. Thành công của chương trình không chỉ ở chỗ đã mang đến cơ hội phát triển công bằng cho hàng vạn học sinh - sinh viên nghèo trên mọi miền đất nước, nó chắp cánh cho hàng vạn ước mơ trở thành sự thật, ở đó hội tụ những tấm lòng, những khát vọng trong triết lý Vì ngày mai phát triển của thế hệ đi sau”.