Xét xử cựu Tổng giám đốc Agribank và đồng phạm:

'Thả gà ra nhưng tôi không đuổi được'

Cựu Tổng giám đốc Agribank chỉ nhận đã hưởng lợi 60.000 USD.
Cựu Tổng giám đốc Agribank chỉ nhận đã hưởng lợi 60.000 USD.
TP - Ngày xét xử thứ 2, khi chủ tọa đặt câu hỏi về việc có kiểm soát được hoạt động giao dịch của các chi nhánh, Tổng giám đốc Agribank Phạm Thanh Tân trả lời: “Thả gà ra đuổi, tôi không đuổi được vì chân  mỏi lắm!”.

Chỉ thừa nhận 60.000 USD “quà biếu”

Chiều 22/12, HĐXX TAND TP Hà Nội tiếp tục thẩm vấn bị cáo Phạm Thanh Tân (SN 1955, cựu Tổng giám đốc Agribank) trong vụ “đại án” hơn 2.400 tỷ đồng. Ông Tân bị truy tố 2 tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Ông này bị cáo buộc đã ký cho Chi nhánh Nam Hà Nội vay ngoài kế hoạch 75 triệu USD; nhận từ bị cáo Phạm Thị Bích Lương (cựu Giám đốc Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội) tổng cộng 310.000 USD “quà biếu”. Cựu Tổng giám đốc Agribank còn bị cáo buộc đã thiếu trách nhiệm trong việc ký tờ trình đề nghị nâng quyền phán quyết cho Chi nhánh Nam Hà Nội cho doanh nghiệp vay hơn 300 tỷ đồng. Tổng hợp sai phạm, bị cáo Tân bị quy kết phải liên đới chịu trách nhiệm về khoản thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng.

Về khoản “quà tặng” 310.000 USD, bị cáo Tân cho rằng, mình chỉ nhận 60.000 USD từ thuộc cấp. Liên quan đến trách nhiệm giám sát các giao dịch, ông Tân nói mỗi ngày ngân hàng xử  lý 17 triệu giao dịch, nên không thể nhớ tỉ mỉ một giao dịch nào. “Đối với giao dịch của chi nhánh, ông có giám sát không?” - vị chủ tọa đặt câu hỏi. “Thả gà ra đuổi, tôi không thể đuổi được vì chân tôi mỏi lắm” - ông Tân đáp.

HĐXX hỏi bị cáo Hoàng Anh Tuấn (SN 1962, Ủy viên HĐQT Agribank, bị truy tố về hành vi Thiếu trách nhiệm). Ông Tuấn bị kết luận đã nâng quyền phán quyết cho Giám đốc Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội, từ đó chi nhánh này đã cho Cty Lifepro vay đến 400 tỷ đồng (80 tỷ đồng giám đốc chi nhánh đã cho vay trước đó, sau này nâng thêm 320 tỷ đồng). Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng không thể nắm được việc Chi nhánh Nam Hà Nội cho vay ngoài hạn mức. “Đó là trách nhiệm của giám đốc chi nhánh” - ông Tuấn khai tại tòa.

Không tài sản thế chấp, vẫn vay được hàng trăm tỷ đồng

Nói về mối quan hệ của Chi nhánh Nam Hà Nội với Lê Minh Hiếu (SN 1974, Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Vietmade và Cty Lifepro), bị cáo Chử Thị Kim Hiền (cựu Phó giám đốc Chi nhánh Nam Hà Nội) cho biết, bản thân không nắm rõ phía doanh nghiệp của bị cáo Hiếu đã có quan hệ với chi nhánh từ trước. Tại phần khai hôm qua (21/12), bị cáo Phạm Thị Bích Lương (cựu Giám đốc Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội) khẳng định doanh nghiệp của Hiếu và chi nhánh đã có mối quan hệ thân thiết, được coi là “khách ruột” của ngân hàng. HĐXX tiếp tục yêu cầu bị cáo Hiền làm rõ hành vi giải ngân với Cty Lifepro, song, bị cáo này nói không nhớ chính xác.

