Thành Lương - Sóc nhỏ đã lớn

Thành Lương - Sóc nhỏ đã lớn
TP - Năm 2008 với Lương “dị” thật nhiều cột mốc đáng nhớ. Đầu tiên là việc cùng HN.ACB nhận vé xuống hạng Nhất, một kết cục chẳng có mấy bất ngờ với những người trong cuộc như Lương.
Thành Lương - Sóc nhỏ đã lớn ảnh 1
 Ảnh: Quốc Khánh

Nhưng cùng với nỗi buồn ấy, Lương lại có một niềm vui khác khi có được danh hiệu đầu tiên trong sự nghiệp khi cùng HN.ACB bất ngờ qua mặt ĐKVĐ V-League Bình Dương để đoạt Cúp Quốc gia.

Rồi khi HLV Calisto lần đầu tiên công bố danh sách ĐTQG, nỗi buồn miên man tưởng như lại ập tới với Lương khi anh không có tên trong số 30 cầu thủ lọt vào mắt xanh ông thầy người Bồ Đào Nha.

Thế nhưng, chấn thương của Công Vinh cùng với việc Văn Bình và Trọng Hoàng không thể lên tuyển vì bận thi tốt nghiệp THPT, nên Thành Lương đã được bổ sung vào phút chót.

Trong số ba cầu thủ được gọi vào ĐTQG theo dạng “vé vớt” khi ấy, chỉ còn Lương “dị” trụ lại, còn cả Thái Dương và Thanh Sang đều đã phải khăn gói ra về từ sớm.

Và chỉ sau hai trận đấu cùng ĐTQG, Lương đã chinh phục được HLV Calisto để rồi đến trận đấu “thế kỷ” gặp Olympic Brazil, Lương đàng hoàng ra sân trong đội hình xuất phát và đến cuối trận còn được đổi áo với tiền đạo Alexandre Pato.

Thành Lương - Sóc nhỏ đã lớn ảnh 2
Sau mỗi buổi tập Lương thường nán lại trao đổi với các thầy để học hỏi

Kể từ đó tới nay, Lương đã trở thành chủ nhân chính thức của vị trí tiền vệ trái ở ĐTQG và trong màn trình diễn nhạt nhoà của thầy trò Calisto tại Cúp bóng đá quốc tế TPHCM vừa qua, Lương vẫn nổi lên như là một điểm sáng hiếm hoi nhờ lối chơi lăn xả, hết mình mỗi khi được tung vào sân và chính Lương chứ không phải ai khác mới là người được khán giả phương Nam yêu mến nhất.

Đã từ rất lâu, kể từ thời Sơn “công chúa” giải nghệ, ĐTQG mới lại có một cầu thủ chơi bóng khéo léo, kỹ thuật nhưng tinh quái và luôn tiềm ẩn khả năng bùng nổ như Lương.

Sinh năm 1987 trong một gia đình không có ai chơi thể thao, Lương đến với bóng đá lúc đầu chỉ như một sở thích. Vì thế, khi tên tuổi Lương nổi như cồn ở các giải bóng đá thiếu niên và nhi đồng tại Hà Tây (cũ) thì bố mẹ Lương vẫn chẳng nghĩ rằng con mình rồi sẽ theo nghiệp quần đùi áo số mà không phải theo nghề buôn bán như truyền thống gia đình.

Tất nhiên, ở một nơi không có bóng đá đỉnh cao như Hà Tây thì không phải là môi trường lý tưởng để Lương phát huy tài năng. Nhận thấy điều đó, vào một ngày đẹp trời, một người tự xưng là Xuân, HLV của đội trẻ Quân khu Thủ đô, đã lặn lội tìm tới tận nhà Lương để xin phép bố mẹ cậu cho con trai lên Hà Nội chơi bóng.

Lương kể: “Em nhớ là lúc lên Hà Nội em mới chỉ có 16 tuổi. Lúc bác Xuân đặt vấn đề thì bố mẹ em cũng đồng ý”. Khi được hỏi rằng liệu có cảm thấy bỡ ngỡ trong những ngày đầu xa nhà và lại ở một môi trường hoàn toàn khác lạ như Hà Nội hay không, Lương trả lời:

“Em không thấy có gì khó khăn để thích nghi với môi trường mới cả, vì đã là bóng đá thì ở đâu cũng như nhau nên em cũng dễ hoà nhập”. Với suy nghĩ hồn nhiên và trong trẻo như vậy, Lương nhanh chóng khẳng định được chỗ đứng tại đội trẻ của HN.ACB.

