Cá trên thị trường đã an toàn?
Thưa ông, Bộ Y tế vừa thông báo hải sản tầng đáy trong vùng 20 hải lý trở vào chưa an toàn, Bộ NN&TNT hướng dẫn và giám sát ngư dân đánh bắt thế nào trong vùng biển này?
Bộ NN&PTNT đã có hướng dẫn bà con khai thác bình thường, nhưng trừ 3 khu vực Bộ TN&MT cảnh báo (các khu vực cách bờ 1,5 km thuộc Sơn Dương-Hà Tĩnh diện tích khoảng 300 km2, cách cửa Nhật Lệ -Quảng Bình khoảng 330 km2, và hòn Sơn Chà – Thừa Thiên-Huế khoảng 160 km2).
Đồng thời, do nguồn lợi, hệ sinh thái khu vực 20 hải lý trở vào đang phục hồi, nên khuyến cáo bà con ngư dân không sử dụng các ngư cụ khai thác hải sản tầng đáy khu vực trên.
Cùng đó, Bộ cũng sẽ huy động, tăng cường lực lượng kiểm ngư, phối hợp với thanh tra thủy sản, bộ đội biên phòng để kiểm soát khai thác vùng biển 20 hải lý trở vào ở 4 tỉnh miền Trung.
Ngoài ra, hiện nay, Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo cơ quan chuyên môn, cùng với Bộ Y tế tiếp tục lấy mẫu giám sát theo định kỳ khi cá cập bến. Các loại hải sản đánh bắt lên bờ hiện này đều an toàn không chỉ riêng ở 4 tỉnh miền Trung mà là cả nước.
Mới đây, Bộ Y tế có cung cấp danh sách 150 hải sản tầng đáy phổ ở 4 tỉnh miền Trung, nghĩa là những loài cá này chưa ăn được?
Thực ra, danh sách 150 loài hải sản thường gặp ở tầng đáy của 4 tỉnh miền Trung là do Viện nghiên cứu hải sản cung cấp. Việc công bố này là để người nhận biết các loại cá đáy, chứ không phải tất cả các loại cá đó không ăn được. Trong 4 tỉnh miền Trung, chỉ có một một số rạn san hô, nơi quy tụ các hợp chất độc do Formosa xả thải gây cá chết, thì mới không an toàn. Còn có những nơi, đáy biển bằng phẳng, biển có thể tự làm sạch nhanh hơn, nên cá sống ở tầng đáy ở đó không phải là không an toàn.
Hỗ trợ ngư dân đóng tàu lớn
Hiện việc thống kê đền bù, hỗ trợ thiệt hại với người dân đang thực hiện ra sao, và bao giờ người dân nhận được tiền đền bù, hỗ trợ?
Hiện nay có 2 nhóm công việc đang triển khai đồng thời, là thống kê thiệt hại từ các địa phương và phần việc xác định định mức đền bù.
Về thống kê, hiện các địa phương đang triển khai quyết liệt, đảm bảo đúng trình tự thủ tục, phương pháp, nguyên tắc công khai minh bạch từ cơ sở. Đến nay, việc kê khai thiệt hại các địa phương cơ bản đã hoàn tất.
Ở nhóm thứ 2 về định mức đền bù, các địa phương đã gửi định mức cho Bộ Tài Chính. Trong tuần qua, Bộ NN&PTNT đã cử các nhóm công tác, cùng Bộ Tài chính, rà soát các định mức các tỉnh gửi lên. Hiện phần việc này đang giai đoạn hoàn tất thủ tục và sẽ trình Thủ tướng phê duyệt định mức chung cho các tỉnh trong ít ngày tới.
Sau khi Thủ tướng phê duyệt định mức, dựa trên con số thông kê thiệt hại, các địa phương sẽ áp giá sẽ ra con số cần đền bù, hỗ trợ cho người dân. Sau đó, Bộ NN&PTNT sẽ tổng hợp thiệt hại của các địa phương, gửi Bộ tài Chính thẩm định trước khi trình Thủ tướng xem xét phê duyệt và phân bổ từ nguồn tiền 500 triệu USD từ Formosa cho các tỉnh. Nếu các nội dung trên triển khai theo kế hoạch, trong tháng 10 tới giải ngân cho các tỉnh.
Với ngư dân chưa đánh bắt trong vòng dưới 20 hải lý hiện nguồn lợi đã cạn kiệt, liệu sẽ có hỗ trợ họ đóng tàu lớn ra khơi?
Trong đề án tổng thể về “Xác định, bồi thường thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường” hiện xin các bộ ngành, trước khi trình Thủ tương phê duyệt vào đầu tháng 10 tới, có chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ.
Các chủ tàu cá công suất dưới 90 CV sẽ được hỗ trợ vay vốn tại các ngân hàng để đóng tàu mới tàu cá có tổng công suất từ 90CV đến dưới 400CV. Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu cá và bảo hiểm tai nạn thuyền viên.
Về hạn mức, lãi suất và thời hạn cho vay, ngư dân có thể lựa chọn một trong hai hình thức như: Vay 90% tổng giá trị đầu tư đóng mới, với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu cá chỉ phải trả lãi suất 1%/năm. Thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất 15 năm, chủ tàu cá được thế chấp giá trị tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản để bảo đảm khoản vay.
Hai là chủ tàu cá được hỗ trợ một lần bằng 50% giá trị tàu đóng mới (bao gồm giá trị tàu, trang thiết bị hàng hải, trang thiết bị bảo quản và ngư cụ), nhưng không quá 2 tỉ đồng/tàu.
Ngoài ra, sẽ có nhiều chính sách khác nhằm đảm bảo sinh kế cho người, trong đó hỗ trợ đi xuất khẩu lao động đi các thị trường như Hàn Quốc, Hàn Quốc, thực tập sinh chi phí thấp tại Nhật Bản…
Lập bản đồ vùng cấm đánh bắt cá đáy tại 4 tỉnh miền Trung
Ngày 27/9, trong công văn kiến nghị các bộ ngành, Hội Nghề cá Việt Nam đề nghị Bộ NN&PTNT cần xây dựng bản đồ ven biển 4 tỉnh miền Trung chưa được phép khai thác cá tầng đáy. Bản đồ cần xác định rõ diện tích vùng biển, vĩ độ và kinh độ đường biên của vùng biển không an toàn, để ngư dân khi thác cá tầng đáy có thể nhận biết và không khai thác cá ở vùng biển này. Hội Nghề cá cũng kiến nghị cần xây dựng “Tờ rơi nhận biết cá biển tầng đáy” phát cho người tiêu dùng các cửa hàng ăn…Theo đó, tờ rơi này phải có tên loại thủy sản tiếng Việt (tên phổ thông và tên địa phương), tên khoa học kèm theo ảnh của các loại thủy sản sống ở tầng đáy và phân phát tài liệu cho cửa hàng ăn,người tiêu dùng và những ai quan tâm.