- Nếu như trong tập 1, Tết này ăn gì mang đến hình ảnh của làng quê đồng bằng Bắc bộ với nhưng món như Măng hầm xương, Thịt nấu đông thì ở tập 2, Lâm Vỹ Dạ lại đưa khán giả đến với vùng đất Kinh đô Huế- Mảnh đất mang đậm chất văn hoá truyền thống với những phong tục và món ăn độc đáo của xứ Kinh đô một thời.
Khách mời trong phần 2 của Tết này ăn gì là ca sỹ Long Nhật, một người con của xứ Huế đã cùng với Lâm Vỹ Dạ đưa khán giả vào căn bếp cung đình với mô hình “Ngự Lâm Viên - Huế thu nhỏ". Long Nhật đã cùng với Lâm Vỹ Dạ chế biến 2 món ăn đặc trưng cho ngày Tết ở Huế là món Bò kho mật mía và Mứt gừng.
Với Bò kho mật mía xuất xứ từ xứ Nghệ, món này hội tụ đầy đủ ngọt, mặn, chua, cay, bùi, đắng, chát và thơm nồng nàn mùi gia vị từ gừng, là tinh hoa của ẩm thực của miền Trung. Còn món mứt gừng là một trong những loại mứt có vị ngọt thanh, cay nhẹ và gừng là vị thuốc dân gian chữa được nhiều loại bệnh, vô cùng tốt cho sức khỏe. Bên cạnh đó, mứt gừng chấm muối còn là món ăn truyền thống trong đêm động phòng của cô dâu chú rể người Huế.
Trong đêm tân hôn, đại diện người trong gia đình có cuộc sống viên mãn hạnh phúc sẽ là người mang gừng và muối vào phòng cô dâu chú rể, gừng sẽ chấm muối sau đó cô dâu chú rể mỗi người cắn một nửa với ý nghĩa “Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”, mong muốn họ sẽ có một cuộc sống hạnh phúc bên nhau mãi về sau.
Vừa trổ tài chế biến, các nghệ sỹ còn giới thiệu ý nghĩa của từng món ăn truyền thống trong ngày Tết tại miền Trung cũng như thi đó vui về các loại bánh. Theo Long Nhật, nhắc đến Tết miền Trung không thể không kể đến những loại bánh truyền thống được làm thủ công ngon miệng đẹp mắt. Người miền Trung có quan niệm, ngày đầu tiên của năm mới thì nên đón chào những thứ thanh tao ngọt ngào. So với bánh chưng, bánh tét, giò, chả... và các món ăn đa dạng khác của hai miền Bắc - Nam vào dịp Tết thì những món bánh ngọt lại là đặc trưng của những người con miền Trung.