Trĩu tâm tư
Khi các bạn cùng xóm trọ rộn ràng rủ nhau đi chợ Tết mua bánh kẹo, áo mới, sắp sẵn đồ về quê ăn tết, Nguyễn Thị Thùy (quê Quảng Bình, công nhân Cty giày Linh Thủy (Q.12, TPHCM) nhẩm tính số tiền gửi về quê. “Em mới vào Sài Gòn làm công nhân hơn một năm, lương thưởng tết không bao nhiêu, cũng chưa có chế độ được tặng vé xe về quê đón Tết nên quyết định ở lại. Em gom hết số tiền gần 10 triệu đồng dành dụm suốt cả năm qua gửi mẹ lo tết, mua áo mới cho các em. Tết có mấy ngày thôi mà, sẽ qua nhanh thôi” - Thùy tự an ủi.
Lý do chị Trần Lê Thu (37 tuổi, quê Nghệ An), công nhân may mặc ở Dĩ An (Bình Dương) không dám về quê vì về là trắng tay. Chị thở dài: “Lương, thưởng công ty vẫn trả đầy đủ nhưng chỉ đủ để trang trải cuộc sống. Lương hai vợ chồng cộng lại được khoảng 11 triệu đồng/tháng; tiền thuê nhà, điện nước hết 1,5 triệu đồng. Tiền ăn và gửi về quê nuôi con, ba mẹ già nếu biết chắt chiu sẽ vừa đủ. Cuối năm, nếu gom góp về quê thì qua Tết không biết lấy gì để bù. Thế nên, cứ ở lại đất khách kiếm việc làm thêm”.
Ở Bình Dương, một số công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp cho hay, thưởng Tết qua Tết mới có khiến họ rất nản. Anh Trương Đan Huy (CN tại một công ty trong khu công nghiệp Việt Hương, tỉnh Bình Dương) thất vọng: “Những năm qua, cứ tết lại thấy tủi thân. Công ty không những không thưởng mà còn “xù” lương tháng cuối và hẹn qua tết vào thanh toán. Chúng tôi làm cả năm chỉ chờ đến Tết có tiền về nhà, giờ qua tết công ty mới thanh toán chẳng khác nào đẩy chúng tôi vào đường cùng”.
Trong khi đó, nhiều công nhân ở Đồng Nai lại phấn khởi vì được hỗ trợ về quê đón Tết. Chị Mai Thị Giang (CN Công ty cao su Kenda Việt Nam, H.Trảng Bom) xúc động: “5 năm rồi, nay tôi mới được đoàn tụ, sum vầy cùng gia đình mấy ngày tết. Cuộc sống khó khăn, lương 2 vợ chồng chỉ đủ chi tiêu hàng tháng nên nghĩ đến việc về quê chỉ có trong mơ. Vậy mà giờ giấc mơ ấy đã thành hiện thực”. Trong khi đó, gia đình anh Nguyễn Văn Hùng (CN Công ty Fujisu, KCN Biên Hòa 2) quyết định đưa con về quê thăm ông bà trước tết. Lý do là chi phí đi lại chưa đắt đỏ, ông bà chỉ cần thấy con cháu về cũng ấm lòng chứ không nhất thiết phải về đúng tết.
Biết nhiều công nhân không có điều kiện về quê ăn tết, năm nào cũng vậy, cô Bùi Thị Bên (nữ chủ nhà trọ P.Tăng Nhơn Phú A, Q.9, TPHCM) tổ chức gói bánh chưng, bánh tét, muối dưa cà tặng CN. Cô Bên bộc bạch: “Ai cũng có quê hương, ai cũng muốn về nhà ngày tết. Nhưng do hoàn cảnh, điều kiện nên nhiều anh chị em không thể về. Tôi muốn chia sẻ, động viên để các em tuy ở lại nhưng vẫn cảm thấy ấm áp, yêu thương”.
Bán Tết quê, mua Tết trọ
Chị Phan Thị Tú (39 tuổi, Yên Thành, Nghệ An), đang làm việc cho một công ty may ở quận Bình Tân, TP HCM cho biết, hơn 3 năm nay, gia đình chị chưa được về quê ăn Tết.
Từ lúc chị sinh đứa thứ hai, thu nhập của hai vợ chồng chỉ đủ trang trải cuộc sống nên mỗi lần về quê là một lần tốn kém. Chị Tú nhẩm tính, nếu về quê, riêng tiền xe của gia đình cả đi lẫn về đã mất khoảng 7 triệu đồng, chưa kể, các chi phí quà cáp khác.
“Mỗi lần về Tết, có thể mất vài tháng lương. Mấy hôm nay, người nhà gọi vào hỏi thăm “Tết này em có về không? Nhưng điều kiện tài chính khó khăn quá nên mình cũng chỉ biết ngậm ngùi hứa hẹn sang năm thôi”, chị Tú nói.
