Thạch Hãn, một thời tuổi trẻ

Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm công trường đại thủy nông Nam Thạch Hãn trong giai đoạn thi công (ảnh tư liệu)
Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm công trường đại thủy nông Nam Thạch Hãn trong giai đoạn thi công (ảnh tư liệu)
TP - Những ngày đầu sau chiến tranh, để “giải cứu” mảnh đất Bình Trị Thiên khô cằn nắng Lào cỏ cháy, hàng vạn cán bộ chiến sĩ, đoàn viên thanh niên, nhân dân trong tỉnh được phiên thành những Sư đoàn tay không đắp lên công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn. Cố nhạc sĩ Trần Hoàn viết ca khúc “Câu hò trên công trường Nam Thạch Hãn” ngay trên công trình. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mùa xuân 1978 cũng đã về đây “đi thực tế” viết bút ký nóng hổi “Tháng 3 trên công trường Nam Thạch Hãn”…

Những sư đoàn…vác đất!   

Công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn (dân gian quen gọi là Đập Trấm) khởi công năm 1978 và hoàn thành năm 1981 với sự tham gia của hàng vạn con người. Bằng ý chí và nghị lực phi thường những cán bộ, chiến sĩ 202 (phiên hiệu của lực lượng) cùng với đơn vị quân đội địa phương đã vượt qua đói, rét, nắng lửa, gió Lào, bệnh tật, bom mìn còn lại dày đặc sau chiến tranh để hoàn thành sứ mệnh lớn lao đem nước về cho vùng đất khát. Một việc “thi gan với trời” mà nhiều người cho là ảo tưởng.

Nhiều người dân Bình Trị Thiên (Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên) còn nhớ như in thời ấy. Anh Nguyễn Văn Tập ở Cam Thành, Cam Lộ (Quảng Trị) hào hứng kể rằng: “Tui cũng dân 202 (đơn vị thanh niên làm thủy lợi Đập Trấm) nên nhớ rõ lắm. Hồi đó cán bộ nói như đinh đóng cột: Chúng ta hãy làm hết mình để xây dựng công trình thủy lợi chưa từng có trên quê hương. Khẩu hiệu của chúng ta là: “Đập Trấm là cơm no áo ấm! Chúng tôi đi làm thủy lợi với tinh thần như là bộ đội đi chiến đấu”.

Đúng họ là người lính thời bình. Tên gọi, phiên hiệu tương tự quân đội. Tất cả được chia thành các Sư đoàn, có điều khác dưới Sư đoàn là các Đại đội trực thuộc. Sư đoàn thường lấy theo tên gọi của các huyện như Sư đoàn Lệ Ninh, Sư đoàn Bến Hải... Hơn 2 vạn con người, chủ công là lớp trẻ lăn lộn suốt mấy năm trời chân trên công trường thủy lợi. Hầu hết các công đoạn từ đào đấp, gánh đất, bưng đất, đắp đất, đào mương... chỉ làm thủ công.

Cho đến hôm nay nhiều người vẫn nhớ về bài hát “Câu hò trên công trường Nam Thạch Hãn” của cố nhạc sĩ Trần Hoàn viết tại công trình. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mùa xuân 1978 cũng đã về Quảng Trị “đi thực tế” viết bút ký nóng hổi “Tháng 3 trên công trường Nam Thạch Hãn”.

Thử thách bất ngờ

Năm 1981 đại công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn dần hoàn thiện bảo đảm tưới tiêu cho gần 15.000 ha của Quảng Trị, nhưng người dân chưa kịp vui thì tai họa bất ngờ ập xuống.

Đó là thời điểm năm 1983, xảy ra thiên tai khủng khiếp. Năm ấy lụt to. Lãnh đạo huyện miền núi Hướng Hóa thấy trên nguồn mưa lớn, lo đồng bằng ngập lụt, lo nhất là vỡ đập Nam Thạch Hãn thì cả vùng Triệu Hải chìm trong biển nước, trôi ra Cửa Việt, thiệt hại khôn lường. Ông Xuyên Tâm, Bí thư Huyện ủy Hướng Hóa, nóng ruột gọi điện về xuôi. Nghe tin, cả ban lãnh đạo huyện Triệu Hải chia nhau trực chiến, đốc chiến chống “giặc lũ” suốt cả ngày đêm. Ông Lê Hữu Thăng, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, lúc ấy là một cán bộ huyện Đoàn Triệu Hải, kể lại: Vì mải mê công việc hộ đê, không kịp lo chuyện vợ con, lúc con mới chỉ vài tháng tuổi. Đến khi công việc tạm ổn, ông quay về nhà thì nước ngập mênh mông. May nhờ hàng xóm sắp bàn ghế cho vợ con ông trèo lên mà thoát chết!

