Nguyễn Phan Linh Đan: Không chịu làm con nhà giàu

Chân dung Nguyễn Phan Linh Đan
Chân dung Nguyễn Phan Linh Đan
TP - Dăm năm trước, tôi gặp Nguyễn Phan Linh Đan lần đầu khi cô đang học cấp 3 ở một Trường Quốc tế tại Hà Nội. Bây giờ gặp lại, Linh Đan đã là một đạo diễn, đạo diễn hình ảnh xông xáo. Cô vẫn đi về giữa Mỹ và Việt Nam với những dự án phim ảnh ở cả hai đất nước. 

Nguyễn Phan Linh Đan may mắn được sinh ra trong một gia đình nổi tiếng: Ông ngoại của cô chính là nhà phê bình văn học Ngô Thảo. Bà nội của cô là người đầu tiên dịch “Nỗi buồn chiến tranh” ra tiếng Anh, nữ dịch giả Phan Thanh Hảo. Cha mẹ cô chính là những ông chủ, bà chủ của Công ty BHD nổi tiếng trong lĩnh vực truyền thông, giải trí, nghệ thuật. Cha cô, Nguyễn Phan Quang Bình cũng là một đạo diễn tên tuổi, “Cánh đồng bất tận” chính là một trong những “đứa con” thành công của anh.

Nhưng Linh Đan không có gì chứng tỏ con nhà giàu. 14 tuổi  Đan đã đi làm thêm ở quán ăn. Đan có nhiều tài lẻ như vẽ tranh, chụp ảnh. Bán tranh cũng là một cách giúp cô có thu nhập riêng để duy trì đam mê nhiếp ảnh. 16 tuổi cô gái đã có ảnh đăng trên trang web của tạp chí Vogue. 18 tuổi Linh Đan sang Mỹ du học về điện ảnh tại New York University-Tisch School of The Arts, một trong hai trường đại học điện ảnh hàng đầu nước Mỹ.  Năm thứ 2 đại học, bộ phim “Lost” do Nguyễn Phan Linh Đan làm đạo diễn hình ảnh được chọn tham dự LHP Cannes 2016 ở thể loại “Góc phim ngắn” (Short Film Corner). Nhân dịp này một nhà báo quốc tế đã phỏng vấn Đan về cảm giác khi là sinh viên nhưng đã có phim được chọn tham dự LHP danh giá. Ký giả nước ngoài miêu tả: “Mặt cô tái nhợt và chỉ nhìn chăm chăm xuống đất. Vóc dáng nhỏ nhắn, có vẻ như cô còn muốn thu mình lại cho nhỏ hơn nữa, tránh khỏi mọi sự chú ý”.  

Linh Đan là một trong những sinh viên xuất sắc của trường nên được chọn làm dự án phim tốt nghiệp. Nhưng khi cô giới thiệu dự án, các giảng viên lắc đầu. Bởi dự án cần đầu tư lớn, trong khi Đan chỉ  gọi được một nửa số tiền cần thiết.  Trước sự kiên định đến bướng bỉnh của trò, một thành viên trong hội đồng duyệt dự án đã chấp nhận  cho Đan một cơ hội. Cô hăm hở vào cuộc. Với sự ủng hộ của cộng đồng người Việt tại Mỹ, cuối cùng dự án đã thành công hơn mong đợi. Sau này, Đan  được mời trở lại trường để nói chuyện với sinh viên về dự án phim “không tưởng” này. Tôi thắc mắc, vì sao Đan không nhờ cha mẹ giúp đỡ khi dự án gặp khó khăn về tài chính? Cô nói: “Tôi muốn tự tôi phải làm được. Vì bố mẹ tôi cũng  đi lên từ đôi bàn tay trắng”.

Mồng 7 tháng 2 tới đây, bộ phim do Linh Đan làm đạo diễn hình ảnh “Bí mật của gió” với sự góp mặt của nhiều tên tuổi như NSƯT Hữu Châu, NSƯT Ngọc Hiệp, Hoàng Yến Chibi, Yu Dương sẽ khởi chiếu trên toàn quốc. Teaser Trailer vừa tung ra, khán giả đã xuýt xoa về một Đà Lạt đẹp đến nao lòng. Trước đó, “Bí mật của gió” đã tham dự LHP Quốc tế Busan 2019. “Đây là phim tình cảm hơi fantasy (kỳ ảo), kể về một cô bé và  một cậu bé ma”, Nguyễn Phan Linh Đan tiết lộ. “Bí mật của gió” là một thách thức về mặt hình ảnh bởi tạo hình  ma rất khó.  Cô và ê kíp chọn tháng 2, tận dụng mùa sương Đà Lạt ảo diệu thích hợp  để đặc tả ma. Bộ phim không có cảnh nóng,  cũng không có cảnh nào gây sợ nhưng “vì nhân vật là ma nên cấm người dưới 16 tuổi”, Đan cười buồn. Theo cô đây là điều đáng tiếc bởi phim bị dán mác “16+” khiến đối tượng khán giả bị thu hẹp lại.