Chị Tú cho biết, đối với những gia đình không về quê ăn Tết, từ đêm 30 Âm lịch sẽ tụ tập đón giao thừa tại xóm trọ. Ở khu chị sống, có cả xóm đồng hương. Dù cảnh đón Tết không ấm cúng bằng ở quê nhưng cũng vơi đi phần nào. Chị bảo đó là cảnh “bán Tết quê, mua Tết trọ” của những công nhân đi làm ăn xa.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, gia đình anh Lê Văn Tiến (31 tuổi, Đức Thọ, Hà Tĩnh) năm nay cũng bất đắc dĩ đón Tết ở phòng trọ. Mọi năm, cứ tầm 25 Tết, cả gia đình lại đi xe máy về quê ăn Tết. Nhưng năm nay, vợ anh lại vừa trải qua cơn ốm nặng nên vợ chồng anh quyết định ở lại.
Những ngày này, anh Tiến tích cực tăng ca và bảo dưỡng lại chiếc xe máy để tranh thủ làm thêm vào những ngày nghỉ Tết. Anh bảo, cái Tết của đôi vợ chồng trẻ rất đơn giản, không mua sắm gì nhiều. Vợ đi chợ mua ít gạo nếp, thịt, bánh mứt. Còn anh chờ ngày cuối năm ra chợ hoa mua chậu mai mang về phòng cho có chút không khí Tết. “Hoàn cảnh gia đình không mấy khá giả nên đành phải chấp nhận để có đồng ra đồng vào. Vào ngày đầu năm, cả gia đình có thể đi thăm thú ở một vài nơi mà cả năm chưa đi được”, anh Tiến bùi ngùi nói.
ảnh: Uyên Phương
Tất bật sắm Tết sớm
Tại Hà Nội những ngày này, dãy cây ATM trước cổng KCN Bắc Thăng Long luôn đặc kín người. Mỗi chiều, hàng chục công nhân lại xếp từng hàng đợi rút tiền sắm Tết. Năm nay, không khí Tết dường như đến sớm hơn so với mọi năm.
Bước ra từ cây ATM, chị L.T.H (36 tuổi, Tĩnh Gia, Thanh Hóa) cho biết, vừa nhận lương tháng 12 và thưởng Tết Dương lịch. Tất cả được hơn 10 triệu đồng.
“Nhận được tiền, tôi dự định mua cho 2 con gái ít quần áo, còn lại sẽ gửi về mua cho ông bà cái máy giặt”, chị H nói.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại các khu chợ, shop quần áo ở KCN Bắc Thăng Long, lượng người mua sắm cũng đông đúc hơn. Các mặt hàng bán chạy như quần áo, giày dép, trang sức, vali, túi xách, đồ gia dụng….Chị Quỳnh, một tiểu thương ở chợ Mun (thôn Bầu, xã Kim Chung, Đông Anh) cho biết, bình thường tầm 21h các cửa hàng đã đóng cửa, nhưng từ đầu tháng đến nay, các cửa hàng mở tận tới 23h đêm. “Năm nay, nguồn hàng dồi dào, giá thành rẻ nên nhiều công nhân cũng mạnh dạn chi tiền. Có người còn đặt hàng trước tận nửa tháng gửi trước về quê để làm quà Tết”, chị Quỳnh chia sẻ.
Tại KCN Yên Phong (Bắc Ninh), nơi có khoảng 70 nghìn công nhân đang làm việc cũng bắt đầu rộn ràng không khí Tết. Khu chợ Chi Long (xã Long Châu, Yên Phong) mới đầu giờ chiều đã tấp nập người bán, kẻ mua. Tại đây, còn có chương trình hội chợ giới thiệu sản phẩm, bán hàng giảm giá ngày Tết. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tổ chức chương trình tất niên, tặng quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Chị Lê Thị Thu (27 tuổi, Vũ Thư, Thái Bình), công nhân Sam Sung Display Việt Nam (SDV) cho biết, với mức lương chỉ 7 triệu đồng/tháng, việc mua sắm ngày Tết của công nhân thường rất hạn chế. Năm nay, công ty tổ chức các chương trình mua sắm giảm giá với một số đơn vị khác, người lao động có cơ hội sắm Tết đầy đủ hơn.
Anh Trương Đan Huy (CN tại một công ty trong khu công nghiệp Việt Hương, tỉnh Bình Dương) nói: “Những năm qua, cứ tết lại thấy tủi thân. Công ty không những không thưởng mà còn “xù” lương tháng cuối và hẹn qua tết vào thanh toán. Chúng tôi làm cả năm chỉ chờ đến Tết có tiền về nhà, giờ qua tết công ty mới thanh toán chẳng khác nào đẩy chúng tôi vào đường cùng”.
“Mỗi lần về Tết, có thể mất vài tháng lương. Mấy hôm nay, người nhà gọi vào hỏi thăm “Tết này em có về không? Nhưng điều kiện tài chính khó khăn quá nên mình cũng chỉ biết ngậm ngùi hứa hẹn sang năm thôi”.
Chị Phan Thị Tú