Thần điêu đại hiệp được xuất bản năm 1959, là tác phẩm quan trọng trong sự nghiệp của nhà văn Kim Dung. Tác phẩm xoay quanh tình yêu của Tiểu Long Nữ và Dương Quá giữa vô vàn ân oán giang hồ.
Tác phẩn được tác giả chỉnh sửa nhiều lần. Bản chỉnh sửa mới nhất vào năm 2004 có nhiều chi tiết khác biệt so với bản phát hành đầu tiên, điển hình ở cách thể hiện tình cảm của hai nhân vật chính. Trong bản cũ, mối tình được khắc họa hàm súc còn ở bản mới, họ thể hiện tình cảm thoải mái, trực tiếp hơn. Nhân vật Tiểu Long Nữ vui tươi, gần gũi hơn trong khi Dương Quá phong lưu, phóng khoáng hơn.
Đây là một trong những tác phẩm được chuyển thể thành phim nhiều nhất trên màn ảnh Hoa ngữ. Hầu như mỗi phim ra đời đều gây hiệu ứng lớn đồng thời làm nên tên tuổi của các diễn viên như Lưu Đức Hoa, Trần Ngọc Liên, Lý Nhược Đồng, Cổ Thiên Lạc, Lưu Diệc Phi...
Bản chuyển thể lần đầu vào năm 1960 - 1961, dưới dạng phim dài Bạch Thoại (nói tiếng Quảng Đông). Phim dài bốn tập, do Tạ Hiền đóng Dương Quá, Nam Hồng đóng Tiểu Long Nữ. Tới năm 1976, phim truyền hình đầu tiên ra đời do đài CTV Hong Kong sản xuất.
Năm 1983, TVB chuyển thể "Thần điêu đại hiệp", giao hai vai chính cho Trần Ngọc Liên và Lưu Đức Hoa. Tài tử họ Lưu gây ấn tượng vì lột tả chân thực chàng Dương Quá thông minh, lắm mưu mẹo và chung tình. Trong khi đó, Trần Ngọc Liên thu hút khán giả bởi nét lạnh lùng, khí chất thần tiên, không màng thế tục. Phim thu được thành công lớn, phá vỡ kỷ lục tỷ lệ người xem ở Hong Kong. Nhà văn Kim Dung nhiều lần nói ông hài lòng nhất với phiên bản này vì tác phẩm mang đậm hương vị tiểu thuyết của ông.
"Thần điêu" của TVB gây tiếng vang lớn song vì muốn giữ phong cách, bản sắc riêng nên bấy giờ Đài Loan không nhập phim về mà tự thực hiện tác phẩm khác, mời Phan Nghinh Tử, Mạnh Phi đóng chính. Theo Sohu, phim thu được thành tích đáng kinh ngạc về tỷ lệ người xem trong lần đầu ra mắt ở Đài Loan, sau đó gây sốt khi chiếu ở Trung Quốc đại lục. Bài hát chủ đề của tác phẩm cũng được vang lên khắp phố xá một thời.
Thành công vang dội từ các phiên bản "Thần điêu đại hiệp" giúp TVB tự tin chuyển thể tác phẩm một lần nữa và cho ra mắt vào năm 1995. Phim do Lý Nhược Đồng - Cổ Thiên Lạc đóng chính, có sự tiến bộ vượt bậc so với các phiên bản trước về kỹ xảo. Các cảnh hành động cũng được thiết kế đẹp mắt, tạo cảm giác choáng ngợp. Sau 20 năm, hình ảnh nàng Tiểu Long Nữ đẹp không tì vết, không vướng bụi trần của Lý Nhược Đồng vẫn là ấn tượng sâu đậm với nhiều khán giả.
"Thần điêu đại hiệp" do Singapore và Malaysia hợp tác sản xuất ra mắt lần đầu năm 1998, sau đó được nhiều đài truyền hình ở châu Á mua bản quyền phát sóng. Đây cũng là tác phẩm đưa tên tuổi hai diễn viên Singapore là Phạm Văn Phương - Lý Minh Thuận tới gần khán giả Việt.
Năm 1998, "Thần điêu đại hiệp" do Đài Loan và Trung Quốc đại lục hợp tác sản xuất ra mắt. Nhậm Hiền Tề - Ngô Thanh Liên đóng chính gây làn sóng bàn tán, chê bai vì nội dung có nhiều điểm khác biệt so với nguyên tác. Mặt khác, tạo hình Tiểu Long Nữ vận đồ đen cũng gây tranh cãi. Tuy vậy, diễn xuất của cặp diễn viên chính được đánh giá khá cao. Bài hát chủ đề phim do Nhậm Hiền Tề thể hiện tạo được hiệu ứng lớn khi ra mắt.
Lưu Diệc Phi, Huỳnh Hiểu Minh đóng chính trong phim ra mắt năm 2006 của Trung Quốc đại lục. Tác phẩm thu hút bởi nhiều cảnh quay đẹp mắt, dàn diễn viên đẹp, trang phục bắt mắt. Tuy nhiên diễn xuất cùng việc lạm dụng kỹ xảo là điểm trừ của phim. Với "Thần điêu đại hiệp", tên tuổi Huỳnh Hiểu Minh vươn xa hơn còn Lưu Diệc Phi tạo dấu ấn không nhỏ với khán giả châu Á nhờ khí chất mong manh, thoát tục.
Từ khi chưa ra mắt, "Thần điêu đại hiệp" do Trần Hiểu - Trần Nghiên Hy đóng chính đã nhận sự chú ý lớn khi Trần Nghiên Hy xác nhận đóng Tiểu Long Nữ. Dấu ấn nàng Tiểu Long Nữ mong manh, lạnh lùng, không vướng bụi trần vốn in đậm trong tâm trí khán giả mê kiếm hiệp nên nhiều người phản đối khi lần này, diễn viên thủ vai lại có gương mặt và dáng người tròn. Sau khi lên sóng, nhiều khán giả tiếp tục bàn luận khi tác phẩm được chuyển thể từ bản "Thần điêu đại hiệp" được chỉnh sửa năm 2004 của Kim Dung với nội dung, cách dùng từ có nhiều điểm khác biệt.