Về khoản “lại quả”, cựu Phó giám đốc Chi nhánh Nam Hà Nội khai đã có một món quà 3 tỷ đồng từ Lê Minh Hiếu. Theo lời khai tại tòa, Hiếu đã đến trụ sở chi nhánh để chia tiền cho Hiền, Lương và các thuộc cấp. “Số tiền được anh Hiếu chia theo từng phong bì. Riêng bị cáo nhận 800 triệu” - bị cáo Hiền khai.

Ngay sau đó, chủ tọa gọi hỏi bị cáo Lê Minh Hiếu (bị truy tố theo tội danh Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ). Theo bị cáo Hiếu, khi tiếp cận Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội, bà Hiền nói sẽ xem xét cho vay. Theo cáo trạng, cựu giám đốc chi nhánh cùng cấp phó đã bàn bạc với Hiếu để tìm cách giải ngân cho doanh nghiệp của Hiếu, cụ thể là hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Cty Lifepro với Cty Enzo Việt Nam để mua nguyên vật liệu triển khai dự án dệt - nhuộm - may. Trên thực thế, Cty Enzo đã hết hạn mức cho vay tại Agribank Nam Hà Nội. Do vậy, bộ ba trên đã bàn bạc sử dụng pháp nhân của Cty Lifepro và Cty Vietmade của Hiếu để làm các hợp đồng liên kết kinh tế nhằm được giải ngân. Tuy nhiên, kết quả điều tra thể hiện không có việc nguyên liệu nhập về nhà máy, gây thiệt hại cho Chi nhánh Nam Hà Nội hơn 420 tỷ đồng.

Biến doanh nghiệp bết bát thành làm ăn có lãi

Liên quan đến nội dung dư nợ của các doanh nghiệp tại ngân hàng, bị cáo Hiếu thừa nhận khoảng hơn 420 tỷ đồng và không có khả năng thanh toán. “Bị cáo có biết vì sao không có khả năng thanh toán không?”. “Dạ, bị cáo không biết” - Hiếu đáp. Ngay lập tức, vị chủ tọa đã giải thích, lý do chính là các khoản vay không hề có tài sản thế chấp.

Thẩm vấn về hành vi chỉnh sửa hồ sơ doanh nghiệp, Tòa yêu cầu bị cáo Hiếu giải thích việc trong giai đoạn 2009 đến 2010 Hiếu làm ăn thua lỗ, song sau đó đã chỉnh sửa tài liệu thành có lãi. “Ai đã chỉnh sửa hồ sơ” - một thành viên trong HĐXX hỏi. “Dạ, đó là anh Long ở phòng tín dụng hướng dẫn”- Hiếu đáp.  Trả lời câu hỏi việc “hô biến” từ một doanh nghiệp làm ăn bết bát sang có lãi là đúng hay sai, Hiếu cho rằng, đó là sự “linh hoạt” của ngân hàng, doanh nghiệp chỉ biết vay, còn có cho vay hay không thuộc thẩm quyền của ngân hàng.

Hôm nay, Tòa tiếp tục với phần thẩm vấn.

Giám đốc chi nhánh không cho nhân viên giám sát?

Cựu Trưởng phòng Tín dụng Chi nhánh Nam Hà Nội – bị cáo Hoàng Thị Thu Hiền khai, không hề lơ là trong việc giám sát tiến độ sản xuất. Bằng chứng là bà Hiền đã cử Đỗ Tiến Long (nhân viên tín dụng) xuống nhà máy để xem xét, theo dõi, giám sát. HĐXX cho gọi bị cáo Long. Ông Long khẳng định có xuống giám sát 1 lần. Sau đó, Long nhận được điện thoại của giám đốc chi nhánh yêu cầu dừng giám sát với lý do xuống nhiều sẽ gây phiền nhiễu cho doanh nghiệp…

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.