Linh Đan bối rối khi ở Việt Nam các nhà làm phim không biết mình được sáng tạo thế nào bởi chẳng có luật lệ rõ ràng. Một chuyện khác khiến Đan bị “khủng hoảng” khi làm “Bí mật của gió”: “Ngay trong teaser trailer  chúng tôi phải sửa “thời kháng chiến chống Mỹ” thành “Thời chiến tranh”.  Tôi  không hiểu tại sao không được dùng “thời kháng chiến chống Mỹ”?  Ở Mỹ, những người làm phim được tự do. Ở trên đất mẹ, nói một câu giống như sách giáo khoa cũng bị tuýt còi?”. Ngay cả thời gian lao động của người làm phim ở Việt Nam cũng khiến Đan không tin nổi: “Bản thân tôi từng làm 25 tiếng liên tục. Ở Mỹ, làm việc quá 12 tiếng nhà sản xuất phải xin lỗi cả đoàn phim, phải hỏi mọi người có đồng ý làm thêm một tiếng và nhận gấp đôi tiền hay không? Nếu không đồng ý họ có thể ra về mà nhà sản xuất không thể làm gì được”…  Cơ chế kiểm duyệt phim và sự thiếu chuyên nghiệp khi làm phim ở trong nước là day dứt không chỉ của riêng Đan. Trong tương lai Linh Đan sẽ về nước hẳn. Hiện tại, cô đang sống và làm việc ở New York, dù cuộc sống ở đây chẳng dễ dàng gì.

Ngay tại nước Mỹ, rất ít phụ nữ chọn  nghề đạo diễn hình ảnh vì vất vả so với sức vóc chị em: “Ở Mỹ có Hội  Bảo vệ những người làm trong nghề đạo diễn hình ảnh. Thời gian gần đây phụ nữ mới được gia nhập hội. Trước đây, những phụ nữ làm nghề này đến thời kỳ sinh nở gặp nhiều khó khăn, không kiếm được việc làm”, Đan chia sẻ.  Khi mới đi làm, Đan sẵn sàng làm chân giúp việc lon ton: Bê chân máy cho người khác, chuẩn bị thiết bị để mọi người làm việc…Dần dần, cô mới được chấp nhận ở vị trí đạo diễn hình ảnh. Nhưng chưa phải mọi việc đã thuận lợi, một cô gái Việt Nam nhỏ bé chỉ đạo một ê kíp toàn những đàn ông ngoại quốc cao to khiến Đan  phải nỗ lực hết mình, để người ta tin “nhỏ mà có võ”.

Về Việt Nam làm việc một thời gian, cô nhận ra ở trong nước “rất rất hiếm phụ nữ theo nghề đạo diễn hình ảnh” nên cô bị nghi ngại nhiều hơn và phải chứng tỏ mình nhiều hơn khi ở Mỹ. “Có khi tôi trực tiếp cầm máy quay, người ta nhìn tôi với ánh mắt lo lắng, chỉ sợ tôi làm rơi máy” Đan kể.  Họ không biết rằng, ở Mỹ, con gái của ông chủ BHD đã quá quen với việc bê vác. Nguyễn Phan Linh Đan còn nhiều điều lạ lắm! Chẳng hạn, cô âm thầm học lái máy bay vì từng mơ ước trở thành phi công.  Những năm học đại học, cô còn học thêm một ngành phụ: Điêu khắc. Tôi hỏi cô có định làm một triển lãm để khoe những gì mình làm được không? Đan đáp: “Tôi muốn phân định rạch ròi giữa kiếm sống và… chơi”.  Điêu khắc là cuộc chơi của riêng cô, đã là cuộc chơi thì  không cần người ta phải vỗ tay cổ vũ. Hiện nay, cô đang dành thời gian để thực hiện một dự án điện ảnh tâm huyết ở Việt Nam. Đan tin vào tương lai của phim Việt.

Nguyễn Phan Linh Đan: Không chịu làm con nhà giàu ảnh 1 Tác phẩm điêu khắc của Đan

Bạn bè, thầy cô trong trường đại học không biết điều kiện tài chính của gia đình Linh Đan. Những người bạn thân nhất cũng không biết họ đang chơi với một “rich kid” thứ thiệt. Ngay cả phóng viên quốc tế cũng không khai thác được gì từ Đan, họ viết: “Cô ấy vẫn chỉ muốn ăn bánh sô cô la và đi tàu điện ngầm”.  Khi tôi gặp Đan ở Hà Nội cũng bất ngờ vì cô giản dị quá, ngay chiếc điện thoại cũng “lạc quẻ” so với dân chơi. 

“Tôi nghĩ người Việt nói riêng, người châu Á nói chung, làm phim không kém. Như phim “Ký sinh trùng” (Hàn Quốc)  sang Mỹ đã trở thành phim châu Á kiếm được nhiều tiền nhất. Người Mỹ rất “nể” “Ký sinh trùng”.
Nguyễn Phan 
Linh Đan

MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.