Tham gia bảo hiểm y tế: Người dân vẫn bị phiền hà

Người dân vẫn thiếu thông tin và bị phiền hà khi tham gia BHYT. Ảnh: Bá Anh
Người dân vẫn thiếu thông tin và bị phiền hà khi tham gia BHYT. Ảnh: Bá Anh
TP - Đó là khẳng định của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại hội nghị trực tuyến về thực hiện chính sách bảo hiểm y tế 6 tháng đầu năm, do Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp Bộ Y tế tổ chức ngày 1/7.

Lúng túng, thiếu thông tin

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, do cơ chế tài chính chậm đổi mới, giá dịch vụ y tế chưa tính đúng tính đủ (mới tính 3/7 yếu tố) làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và người dân phải chi tiền túi còn cao. “Thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) tại các địa phương còn nhiều vướng mắc, còn tình trạng chậm thanh quyết toán năm, nợ đọng kéo dài, chưa giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ sở KCB, nhất là các cơ sở có vượt trần, vượt quỹ”, bà Tiến nói.

Theo Bộ trưởng Tiến, chất lượng KCB BHYT chưa hấp dẫn, khả năng đáp ứng dịch vụ y tế còn hạn chế nhất là y tế cơ sở. Người dân vẫn còn chưa hài lòng về thủ tục hành chính trong KCB, trong chuyển tuyến KCB và trong thanh toán BHYT. Tại một số địa phương khi đi kiểm tra, người dân, kể cả cán bộ xã, phường chưa nắm rõ quy định mới của Luật như: thủ tục tham gia BHYT theo hộ gia đình, mua thẻ BHYT ở đâu, có bắt buộc tham gia BHYT theo hộ gia đình không, mức đóng BHYT cụ thể của hộ là bao nhiêu, giảm mức đóng thế nào... “Thậm chí, thời gian đầu, một số đại lý còn yêu cầu hộ gia đình phải xuất trình bản phô tô giấy tạm vắng, giấy ly hôn…”, Bộ trưởng Tiến nói.

Người đứng đầu ngành y tế cũng thẳng thắn cho biết, mạng lưới đại lý thu BHYT chưa thực sự chủ động, tích cực bám sát người dân để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tham gia BHYT theo hộ gia đình. “Người dân thiếu thông tin về BHYT, chưa thấy hết lợi ích, ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm tham gia BHYT”, bà Tiến khẳng định.

Phải đạt tỷ lệ bao phủ 75% dân số

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thẳng thắn, không có một hệ thống BHYT toàn dân, khó đảm bảo an sinh xã hội. “Hiện, T.Ư Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng đều có các văn bản cần thiết về BHYT. Tuy nhiên, chỉ tiêu người dân tham gia BHYT đạt tỷ lệ bao phủ 75% dân số trong năm nay đến giờ vẫn còn khó”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế, BHXH Việt Nam cần tích cực phối hợp với các ban, ngành, địa phương để làm sao phải đạt bằng được tỷ lệ bao phủ 75% dân số tham gia BHYT đến hết 2015. “Có như vậy, để đến 2020, chúng ta mới đạt tỷ lệ dân số tham gia BHYT là 80%”, Phó Thủ tướng nói. Cũng theo Phó Thủ tướng, Bộ Y tế cần phải triển khai ngay đề án tin học hosa từ cấp xã đến cấp trung ương nhằm mục đích thống nhất về quản lý và tổ chức KCB BHYT.

Theo bà Nguyễn Thị Minh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, tính đến 31/5, số người tham gia BHYT đạt tỷ lệ bao phủ 71,4% dân số. Các tỉnh tham gia BHYT thấp dưới 60% như Tiền Giang, Cà Mau, Đồng Tháp, Bạc Liêu, An Giang...

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, để thu hút đông đảo người dân tham gia BHYT, không còn cách nào khác là phải nâng cao chất lượng KCB và chữa bệnh BHYT. Muốn vậy, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng KCB BHYT, cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình thanh toán KCB BHYT, quản lý sử dụng quỹ BHYT hiệu quả. Cùng với đó, Bộ Y tế sẽ triển khai thực hiện các đề án (giảm tải, bệnh viện vệ tinh, bác sỹ gia đình) và chương trình đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế tới sự hài lòng của người bệnh nhằm nâng cao chất lượng KCB, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tại y tế cơ sở.

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, để thu hút đông đảo người dân tham gia BHYT, không còn cách nào khác là phải nâng cao chất lượng KCB và chữa bệnh BHYT.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.