Vụ “đại án nghìn tỷ ở Agribank”: Chỉ thẩm định dự án trên giấy tờ

Các bị cáo trong phiên xử hôm nay.
Các bị cáo trong phiên xử hôm nay.
TPO - Chiều nay, 21/12, sau phần công bố bản cáo trạng, chủ toạ phiên xét xử cựu Tổng giám đốc Agribank cùng đồng phạm chuyển sang thẩm vấn các bị cáo. Được gọi hỏi đầu tiên, cựu phó giám đốc chi nhánh Agribank Nam Hà Nội thừa nhận chỉ thẩm định kết quả dự án trên giấy tờ.

Tích cực hỗ trợ cấp trên

Bị cáo Chử Thị Kim Hiền (SN 1958, cựu Phó giám đốc Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội) là người được chọn mở màn cho phiên thẩm vấn. Bà Hiền bị truy tố 2 tội Vi phạm quy định về cho vay và Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ.

Quá trình điều tra, bà Hiền được cho là đã hỗ trợ tích cực giám đốc chi nhánh trong quá trình giải ngân hơn 2.000 tỷ đồng. Cụ thể, bà Hiền được xác định đã giúp Giám đốc Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội – Phạm Thị Bích Lương phụ trách tín dụng, chủ động chỉ đạo điều hành các đơn vị liên quan xây dựng, thực hiện chương trình công tác chuyên đề, nhân danh giám đốc giải quyết công việc trong phạm vi phân công uỷ quyền.

Trong vụ án, cựu phó giám đốc chi nhánh đã tích cực trong toàn bộ hành vi của giám đốc; tham gia lập hồ sơ đề nghị nâng quyền phán quyết cho vay đối với Cty Lifepro Việt Nam không có căn cứ, không thẩm định mà chỉ dựa trên thông tin do doanh nghiệp cung cấp. Bị cáo Hiền cũng là người tham gia trình lãnh đạo Agribank nâng quyền phán quyết cho Cty Lifepro, trực tiếp tham gia quá trình thẩm định, giải ngân đối với doanh nghiệp nói trên.

Quá trình hoàn thiện hồ sơ thủ tục giải ngân, cấp phó được cho đã không tổ chức kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng vốn sau cho vay, do đó, không phát hiện được ngân hàng bị lừa đảo, lạm dụng trong khoản tiền hơn 2.000 tỷ đồng.

Tại cơ quan điều tra, bà Hiền đã thừa nhận hành vi trên được tổ chức theo sự chỉ đạo của cấp trên, cụ thể là bà Phạm Thị Bích - cựu Giám đốc Chi nhánh. Liên quan đến dự án của Cty Lifepro, bị cáo Hiền đã trực tiếp tham gia thủ tục giải ngân khoản 50 triệu USD để doanh nghiệp này mua 6 thương hiệu.

Theo đó, bị cáo Hiền đã sang Thái Lan làm việc với đối tác nước ngoài về khoản vay, ký báo cáo thẩm định về dự án vay vốn của Cty Lifepro. Kết quả điều tra thể hiện, trong nhiều lần giải ngân cho Cty Lifepro, bà Hiền đã vi phạm nhiều quy tắc bắt buộc trong quy chế cho vay của tổ chức tín dụng. Đơn cử như việc không tiến hành thẩm định, chưa có tờ trình giải ngân, thậm chí chưa có phê duyệt của lãnh đạo chi nhánh.

Với những sai phạm này, bị cáo Chử Thị Kim Hiền bị cáo buộc phải chịu tách nhiệm liên đới cùng cấp trên về khoản tiền hơn 2.000 tỷ đồng.

Trong hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, cựu phó giám đốc chi nhánh còn bị cáo buộc đã nhận khoản tiền “lại quả” 3 tỷ đồng của một doanh nghiệp liên quan đến khoản vay hơn 420 tỷ đồng, không có khả năng thanh toán.

“Không nhớ nhưng khai tại cơ quan điều tra là đúng”

Tại toà, bị cáo Hiền cho rằng không còn nhớ đã ký nháy vào các tài liệu liên quan đến tính khả thi của dự án thuộc Cty Lifepro để nâng quyền phán quyết, cho doanh nghiệp này vay. Thấy vậy, chủ toạ phiên toà đã nhắc, quá trình khai nhận tại cơ quan điều tra, bị cáo đã thừa nhận có ký. “Bị cáo không nhớ nhưng lời khai tại cơ quan điều tra là đúng” – bà Hiền trình bày. Cũng theo bị cáo này, thẩm quyền phê duyệt các nội dung thẩm định dự án thuộc về giám đốc chi nhánh, tức là bà Phạm Thị Bích Lương.

Liên quan đến các khoản giải ngân cho thương vụ mua 6 thương hiệu của Cty Lifepro, bị cáo Hiền khẳng định đã làm theo chỉ đạo của cấp trên và không được hưởng lợi.

Tuy nhiên, bà Hiền thừa nhận đã được bà Lương cho  50.000 USD  từ thương vụ liên quan đến Cty Enzo Việt và 800 triệu đồng từ khoản tiền “lại quả” 3 tỷ từ Lê Minh Hiếu, Giám đốc Cty cổ phần Vietmade.  

Liên quan đến hoạt động thẩm định dự án, bị cáo Hiền thừa nhận đã có sai phạm khi chỉ đánh giá kết quả của Cty Lifepro trên giấy tờ.

HĐXX tiếp tục phần thẩm vấn các bị cáo liên quan đến khâu thẩm định hồ sơ dự án. Theo đó, các bị cáo Trương Thị Út (SN 1967, cựu Trưởng phòng tín dụng Chi nhánh Nam Hà Nội) và Đỗ Tiến Long (SN 1975, cán bộ tín dụng) đều cho rằng, việc ký vào văn bản thẩm định nhằm hợp thức hồ sơ và đó là những tài liệu đã được chuẩn bị từ trước, các bị cáo này chỉ việc đặt bút ký.

“Đến khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo mới biết chủ sở hữu các thương hiệu đó là không có thật” – bị cáo Long cho hay.

Ngày mai, 22/12, Toà tiếp tục thẩm vấn các bị cáo.

MỚI - NÓNG