Nào tâng bốc một cuốn sách, một bộ phim, vở kịch vừa ra lò khi mà chất lượng của nó rất èng èng. Khiến người đọc, khán giả bị nhiễu loạn thông tin, các giá trị bị đảo lộn. Họ gọi hiện tượng này là tham nhũng tinh thần- tệ không kém, nếu không muốn nói là còn hơn tham nhũng về vật chất.
Người mình bản chất cả nể bởi vướng quá nhiều hệ lụy. Như một nhà phê bình đã chỉ ra: Người Việt tâm lý làng xã, e ấp, ve vuốt cho nên chỉ thích viết mặt tốt, thích khen. Viết để lấy tình cảm là chính” (tình cảm của đối tượng lẫn bạn đọc, khán giả). Với lại khen bao giờ chả dễ hơn.
Có bộ phim giỗ chạp khá tệ, tốn nhiều tiền. Bị hỏi sao không điểm phim, dù gì cũng là thời sự văn nghệ. Đáp: Viết khen thì không thể mà chê, chưa chắc được gì nhưng sẽ gây thù chuốc oán với ít nhất ba người: đạo diễn, tác giả kịch bản, biên tập phim.
Sự quá lời giờ đầy rẫy phương tiện truyền thông. “Tao tốt mày tốt nó tốt”. Vừa đóng một bộ phim đã nhận “người của công chúng”. Hát như mèo kêu cũng đâm đầu tham gia gameshow ca nhạc rồi tự nhận ca sĩ. Chữ “nổi tiếng” bị lạm dụng khiến chỉ còn biết bình luận “nổi tiếng thì đây đã biết”.
Hằng ngày bây giờ, mở mắt ra là tin nhắn mời chào mua bất động sản “chỉ còn vài lô đẹp chung cư, biệt thự, liền kề...” Rồi mời lắp đặt truyền hình cáp khuyến mãi. Cho đến tận khuya vẫn nhắn và nhắn. Nhắn chán lại gọi hỏi có cần gia sư cho con, vay ưu đãi mua nhà mua xe, chăm sóc da miễn phí. Mở hòm thư điện thử cũng lại đống thư rác mời mua tạp chí văn chương, mời đọc bài viết mới hấp dẫn của tôi... Cái nhà mạng MobiFone mình vẫn theo đến hai chục năm, nay ngày ngày nhắn tin gọi điện chào mời nâng cấp gói cước di động. Lâu dần đành phải quen, cũng như đã quen bị vây bủa bởi nạn tham nhũng tinh thần ở khắp nơi, nghe rồi bỏ đó.