Tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng: Gia tăng và phức tạp

TP - Thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) ngày 4/11, các đại biểu (ĐB) cho rằng, vấn đề tham nhũng trong các cơ quan PCTN là vấn đề rất lớn, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến niềm tin của cử tri và nhân dân vào lực lượng này. Do đó, đại biểu đề nghị trong năm 2020 các cơ quan có chức năng PCTN cần đánh giá đúng về thực trạng tình hình và chú trọng việc phát hiện để xử lý .


Báo cáo trước Quốc hội về PCTN năm 2019, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nhận định, công tác này vẫn còn phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực và tinh vi hơn, nhất là tình trạng “tham nhũng vặt”. Số vụ việc, vụ án được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng.

Về các biện pháp phòng ngừa, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, trong số hơn 1 triệu trường hợp kê khai tài sản, thu nhập có 46 người được xác minh, qua đó phát hiện 10 trường hợp vi phạm. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng xử lý 3 vụ việc nhận quà không đúng quy định với tổng giá trị 3,99 tỷ đồng, trong đó có một số lãnh đạo của Công an tỉnh Cao Bằng nhận quà tặng là 1 xe ô tô từ năm 2016 trị giá 3,72 tỷ đồng. Căn cứ vào kết quả kiểm tra, Bộ Công an xử lý kỷ luật cảnh cáo 2 trường hợp; Tỉnh ủy Cao Bằng xử lý kỷ luật cảnh cáo 3 trường hợp; Công an tỉnh xử lý kỷ luật cảnh cáo 2 trường hợp, khiển trách 1 trường hợp.

Theo ông Khái, vẫn xảy ra tình trạng một số cán bộ thuộc cơ quan bảo vệ pháp luật, PCTN lại có hành vi tham nhũng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhận định “tham nhũng trong lực lượng có chức năng chống tham nhũng tăng so với năm 2018, gây bức xúc trong dư luận”.

Theo bà Nga, “tham nhũng vặt” tiếp tục gây bức xúc trong nhân dân, song việc phát hiện vẫn chưa nhiều, giảm 4,18% so với cùng kỳ. Một số trường hợp, qua hoạt động thanh tra chuyên ngành đã phát hiện sai phạm nhưng do xử lý thiếu triệt để dẫn đến “nhờn luật”, sai phạm sau của doanh nghiệp còn trầm trọng hơn sai phạm trước, biểu hiện rõ nhất là các sai phạm trong lĩnh vực xây dựng trái phép.

“Cử tri cho rằng, để xảy ra sai phạm trong trật tự xây dựng tại các đô thị lớn là có sự tiếp tay của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước, nhất là tiêu cực của cán bộ có chức năng thanh tra xây dựng”, bà Nga nói, đồng thời đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng, chủ tịch UBND các địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự xây dựng và cán bộ, công chức có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho vi phạm để chấn chỉnh lại công tác này trong thời gian tới.

Nơi nào “mua đắt, bán rẻ”, ở đó có dấu hiệu tham nhũng

Cho rằng tham nhũng trong các cơ quan PCTN là vấn đề rất lớn, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến niềm tin của nhân dân, song việc ngăn chặn lại chưa có chuyển biến, thậm chí có chiều hướng gia tăng theo từng năm, ĐB Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) đề nghị, Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao tăng cường hơn nữa công tác quản lý cán bộ. Cơ quan điều tra Bộ Công an, Viện KSND Tối cao tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, xử lý nghiêm khắc những trường hợp này.

Tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng: Gia tăng và phức tạp ảnh 1 Theo Chủ nhiệm Ủy  ban Tư pháp Lê Thị Nga, tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng diễn biến phức tạp - ảnh: Như Ý

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước, Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng và bộ trưởng các bộ có chức năng thanh tra chuyên ngành cần đánh giá rõ thực trạng tình hình “tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng”, và đề ra giải pháp phòng, chống trong thời gian tới. “Nhiều vụ việc xây dựng trái phép diễn ra công khai tại nhiều địa phương trong thời gian dài. Tuy nhiên, có một số trường hợp xử lý chưa nghiêm, chưa làm rõ trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền quản lý nhà nước liên quan. Đồng thời, dư luận cho rằng có nhiều tiêu cực trong lĩnh vực quản lý nhà nước về xây dựng, cấp phép, thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực xây dựng nhưng chưa được phát hiện”, bà Nga nhấn mạnh.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Chính phủ, Viện KSND Tối cao thông tin cho cử tri được biết vì sao đã có kết luận của Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc vụ AVG, trong đó nêu rất rõ sai phạm nghiêm trọng của một số cán bộ cao cấp Bộ Công an, nhưng đến nay không có bất kỳ thông tin nào về việc xử lý các sai phạm.

Về giải pháp phòng, chống các loại hình tham nhũng, Ủy ban Tư pháp đề nghị, Chính phủ cần nhận diện rõ tình trạng “tham nhũng vặt”, đặc biệt là cần xác định rõ trách nhiệm của các bộ trưởng, trưởng ngành trong việc để xảy ra tình trạng tham nhũng vặt thuộc lĩnh vực mình phụ trách. Đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng lớn dưới hình thức “lợi ích nhóm”, “sân sau”, Uỷ ban Tư pháp kiến nghị Chính phủ giao Tổng Thanh tra Chính phủ tổng kết, đánh giá, chỉ rõ nguyên nhân, rút ra những bài học về quản lý kinh tế, xã hội, quản lý cán bộ, PCTN để đề ra giải pháp khắc phục, phòng ngừa tới.

“Dư luận cử tri cho rằng, trong lĩnh vực cổ phần hóa, mua bán tài sản công, ở nơi nào có hiện tượng “Nhà nước mua đắt, bán rẻ” các tài sản lớn thì ở đó có dấu hiệu của những vụ tham nhũng lớn và đa số các vụ án sai phạm lớn về kinh tế trong giai đoạn vừa qua đều có yếu tố vụ lợi”, bà Nga nhấn mạnh.

“Các cơ quan điều tra xét xử có thể sẽ bỏ lọt tội phạm khi chấp nhận lời giải thích như đùa của một số lãnh đạo địa phương khi có con được nâng điểm theo kiểu đưa người thân ra để chịu tội thay, bản thân thì coi như vô can trong sạch và tiếp tục trên con đường tiến thân”.


 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương

 “Về tình trạng bổ nhiệm cán bộ thiếu điều kiện, tiêu chuẩn, có trường hợp được bổ nhiệm gây bức xúc trong dư luận, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể cho Quốc hội kết quả công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát việc bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức, nhất là bổ nhiệm lãnh đạo giữ chức vụ, quản lý trên cả nước”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga 

MỚI - NÓNG
Chính sách vượt trội của Phú Yên
Chính sách vượt trội của Phú Yên
TPO - Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam công bố kết quả thực hiện chỉ số thu hút đoàn làm phim. Tỉnh Phú Yên dẫn đầu cả nước ở bộ chỉ số thu hút đoàn làm phim (PAI). Danh sách Top 10 còn có nhiều địa phương hấp dẫn như TPHCM, Đà Nẵng, Ninh Bình.