Thành Lương - Sóc nhỏ đã lớn ảnh 3
Thành Lương và HLV Calisto trên sân tập - Ảnh: Phạm Yên

Trong gần 20 năm qua, khi nói tới bóng đá trẻ Thủ đô thì cái tên Thể Công luôn được nhắc tới như một định đề bất biến nhưng tại VCK giải U21 báo Thanh niên năm 2005 diễn ra tại Quy Nhơn (Bình Định), U21 HN.ACB với sự góp mặt của Thành Lương đã làm thay đổi cách nghĩ đó. Thực ra, ngay từ vòng loại bảng A khu vực phía Bắc, HN.ACB đã thi đấu rất hay, khi lần lượt thắng cả Thể Công lẫn SLNA, hai lò đào tạo trẻ uy tín nhất nhì miền Bắc.

Lúc đó, trong đội hình HN.ACB sở hữu ba cầu thủ thuận chân trái nhưng nếu như Ngô Việt Anh và Nguyễn Xuân Thành đã ít nhiều được biết tới từ trước, thì Thành Lương quả là một cái tên khá xa lạ với nhiều người. Tuy nhiên, đến VCK tại Quy Nhơn, Thành Lương đã ghi dấu ấn mạnh mẽ và trở thành “đầu tàu” của HN.ACB.

Với những pha xuyên phá như vũ bão dọc hành lang trái, Thành Lương trở thành mũi chủ công lợi hại của HN.ACB và khoảnh khắc đáng nhớ nhất của Lương ở VCK này là pha solo qua ba cầu thủ phòng ngự Nam Định rồi sút bóng cháy lưới thủ môn Thành Trung khi hai đội hoà nhau với tỷ số 2-2 ở vòng bảng.

Chứng kiến pha bóng này của Thành Lương, một số cựu danh thủ trên khán đài sân Quy Nhơn đã gật gù chép miệng: “Rồi tương lai của thằng bé này sẽ rất sáng sủa đây”.

Lương được một số CĐV nữ của HN.ACB gọi là hot boy và có vẻ như bên ngoài sân bóng tiền vệ này cũng rất đào hoa. Khi được hỏi về chuyện riêng tư, Lương bẽn lẽn. Gặng mãi mới biết người yêu mới của Lương nhỏ tuổi hơn Lương và vẫn còn đang đi học nhưng Lương chỉ tiết lộ có như vậy, vì “em không thích mang chuyện riêng lên báo

Đến trận bán kết gặp Thể Công, Thành Lương cũng lại là người hùng của HN.ACB với bàn ấn định tỷ số 2-0. Thế nhưng, vào cuối trận, trong một tình huống cản phá không lấy gì làm nguy hiểm bên phần sân nhà với cầu thủ Thể Công, Thành Lương bị phạt thẻ vàng.

Ngay lúc đó, trọng tài Hoàng Anh Tuấn (Chiếc còi Đồng 2008) đang ngồi trên khán đài chờ làm nhiệm vụ ở trận sau đã vỗ đùi: “Thôi chết rồi. Thế là Lương phải nghỉ trận chung kết rồi”.

Số là Lương đã nhận một thẻ vàng ở vòng bảng và cứ ngỡ rằng chiếc thẻ này đã được xoá khi vào vòng bán kết, nên sau khi hết trận, Lương ngồi lau giày trong niềm hân hoan thắng trận.

Lúc được phóng viên Tiền phong thông báo về việc phải vắng mặt trong trận chung kết do đã nhận hai thẻ vàng, lúc đầu Lương tỏ ý không tin nhưng sau khi được BHL xác nhận, cậu bé đã oà khóc ngon lành ngay bên lề cỏ sân Quy Nhơn.

Và với đội hình không có Thành Lương, HN.ACB đã không thể là chính mình ở trận chung kết gặp chủ nhà Bình Định và họ đã để thua sau một trận thủy chiến trên mặt sân vô cùng lầy lội.