Thạch Hãn, một thời tuổi trẻ ảnh 1 Thủy lợi Nam Thạch Hãn bây giờ. Ảnh: PXD

Dù đã cố gắng nhưng trận lụt lịch sử vẫn làm hư hại 200 điểm trên toàn tuyến. Đúng là trời hại nhà nghèo! Nhiều người quá mệt mỏi tính chuyện buông xuôi, vì sửa chữa ngần ấy điểm hư hại tốn nhân lực quá lớn và biết khi nào mới xong. Nhưng lãnh đạo địa phương lúc ấy xuất thân là cán bộ Đoàn như ông Lê Hữu Thăng vẫn quyết tâm nhận nhiệm vụ này. Bằng nhiều biện pháp kinh tế cũng như dân vận thu phục nhân tâm, ông huy động được 12.000 người tham gia sửa đê. Chưa đầy một tháng sau, công việc hoàn thành với tốc độ và thời gian kỷ lục. Họ đã cứu những cánh đồng Quảng Trị, Thừa Thiên lần nữa.

Thời thanh xuân đáng nhớ

Nam Thạch Hãn đã giúp mảnh đất gió Lào thoát cảnh liên miên mất mùa, người nông dân không còn lo cái ăn ngay ngáy, không còn cảnh bồng bế nhau “đi Nam” kiếm sống, tha phương cầu thực. Hết thảy mọi sự đổi thay bắt đầu từ Đập Trấm.

Ông Dương Đình Ủy, lão nông Triệu Đông, Triệu Phong kể rằng nếu không có Đập Trấm, những người tha phương cầu thực sẽ ngày một nhiều hơn. Đập Trấm đã mang lại sự đổi đời thực sự mà hàng trăm năm qua chỉ là mơ ước.   

Ông Lê Hữu Thăng, nay nhớ lại: Công trình thủy lợi này đã đưa sản lượng lúa đồng bằng Triệu Hải từ gần 5 vạn tấn lên 6,2 vạn tấn khi mới đưa vào sử dụng, về sau thì năng suất và tổng sản lượng đều tăng gấp đôi, hầu như giải quyết tận gốc tình trạng hạn hán vào mùa nắng và ngập úng vào mùa mưa, thực sự mở ra một trang mới trong sản xuất nông nghiệp.

Trong ngôi nhà ở gần chợ phiên Cam Lộ, một sáng mới đây nguyên Sư trưởng Sư đoàn Bến Hải - ông Phạm Sãi ngồi ôn lại chuyện xưa với chiến sĩ của mình. Họ từng một thời lăn lộn trên các công trình thủy lợi của quê hương Quảng Trị: công trình Nam Thạch Hãn, công trình Nghĩa Hy thuộc vùng quê Cam Lộ. Đó là một thời mà đồng đội vui buồn có nhau, no đói bên nhau, sống chết cùng nhau. Hôm nay họ hẹn nhau về để cùng ôn lại chuyện xưa và nhớ về những kỷ niệm đẹp đẽ, trong sáng vô ngần của một thời gian khó. Nơi họ đã cống hiến những tháng năm đẹp nhất của đời người, đã dâng hiến tuổi thanh xuân phơi phới để quê hương no ấm lâu bền.

Bà Ôn Thị Thông ở Cam Tuyền, rồi bà Hoàng Thị Thừa ở Cam Hiếu đều là cựu chiến sĩ 202 nhắc lại một thời gian nan, nhạt muối vơi cơm, nhưng vẫn hăng say hết mình, sống với nhau nghĩa tình như bát nước đầy. Rồi cả hai lần lượt ngâm lên những vần thơ mộc mạc về một thời làm thủy lợi của những ngày tháng thanh xuân đáng nhớ nhất trong cuộc đời mình. Người đầu bạc bên người tóc đã hoa râm nhớ chuyện xưa mà lòng như trẻ lại khi kỷ niệm dâng trào như nước chảy trên mỗi công trình thủy lợi, khi chuyện cũ quá lâu rồi vẫn hiện về trong một ban mai.   

Ông Lê Văn Hoan, nguyên Chủ  tịch UBMTTQVN tỉnh Quảng Trị kể lại rằng, ngày ấy Tổng Bí thư Lê Duẩn khi về thăm quê Quảng Trị đã rưng rưng xúc động, nói trong nghẹn ngào vui sướng khi chứng kiến công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn: “Như thế này là sướng rồi, dân có nước như thế này là sướng lắm rồi”.

Trung ương Đoàn TNCSHCM thời ấy đã tặng tuổi trẻ sửa đê Nam Thạch Hãn lá cờ: “Tuổi trẻ chiến thắng thiên tai”. 

Ít ai biết nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có một bài bút ký “lạ” mang tên “Tháng 3 trên công trường Nam Thạch Hãn”, ghi lại không khí lao động trên đại công trường này mà ông chứng kiến mùa xuân năm 1978 (đăng trên tạp chí Văn nghệ Bình Trị Thiên, số 9, tháng 7/1978). Những dòng chữ mang nhạc điệu đầy xôn xao, hứng khởi: “Đầm đơn đầm đôi rập ràng nện chặt bờ đập mới nhú. Tiếng đập nhịp nhàng đến độ muốn khơi dậy một tiếng hò nện đã quen. Nước ứa ra ở đoạn thấp của con kênh dự trù. Một tốp nữ tát nước ra ngoài, đều tay như múa. Hiện trường bỗng chốc mang cái khí hậu của một sân khấu rộng rãi ngoài trời, màu đất đỏ non tươi làm nền cho một đại vũ khúc mang tên “công trình đại thủy nông Nam sông Thạch Hãn”.      

MỚI - NÓNG