Thái Lan vào 'trận quyết đấu'

 Người biểu tình chống chính phủ Thái Lan tụ tập tại trung tâm Bangkok, chuẩn bị “đóng cửa” thủ đô. Ảnh: Xinhua
Người biểu tình chống chính phủ Thái Lan tụ tập tại trung tâm Bangkok, chuẩn bị “đóng cửa” thủ đô. Ảnh: Xinhua
TP - Thủ lĩnh phe biểu tình Suthep Thaugsuban cho biết, theo kế hoạch “đóng cửa” Bangkok, lực lượng biểu tình sẽ tập hợp tại 7 địa điểm, sau đó bao vây các tòa nhà chính phủ, chốt giữ các điểm giao thông trọng yếu trong suốt ngày 13/1.

Dù phe biểu tình thuộc Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC) muốn làm tê liệt Bangkok, nhưng phát ngôn viên PDRC Akanat Promphan nói sẽ không phong tỏa toàn bộ giao thông thủ đô.

Ông Promphan cho biết sẽ phối hợp cảnh sát để cung cấp thông tin cho người dân tránh những tuyến đường có biểu tình, đồng thời vẫn dành các làn đường đặc biệt cho giao thông công cộng và các xe làm nhiệm vụ khẩn cấp.

Ông bác bỏ đồn đoán về việc phe biểu tình sẽ phong tỏa các sân bay Suvarnabhumi và Don Mueang, cũng như các dịch vụ giao thông công cộng khác như tàu điện ngầm, xe điện trên cao. Ruangsak Jaritake, trợ lý cảnh sát trưởng quốc gia Thái Lan, ước tính 780.000 người sẽ bị ảnh hưởng khi phe biểu tình phong tỏa các tuyến đường ở Bangkok.

Hơn 20.000 cảnh sát và binh sĩ đã được triển khai tại những khu vực quan trọng, trong đó có các trụ sở cơ quan nhà nước. Bảy đội an ninh, mỗi đội có 2.000 người, gồm 200 vệ sĩ sử dụng mô tô, sẵn sàng để mắt mọi hành vi kích động. Nhiều nhóm y tế tình nguyện được bố trí tại tất cả các điểm biểu tình. Bộ Sức khỏe Cộng đồng cho biết sẽ mở 26 điểm phục vụ y tế trên toàn thành phố. Bộ Giao thông quyết định lập 36 bến xe tạm thời và điều chuyển gần 18.000 chuyến xe giúp người dân đi lại trong thành phố.

Nhiều chiến lược gia và học giả nhận định, mục tiêu “đóng cửa” Bangkok (tới 20 ngày nếu cần) của thủ lĩnh biểu tình Suthep nhằm lật đổ chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra là phi thực tế.

Làm sao có thể “đóng cửa” một thành phố 1.500km² với hơn 10 triệu dân nếu không tiến hành một kiểu chiến dịch quân sự, cắt nguồn cung cấp điện và nước cho Bangkok? Báo Bangkok Post ngày 12/1 dẫn lời ông Timothy Huxley, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) Singapore, cho rằng, đó chỉ là khẩu hiệu rất kêu nhưng không khả thi.

“Phe đối lập đưa ra thông điệp lẫn lộn. Họ tuyên bố không ngăn chặn giao thông công cộng, nhưng lại chặn xe cá nhân. Một mặt, họ tuyên bố sẽ đóng cửa thành phố, mặt khác họ lại nói sẽ bảo đảm mọi sự vẫn bình thường”.

Phấp phỏng lo đảo chính

Tướng Ekkachai Srivilas thuộc Viện Vua Prajadhipok nói chiến dịch “đóng cửa” Bangkok là chuyện chưa từng xảy ra trên chính trường Thái Lan.

Ông nhận định: “Vũ khí duy nhất của ông Suthep là tập trung lực lượng biểu tình lớn. Nhưng nếu biểu tình kéo dài, ông ta sẽ không đủ khả năng duy trì số người tham gia đông đảo như lúc đầu”.

Theo ông Ekkachai, việc “đóng cửa” thành phố có thể lợi bất cập hại với ông Suthep và phe biểu tình. “Người dân Bangkok, đặc biệt là các chủ doanh nghiệp sẽ mất rất nhiều tiền. Phần lớn người ủng hộ PDRC thuộc giới tinh hoa nên phong tỏa dài ngày sẽ gây thiệt hại cho họ”, ông nói.

Ông Huxley cho rằng, trong khi PDRC đẩy mạnh chiến dịch, chính phủ của bà Yingluck vẫn trụ vững nhờ nguồn tài chính dồi dào và sự ủng hộ to lớn, còn sức mạnh của phe đối lập biểu tình sẽ giảm.

Đại đa đố người biểu tình đều có công việc, gia đình và cuộc sống riêng của họ. Các chuyên gia nhận định, sự kiện “đóng cửa” Bangkok ngày 13/1 thật ra chỉ là “sô diễn” chính trị nhằm gây sức ép buộc quân đội can thiệp, đảo chính.

Tướng Ekkachai cho rằng, đòn cuối cùng của PDRC là một cuộc đảo chính, nhưng giới quân sự có vẻ không muốn bị lôi vào đấu đá chính trị sau cuộc lật đổ Thủ tướng Thaksin Shinawatra năm 2006, khiến Thái Lan bị quốc tế chỉ trích dữ dội.

Trong khi đó, Tư lệnh quân đội Thái Lan Prayuth Chan-ocha yêu cầu các phương tiện truyền thông ngừng đồn đoán về một cuộc đảo chính, bởi trước đó ông lấp lửng nói rằng “cửa không đóng cũng không mở” với khả năng can thiệp.

Tướng Chan-ocha lo ngại khả năng xảy ra đối đầu bạo lực trong cuộc biểu tình quy mô lớn ngày 13/1. Cuối tuần qua, 7 người biểu tình chống chính phủ đã bị thương, sau khi những kẻ chưa rõ danh tính nã súng vào đám đông.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cho biết đã thảo luận với bà Yingluck và lãnh đạo Đảng Dân chủ đối lập Abhisit Vejjajiva nhằm tìm kiếm cơ hội hóa giải mâu thuẫn.

MỚI - NÓNG