"Thần dược" cho người bị viêm họng

Ảnh minh họa: internet
Ảnh minh họa: internet
TPO - Viêm họng hạt đến nay vẫn được coi là một bệnh khó điều trị dứt điểm. Các phương pháp điều trị tích cực như đốt lạnh (dùng nitơ lỏng), khí dung kháng sinh tại chỗ... không cho kết quả lâu dài. 

Viêm họng hạt là một dạng của viêm họng mạn tính, do tình trạng viêm họng kéo dài dẫn đến sự phát triển quá độ của các tổ chức lympho ở thành sau họng, từ đó tạo nên các hạt. Viêm họng hạt không ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân nhưng là một yếu tố làm suy giảm chất lượng cuộc sống

Bình thường, vùng họng chứa nhiều mô lympho với nhiệm vụ diệt khuẩn. Vi khuẩn xâm nhập vùng họng sẽ bị các bạch cầu ở đây bắt giữ đưa vào mô lympho và tiêu diệt ở đó. Nếu họng bị viêm mạn tính, các mô lympho phải làm việc liên tục trong một thời gian dài nên ngày càng to ra và gây viêm họng hạt. Thành sau họng sẽ có nhiều hạt lớn nhỏ như đầu đinh ghim hoặc hạt ngô, có nhiều hạt nối liền với nhau bằng những dây máu đỏ.

Biểu hiện của bệnh viêm họng hạt (viêm họng mạn tính) là cảm giác vướng víu, ngứa rát thường xuyên trong họng; ho và khạc đờm (quánh dính hoặc trắng nhầy) thường xuyên (nhất là sáng sớm, khi ngủ dậy). Nhiều người bệnh do ngứa họng nên hay khậm khạc, dặng hắng. Khi sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút (do nhiễm virus, làm việc căng thẳng, thay đổi thời tiết), bệnh có thể nặng lên thành một đợt viêm họng cấp (đau họng, sốt, ho khạc đờm đặc...)

Có một số nguyên nhân thường gặp như: Ngạt tắc mũi do dị hình vách ngăn, polyp mũi... phải thở bằng miệng kéo dài, nhất là về mùa lạnh; viêm mũi, viêm xoang nhất là viêm xoang sau; trong không khí có các chất kích thích như khói thuốc lá, rượu bia, bụi, sợi bông, hoá chất...

Viêm họng hạt đến nay vẫn được coi là một bệnh khó điều trị dứt điểm. Các phương pháp điều trị tích cực như đốt lạnh (dùng nitơ lỏng), khí dung kháng sinh tại chỗ... không cho kết quả lâu dài.

Trường hợp của bạn đã khám và uống thuốc nhưng không khỏi, bạn có thể đến tái khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng (từ tuyến tỉnh trở lên). Trong thời gian chờ khám lại, để giảm bớt triệu chứng và đề phòng những đợt cấp hoặc biến chứng, nên áp dụng một phương pháp đơn giản mà hiệu quả: súc họng bằng nước muối loãng.

Trước tiên, cần súc sạch khoang miệng bằng nước muối đã pha trong khoảng 30 giây. Nếu cảm thấy miệng chưa thật sạch thì làm thêm một lần nữa rồi mới súc họng. Súc họng không những có tác dụng tốt trong điều trị mà còn để phòng chống rất tốt các bệnh lý tai mũi họng. Cần lưu ý là không nên ngậm vào rồi nhổ ra ngay mà nên cố gắng ngậm lâu tối đa, súc vài lần, mỗi lần vài ba ngụm, mỗi ngày nên súc 1 – 3 lần. Không nên dùng các nước súc răng miệng để súc họng vì các dung dịch này thường có pH acid.

Theo TPO
MỚI - NÓNG