Thật ra, kể cả khi có Lương trong đội hình thì HN.ACB cũng chưa chắc đã thắng được Bình Định, bởi đội chủ nhà lúc đó đang có cả thiên thời địa lợi nhân hoà nhưng giá như có Lương thì trận chung kết đã không diễn ra một chiều như vậy.

Ngay sau mùa giải U21 đáng nhớ ấy, Lương được đưa lên đội một HN.ACB để tham dự V-League 2006. Hồi mới ra mắt ở sân Hàng Đẫy, nhìn Lương xúng xính trong bộ quần áo thi đấu dài như bộ… váy khiến nhiều CĐV của HN.ACB không khỏi phì cười nhưng chỉ sau vài trận đấu, các thành viên của CHF (hội CĐV HN.ACB) đã thấy ở Lương dáng dấp của một cầu thủ đặc chất CAHN mà họ mong chờ bấy lâu nay, kể từ sau khi bộ đôi Minh Hiếu-Tuấn Thành giã từ sự nghiệp đỉnh cao.

Tuy nhiên, năm 2007 mới thực sự là lúc Lương bộc lộ hầu hết những phẩm chất tốt nhất của mình và Lương đã trở thành một nhân tố then chốt trong lối chơi của HN.ACB. Vẫn là phong cách chơi bóng lắt léo và tốc độ như tại Quy Nhơn năm 2005, nhưng giờ đây Lương đã “khôn” hơn và biết sử dụng cái chân trái dẻo như kẹo của mình vào nhiều việc hơn so với trước đó hai năm.

Còn nhớ, trước Tết nguyên đán năm ngoái, Lương chỉ dám ước ao sẽ được gọi vào đội tuyển Olympic trong năm 2008 nhưng nay Lương đã là một tuyển thủ quốc gia “cứng cựa”. Nhìn lại bước tiến của mình, bản thân Lương cũng phải thừa nhận là rất bất ngờ.

Khi được hỏi rằng trong năm 2008, nỗi buồn HN.ACB xuống hạng hay niềm vui được gọi vào ĐTQG là ấn tượng nhất, Lương suy nghĩ một hồi rồi bẽn lẽn: “Chắc là ĐTQG anh ạ, vì thực lực của HN.ACB như thế thì xuống hạng cũng là kết cục tất yếu thôi”. Ở V-League mùa bóng vừa qua, trong khi hầu hết các đồng đội đàn anh đều đã nản nên không còn nhiệt huyết thi đấu thì một mình Lương vẫn cày ải khắp nơi như một chú ong thợ cần mẫn.

Thấy Lương gánh trên vai gần như cả đội bóng như vậy, giữa mùa giải, HLV Hoàng Gia đã tăng lương cho Lương từ 9 triệu lên 15 triệu đồng để tương xứng với đóng góp của Lương. Khoản tiền này trong thời buổi lạm phát và “sốt” cầu thủ hiện nay ở V-League thì không phải là lớn nhưng với Lương như vậy cũng là đủ, bởi “tiền thì biết bao nhiêu cho đủ hả anh, cơ bản là em thấy hài lòng”.

Thông thường, khi lên tuyển và có được chỗ đứng trong đội hình xuất phát, lẽ ra Lương phải tham gia những trò tiêu khiển theo kiểu người lớn cùng các bậc đàn anh, nếu không sẽ đối mặt với nguy cơ bị tẩy chay nhưng sự chân chất của Lương đã khiến không ai muốn làm như vậy, nên dù đã là trụ cột ở ĐTQG, song Lương vẫn là cậu bé của xã Phù Lưu, Ứng Hoà, Hà Nội như ngày nào.

Ngay cả pha va chạm mới đây nhất trên sân tập giữa Lương và Hoàng Vương cũng không làm mọi người thay đổi cái nhìn về Lương, bởi ở tình huống đó, dù có vẻ như đã phạm lỗi với Hoàng Vương nhưng Lương đã chủ động xin lỗi trước. Đến cuối buổi tập, sau khi dàn hoà với Hoàng Vương thì Lương lại trở về với sự hồn nhiên, nghịch ngợm như mọi khi.

MỚI - NÓNG