Chi tiết hóa đáp án
PGS TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, thang điểm 20 sẽ chi tiết hóa đáp án, có lợi cho thí sinh hơn. Với thang điểm này, người ra đề và người làm đáp án sẽ vất vả hơn, nhưng người chấm theo barem cũng chính xác hơn. Việc mở rộng thang điểm cũng thuận lợi cho các trường khi xét tuyển sinh.
Ông Minh ví dụ, lượng thí sinh có thể đăng ký vào một ngành rất đông, như khoa Toán trường ĐH Sư phạm năm 2014 điểm chuẩn là 25. Tuy nhiên, với mức điểm này trường thiếu khoảng 20 em. Nếu trường hạ điểm chuẩn 24,5 thì có tới 100 em trúng tuyển. Vì thế, trường đành chịu thiếu chỉ tiêu chứ không dám hạ điểm chuẩn.
TS Phan Huy Phú, Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long chia sẻ: Lo lắng của phụ huynh và học sinh trước dự thảo quy chế mới về kỳ thi THPT quốc gia là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, nghiên cứu các nội dung, ông cho rằng, thang điểm mở rộng ra 20 sẽ càng chi tiết hóa nội dung. Thí sinh dễ ăn điểm từng chi tiết nhỏ sẽ càng có lợi hơn khung điểm 10. Nếu như trước đây, với khung điểm 0,25 và thang điểm 10 chỉ cần 40 ý là kịch trần thì nay cần tới 80 ý mới đạt thang điểm 20. Thí sinh mất điểm ở ý này vẫn có thể dễ dàng đạt điểm ở ý khác trong cùng một câu.
“Có kết quả điểm mới đăng ký vào trường rất có lợi cho thí sinh, vì vậy thí sinh và người nhà nên tìm hiểu ngành học, trường học tương ứng với đầu ra, tương lai nghề nghiệp... Đây cũng là bài toán hướng nghiệp của trường THPT”.
Phó viện trưởng Viện ĐH Mở Hà Nội, ông Trương Tiến Tùng
Hầu hết ý kiến các trường khi được hỏi đều cho rằng, nội dung dự thảo quy chế mới khá hợp lý, không gây sốc. Phần lớn nội dung quy chế tập hợp lại những điều đã làm trước đó như tổ chức thi cụm, cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi tương ứng với 4 nguyện vọng 1, 2, 3, 4 trước đó. Nội dung đề thi chủ yếu lớp 12 đã được áp dụng trong đề thi năm 2014 và được dư luận khá hài lòng. Đặc biệt, quy chế mới cho phép thí sinh thi xong, biết kết quả mới đăng ký vào các ngành, trường phù hợp với khả năng của mình cũng là điểm lợi cho thí sinh. Nếu trước đây, thí sinh thi ĐH đánh cược với khả năng của mình thì nay “ăn chắc” điểm trong tay, biết được trình độ của mình đến đâu mới đăng ký ngành học là hợp lý.
Trong vai trò phụ huynh, Phó viện trưởng Viện ĐH Mở Hà Nội Trương Tiến Tùng chia sẻ, việc Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi hai trong một là cần thiết. Tổ chức cụm thi sẽ giảm tải cho xã hội vấn đề giao thông, đi lại. Người nhà và thí sinh phần nào đỡ vất vả hơn khi không phải tìm nhà trọ ở thuê, ăn cơm bụi để thi cử. “Về lâu dài, cái lợi là người không theo học ở các trường THPT vẫn có quyền đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Đạt điểm vẫn được công nhận trình độ”, ông Tùng nói.
Trường vất vả, thí sinh ảo nhiều hơn
Sau khi biết kết quả thi, mỗi thí sinh sẽ được cấp tới 4 giấy chứng nhận thi có đóng dấu đỏ của trường chủ trì thi và mã vạch nhận dạng để thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Điều này lợi cho thí sinh nhưng vất vả cho các khâu xét tuyển của các trường và khả năng thí sinh ảo tăng cao hơn.
Đại diện trường ĐH Thăng Long phân tích, dư luận lo lắng, vì mỗi thí sinh có tới 4 giấy chứng nhận thi. Ở mỗi đợt xét tuyển, thí sinh có thể dùng giấy chứng nhận kết quả để đăng ký xét tuyển vào tối đa 4 ngành của một trường sẽ làm tăng lượng thí sinh ảo. Với quy chế mới, các trường sẽ mệt mỏi hơn trong việc xét tuyển, tuy nhiên cơ hội trúng tuyển của thí sinh được tăng lên so với những năm trước.
Dự định tổ chức cụm thi cho khoảng 35.000 thí sinh, những ngày này, trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã bắt tay vào chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia trong năm tới. PGS. TS Nguyễn Văn Minh thông tin, tháng 7 mới tổ chức thi nhưng thời điểm này, trường đã liên hệ địa điểm thi. Trước đây, việc tổ chức cho khoảng 15.000-16.000 thí sinh ĐH, nay thi cụm cho kỳ thi THPT quốc gia thí sinh tăng lên khoảng 3,5 vạn, trường vất vả hơn từ khâu địa điểm tổ chức thi, địa điểm ăn ở hỗ trợ thí sinh, lực lượng coi thi, an ninh…