Nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ mà nếu không tìm ra lời giải đáp thì không ai dám chắc sẽ không xảy ra những vụ đau lòng tương tự.
Bộ trưởng Bộ Y tế đã khẳng định, đây là vụ tai biến nghiêm trọng nhất lần đầu tiên xảy ra tại các cơ sở y tế chạy thận nhân tạo. Vụ việc sau đó đã được Công an tỉnh Hòa Bình khởi tố vụ án. Giám đốc bệnh viện cùng 1 cán bộ, 1 bác sĩ đã bị đình chỉ công tác.
Hơn mười ngày sau vụ tai biến, hôm qua (8/6), 10 bệnh nhân còn lại đã may mắn thoát khỏi bàn tay tử thần và được xuất viện sau thời gian điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Cũng trong chiều qua, Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế Hòa Bình đã họp và nghiêng về giả thiết có sự bất thường trong nguồn nước RO sử dụng trong quá trình chạy thận cho bệnh nhân. Đây cũng là nguyên nhân được nhiều chuyên gia phân tích ngay sau khi sự cố xảy ra.
Theo các chuyên gia của Khoa Xét nghiệm và phân tích, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), nước là một trong hai nhân tố quan trọng nhất trong hệ thống chạy thận nhân tạo. Trung bình, một bệnh nhân chạy thận nhân tạo cần tới 22.000 lít nước RO mỗi năm.
Do thận hư, không còn khả năng lọc tạp chất, ion và vi khuẩn xâm nhập vào máu từ nước truyền nên rất dễ có những rủi ro bất ngờ, kể cả tử vong. Các nguyên tố vô cơ như nhôm, thuỷ ngân, đồng, chì kẽm và các độc tố hữu cơ đều có thể gây tai biến.
Các chuyên gia của khoa Xét nghiệm và phân tích cho rằng các cơ sở y tế chạy thận nhân tạo phải giám sát chặt chẽ chất lượng nước RO sử dụng cho chạy thận bởi đây được coi là khâu then chốt của dịch vụ lọc máu.
Với những thông tin trên, bước đầu có thể thấy giả thiết mà Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế Hòa Bình đưa ra để xác định nguyên nhân vụ tai biến là có cơ sở. Nhưng, vẫn cần thêm thời gian để có kết luận cuối cùng.
Tuy nhiên, trước những thông tin mà các cơ quan chức năng công bố, rất có thể vụ tai biến ở Hòa Bình có yếu tố chủ quan từ phía con người. Làm sáng tỏ điều này vừa để các cơ sở y tế tăng cường giám sát tất cả các khâu trong quá trình chạy thận, vừa để người bệnh yên tâm hơn bởi với họ, chạy thận nhân tạo là việc điều trị lâu dài và người bệnh gần như phải sống chung với phương pháp này.
Một trong những chức năng quan trọng của thận là đào thải chất độc ra khỏi cơ thể. Với những người có thận hư, suy thận, chức năng này mất tác dụng và họ phải nhờ tới phương pháp chạy thận nhân tạo. Theo thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam có khoảng 100.000 người suy thận giai đoạn cuối cần điều trị.
Đến nay phương pháp chạy thận nhân tạo đã triển khai tại nhiều cơ sở y tế tuyến dưới. Một chuyên gia về thận thảng thốt cảm thán: “Thực tế đang cho thấy chạy thận nhân tạo hiện phát triển quá nóng”. “Nóng” mà không kiểm soát được rất dễ dẫn đến hệ lụy khó lường.
Chạy thận nhân tạo, hiểu nôm na là hút máu từ cơ thể ra một thiết bị để lọc, thải đi chất độc, sau đó chuyển số máu này trở lại cơ thể. Rất nhiều nguy cơ có thể xảy ra trong quá trình chạy thận nhân tạo mà nếu không “lọc”, “thải” được các sai sót thì những vụ tai biến như ở Hòa Bình vẫn còn tiềm ẩn.