Thăm Trung Quốc và sứ mệnh mới của ông Kim Jong-un

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
TPO - Một loạt các động thái và các tuyên bố mang tính lịch sử trong chuyến thăm kéo dài 4 ngày tới Trung Quốc cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có những toan tính chiến lược và sự phán đoán mới về vai trò và nhiệm vụ lịch sử của mình đối với vận mệnh quốc gia Triều Tiên.

Bước chuyển mình của Triều Tiên

Tuyên bố về phi hạt nhân hóa của nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong cuộc tiếp xúc trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được coi là bước ngoặt trong bàn cờ hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.

Trước đó, từ cấp cao nhất cho tới các quan chức cấp cao Triều Tiên ở các mức độ khác nhau đều từ cự tuyệt với việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Kể từ khi đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên bị đổ bể năm 2009 đến nay, Triều Tiên luôn thể hiện sự đoạn tuyệt đối với các đề xuất về việc phi hạt nhân hóa. Và ngay cả đề xuất về kế hoạch "đóng băng kép", theo đó chính quyền Bình Nhưỡng sẵn sàng ngừng chương trình hạt nhân nếu Washington và Seoul đồng thời ngừng các cuộc tập trận chung cũng bị Triều Tiên thẳng thừng bác bỏ.

Tháng 7/2015, Đại sứ Triều Tiên tại Trung Quốc Ji Jae-ryong tuyên bố nước này đã chính thức trở thành quốc gia sở hữu hạt nhân, và cự tuyệt tham gia bất cứ cuộc đàm phán và đối thoại quốc tế nào liên quan tới việc thuyết phục Triều Tiên từ bỏ kế hoạch phát triển hạt nhân.

Đến tháng 4/2016, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Su Yong đã tuyên bố Triều Tiên có quyền phát triển năng lực răn đe hạt nhân.

Tháng 9/2017, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho, trong cuộc họp tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 71 đã công khai bày tỏ, Triều Tiên sẽ tiếp tục tăng cường năng lực vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, tại buổi tiếp xúc trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Trung Quốc 4 ngày vừa qua, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tuyên bố rằng, theo di huấn của Chủ tịch Kim Nhật Thành và Tổng bí thư Kim Jong-il, việc nỗ lực thực hiện phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là lập trường trước sau như một không thay đổi của Triều Tiên.

Nếu Hàn Quốc và Mỹ có thể tạo dựng bầu không khí hòa bình ổn định, áp dụng biện pháp mang tính giai đoạn và đồng bộ, thì vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên là có thể giải quyết được.

Sứ mệnh mới của ông Kim Jong-un

Một loạt các động thái và các tuyên bố mang tính lịch sử trong chuyến thăm kéo dài 4 ngày tới Trung Quốc cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có những toan tính chiến lược và sự phán đoán mới đối với vai trò và nhiệm vụ lịch sử của mình đối với vận mệnh quốc gia Triều Tiên.

Trước đó, kể từ năm 2006 đến trước thời điểm nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố sẵn sàng phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, bất chấp các lời khuyên răn và thậm chí là đe dọa của cộng đồng quốc tế, Triều Tiên đã tiến hành 6 cuộc thử nghiệm hạt nhân và nhiều cuộc thử nghiệm tên lửa ở các mức độ khác nhau.

Chỉ tính riêng trong năm 2007, Triều Tiên đã tiến hành hơn 10 vụ thử tên lửa trong đó có các vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể bắn tới lãnh thổ nước Mỹ.

Một loạt các động thái có sự "chủ ý" này của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã khiến cho Triều Tiên rơi vào một vòng xoáy cấm vận mới, với sức ép lớn hơn và phạm vi rộng lớn. Đặc biệt, cục diện Bán đảo Triều Tiên tưởng chừng như nổ ra chiến tranh bất cứ lúc nào.

Tuy nhiên, khi nhân loại đang hân hoan chào mừng năm mới 2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bất ngờ thể hiện thiện chí hòa giải với Hàn Quốc trong bài phát biểu được coi như là thông điệp năm mới.

Sau đó là một loạt động thái thể hiện thiện chí của Triều Tiên như thiết lập đường dây nóng với Hàn Quốc, cử đoàn đại biểu cấp cao tham dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông 2018 tại Hàn Quốc, tuyên bố sẵn sàng gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump bàn về vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên...

Một loạt các động thái này của Triều Tiên không phải là sự "ngẫu hứng" tạm thời, mà là có sự chuẩn bị chu đáo, tỷ mỉ và nằm trong sự toan tính cực kỳ cẩn thận của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Nên nhớ rằng, khi ông Kim Jong-un vừa mới lên nắm quyền, tình hình an ninh của Triều Tiên phải chịu sức ép rất lớn từ quốc tế và bị uy hiếp bốn bề. Bên ngoài, an ninh quốc gia bị đe dọa. Bên trong, thế lực phản đối trong nước trỗi dậy khiến quyền lực gia tộc nhà họ Kim bị thách thức nghiêm trọng.

Điều này đã buộc ông Kim Jong-un khi đó chưa củng cố được quyền lực phải tiến hành một loạt các vụ thanh trừng nội bộ. Đặc biệt, trong vấn đề đối ngoại, nhà lãnh đạo trẻ tuổi này đã buộc phải sử dụng vũ khí hạt nhân làm "con bài" quân sự, với mục đích là củng cố quyền lực, tạo dựng vây cánh và gây sức ép với cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, sau khi nguy cơ nổi loạn ở trong nước được dẹp yên, ông Kim Jong-un bắt đầu đặt trọng tâm vào các tính toán trong vấn đề đối ngoại.

Không phải ông Kim Jong-un bất ngờ thay đổi từ cách phát ngôn, hành động thậm chí cách ăn mặc. Một loại sự thay đổi này nhằm phát tín hiệu rằng ông ta sẵn sàng làm việc với cộng đồng quốc tế, tạo dựng hình ảnh là một quốc gia thực sự của Triều Tiên trước cộng đồng quốc tế.

Việc coi trọng công tác xây dựng kinh tế trong bài phát biểu chào mừng năm mới 2018 đã cho thấy trọng tâm nhiệm vụ của Triều Tiên trong thời đại mới đã chuyển dịch từ "đấu tranh sinh tồn" sang "phát triển và hợp tác". Và quá trình này không thể tách rời sự hợp tác với cộng đồng quốc tế.

Các nhà quan sát cho rằng, bước tiếp theo nhà lãnh đạo Triều Tiên nhiều khả năng sẽ học theo Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa kinh tế. Điều này cho thấy, cam kết về một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa của ông Kim Jong-un không phải là lời nói trống rỗng.

Như vậy, việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm Trung Quốc và bày tỏ phi hạt nhân hóa là tín hiệu cho thấy cục diện phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đã xuất hiện thời cơ mới.

Nếu như các bên liên quan đều đưa ra những thiện chí thực sự của mình, tin rằng tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo triều tiên có thể đạt được những bước đột phá thực sự trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG